Dự án sử dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến bậc nhất hiện nay với hệ thống giá xoay theo công nghệ của Ideematec (Đức), được thiết kế xoay theo hướng nắng với biên độ góc thay đổi 110 độ, giúp cho các tấm pin khai thác tối đa lượng bức xạ mặt trời, mang lại sản lượng điện năng cao hơn 19.5% so với giá đỡ cố định thông thường, có khả năng chống chịu được sức gió bão mạnh cấp 12.
Đồng thời hệ thống giá xoay dài, hiện đại giúp cho việc thi công bám sát và không làm thay đổi địa hình thực tế, nên không phá vỡ môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, dự án sử dụng các tấm pin đơn tinh thể Mono Perc của hãng Sunpower (Mỹ) có công suất 410Wp và 415Wp với hiệu suất tương ứng là 19,9% và 20,1%.
Lễ khánh thành Nhà máy điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước (Ảnh: Tập đoàn Hà Đô) |
Riêng trạm biến áp 22/110kV do Tập đoàn Toji thiết kế và cung cấp lắp đặt với 100% thiết bị của ABB cùng với công nghệ biến tần chuỗi String Inverter, có khả năng giám sát độc lập các chuỗi pin, giúp phát hiện sớm sự cố và giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra, dễ dàng sửa chữa thay thế với mức chi phí thấp, đảm bảo hệ số khả dụng nhà máy luôn duy trì ở mức cao nhất. Ngoài ra, dự án còn sử dụng hệ thống trạm biến áp thông minh STS 0.8/22kV kết hợp bộ góp công suất lên tới 6.3MW, giúp giảm giá thành đầu tư, giảm tổn thất truyển tải.
Ông Chu Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Surya Prakash Việt Nam thuộc Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư cho biết - dự án do chính các CBCNV của Tập đoàn Hà Đô trực tiếp nghiên cứu công nghệ, triển khai thiết kế trên nền tảng ý tưởng tư vấn Terabase Mỹ, quản lý nhập khẩu thiết bị và tổ chức đầu tư xây dựng, sử dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến của các nước G7, nhờ đó đã mang lại điện lượng cao hơn công nghệ giá đỡ cố định đến 25% đồng nghĩa với việc tiết kiệm 25% đất đai và ổn định, điện lượng hàng năm đạt 98 triệu kWh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hà Đô cho biết - Đây là nhà máy điện mặt trời thứ 2 và là nhà máy điện tái tạo thứ 5 của Tập đoàn Hà Đô phát vào lưới điện quốc gia, dự án đã góp phần đưa tổng sản lượng điện của Tập đoàn lên lưới quốc gia là 1500 triệu kW/h.
Nhà máy đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn với môi trường, không mang lại ảnh hướng từ bụi, tiếng ồn hay chất thải công nghiệp. Các tấm pin mặt trời chế tạo bằng công nghệ bán dẫn không gây độc hại với môi trường hoàn toàn có khả năng tái chế sau khi hết niên hạn sử dụng.
Song song với đó, công tác xã hội cũng được Tập đoàn Hà Đô coi trọng, trong quá trình đầu tư dự án, Tập đoàn đã thực hiện cải tạo đường nội thôn Phước An - xã Phước Vinh với chiều dài 2km, trị giá gần 3 tỷ đồng, hỗ trợ đèn chiếu sáng đường thôn Phước An, hỗ trợ lắp đặt camera giám sát an ninh tại hai xã Phước Thái, Phước Hậu.
Chúc mừng khánh thành dự án, ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ:“ Tôi đề nghị các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn trong quá trình hoạt động và phát triển. Đồng thời tôi cũng mong rằng, Tập đoàn sẽ triển khai nhiều dự án đầu tư hơn nữa tại địa phương mà trước mắt là dự án điện gió 7A tại huyện Thuận Nam”.
Nhân dịp này ông Nguyễn Trọng Minh cũng đã gửi lời cảm ơn đến Lãnh đạo chính quyền các cấp tại địa phương, cùng các bộ, ngành ở trung ương, các đối tác, nhà thầu cùng các chuyên gia, CBCNV trong Tập đoàn Hà Đô cùng nhân dân địa phương đã hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Phong Vũ
Định hướng quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thành vùng xuất khẩu năng lượng
Theo quy hoạch sự kiến đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là vùng xuất khẩu năng lượng, đặc biệt phát triển mạnh điện gió và điện mặt trời.