Trong những năm qua, hoạt động truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã đạt được nhiều thành tựu, giúp cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người dân, tạo ra bước chuyển biến rõ nét về nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy ý chí phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Đồng bào DTTS đa số sinh sống ở miền núi, vùng cao, vùng xa, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc tiếp cận thông tin cũng có những khác biệt so với các vùng đồng bằng và các khu vực khác.

Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, 86% người dân thường xuyên xem truyền hình; 30% nghe đài, 28% đọc báo. Trong đó, 80% công chúng xem/đọc báo chí vì nhu cầu văn hóa, giải trí; 73% quan tâm thông tin về sản xuất nông nghiệp; trên 55% quan tâm tin tức trong nước, chỉ 15% quan tâm thông tin quốc tế; gần 40% quan tâm thông tin về chính sách, pháp luật, nhất là chính sách liên quan đến đồng bào; 27% theo dõi các thông tin về điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi; 28% quan tâm thông tin về y tế, chăm sóc sức khỏe; 25% quan tâm thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật; 42% quan tâm đến thông tin xóa đói giảm nghèo; 9% quan tâm về kinh tế, thị trường giá cả, kinh doanh....

Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã tích cực xây dựng các chương trình, chuyên mục hướng tới công chúng là người DTTS, đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng kinh tế, du lịch của vùng DTTS. Từ năm 1991 đến nay, Nhà nước đã cấp phát báo miễn phí cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn (hiện nay có 19 sản phẩm), Đài Tiếng nói Việt Nam phát 12 thứ tiếng dân tộc, kênh truyền hình VTV5 phát sóng 22 thứ tiếng dân tộc, sóng phát thanh và truyền hình đã phủ sóng đến trên 95% số xã trên cả nước, internet cũng được lắp đặt ở hầu hết các xã. Tuy nhiên, các chương trình truyền hình, phát thanh, báo in ở Trung ương được đồng bào DTTS tiếp cận nhiều hơn so với các chương trình địa phương.

Hệ thống truyền thông trực tiếp ở cơ sở vẫn đang dần được củng cố và phát triển. Ở hầu hết các thôn, bản xa xôi, mạng điện thoại đã được tăng cường, loa truyền thanh, nhà văn hóa thôn, bản, ấp là nơi cung cấp thông tin thường xuyên, thiết thực cho đồng bào.

Hoạt động tuyên truyền miệng được đề cao thông qua già làng, trưởng bản, người uy tín, đội ngũ báo cáo viên, bộ đội biên phòng, giáo viên, cán bộ y tế. Việc treo nhiều panô, áp phích, phát băng đĩa, tờ rơi... đã góp phần tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn đồng bào thực hiện pháp luật, chính sách mới, xây dựng lối sống văn hóa, bảo vệ môi trường, khuyến học, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội truyền thống cũng là dịp lồng ghép truyền thông chính sách mới rất tốt. Phần lớn người DTTS thích xem/nhìn trực quan, sinh động nên dễ tiếp thu thông tin mới trong những dịp lễ hội, văn nghệ, chiếu phim, diễn kịch...

Như vậy, hiện nay từ Trung ương đến địa phương, chúng ta đã có một hệ thống truyền thông cho vùng DTTS khá hùng hậu, với sự tham gia của các cơ quan báo chí lớn nhất cả nước, với đầy đủ các loại hình, thể loại, chuyên mục, chương trình dành riêng cho người DTTS. Nhà nước đã dành khoản kinh phí lớn để cấp phát báo miễn phí đến các vùng DTTS và miền núi đặc biệt khó khăn. Nhiều đài, báo tỉnh viết/phát bằng tiếng dân tộc.

Trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều bài viết hoặc đăng lại các bài đã phát trên báo chí; hệ thống loa, đài truyền thanh, panô, áp phích, khẩu hiệu, băng đĩa, phim ảnh, sách... đã phát huy vai trò cung cấp thông tin cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, hiệu quả truyền thông chưa cao, mức độ tiếp nhận thông tin của đồng bào chưa tương xứng với nguồn lực mà chúng ta đầu tư trong những năm qua.

Bảo Phùng, Kim Duyên, Hồng Hạnh, Phạm Thiện, Hà Sơn