Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc cực Nam Trung Bộ, có đường bờ biển dài khoảng 120km. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, Ninh Thuận có điều kiện rất thuận lợi trong việc phát triển nuôi các đối tượng thủy hải sản có giá trị kinh tế. Thực tế trong các năm qua cho thấy nuôi trồng thủy sản ở Ninh Thuận thực sự là thế mạnh của ngành thủy sản và không ngừng phát triển.
Ngày 26/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu chung là phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ, giá trị gia tăng cao, giữ vị trí mũi nhọn trong các ngành hàng xuất khẩu và cung cấp sản phẩm đa dạng cho thị trường trong nước và tham gia hội nhập sâu rộng vào thị trường thủy sản thế giới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến đạt giá trị gia tăng trung bình trên 40% (trong đó: Tôm đạt 60%, thủy sản khác đạt 40%); Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên; Thu hút tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra các giải pháp cụ thể như triển khai hiệu quả Nghị quyết 17/NQ-TU ngày 17/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển kinh tế biển đến 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 22/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế biển đến 2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 11/8/2022 về phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để cung cấp nguồn nguyên liệu thủy sản hàng hóa ổn định phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Song song với đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, cơ cấu lại nghề khai thác hải sản theo hướng đánh bắt xa bờ, hiệu quả, bền vững.
Tỉnh cũng sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô lớn; công nghệ hiện đại, có trình độ quản lý ngang tầm khu vực và thế giới; Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh, nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có quy mô lớn nhập khẩu nguyên liệu chế biến sản phẩm phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đảm bảo tuân thủ các quy định trong nước và quốc tế, tránh gian lận xuất xứ, gian lận thương mại;
Cùng với các giải pháp trên là đẩy mạnh phát triển chế biến các sản phẩm có giá trị tăng cao, thúc đẩy liên kết và tiêu thụ sản phẩm; Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến; Phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành chế biến thủy sản
Bên cạnh đó là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành chế biến thủy sản; Phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ số; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm và thúc đẩy thực hiện việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong và ngoài nước cho sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm thủy sản chế biến truyền thống và đặc sản của địa phương; Hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm thiểu chất thải và xử lý hiệu quả các nguồn thải từ hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến thủy sản.