Campuchia là quốc gia láng giềng của Việt Nam có vị trí đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Số lượng người Campuchia gốc Việt sinh sống và làm ăn trên đất nước Campuchia khá đông, chủ yếu ở các tỉnh phía Đông giáp Việt Nam, tại Thủ đô Phnom Penh và tỉnh Seam Reap.

Người Việt sống ở các thành phố chủ yếu là tiểu thương, doanh nghiệp, còn khoảng 70% sống ở các khu vực tỉnh, mưu sinh trên khu vực sông nước. Chính vì vậy, việc bảo tồn và gìn giữ tiếng Việt ở đây còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực và tinh thần dân tộc, cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia đã trao truyền và phát huy tốt ngôn ngữ mẹ đẻ, thôi thúc thế hệ trẻ hướng về Tổ quốc. 

campuchia.webp
Người Việt ở Campuchia luôn chú trọng gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc.

Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia (tiền thân là Hội Liên hiệp Khmer - Việt Nam tại Campuchia) đã được Bộ Nội vụ Campuchia chính thức đưa vào danh sách các hội được phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Campuchia từ năm 2018.

Hội đã có nhiều hoạt động tích cực, hữu ích cho cộng đồng cũng như xã hội sở tại, trong đó thúc đẩy công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào, góp phần xứng đáng vào việc tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước. 

Cùng việc tổ chức vận động bà con chấp hành tốt luật pháp Campuchia, tôn trọng phong tục tập quán của người Khmer và sống hòa đồng với các cộng đồng khác, Hội Khmer - Việt Nam cũng không quên xây dựng trường học để dạy cho con em cộng đồng người gốc Việt. 

Bên cạnh việc học tiếng Khmer, con em cộng đồng người gốc Việt Nam tại Campuchia luôn nhận được sự động viên và giúp đỡ trong việc học tiếng Việt để giữ gìn văn hóa dân tộc, đồng thời có cơ hội học cao hơn và được làm việc trong các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 30 điểm trường, lớp dạy học bằng hai ngôn ngữ là tiếng Khmer và tiếng Việt tại Thủ đô Phnom Penh và 14 tỉnh khác với gần 1.400 học sinh theo học.

Con em cộng đồng người gốc Việt đến các điểm trường, lớp này được học miễn phí theo chương trình của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, đồng thời học tiếng Việt theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Sau khi học hết chương trình tại các cơ sở giáo dục này, nhiều em được chính quyền địa phương tạo điều kiện vào học tiếp tại các trường công lập.

Vào các dịp lễ, Tết truyền thống của người Việt, các trường đều đưa nội dung này vào tiết học và hoạt động ngoại khóa, tạo sự mới mẻ, cuốn hút cho các em khi tìm hiểu về nguồn cội. 

Ban Chấp hành Hội thường xuyên đến các gia đình động viên đưa con em đến các trường, lớp học tiếng Khmer và tiếng Việt, hướng dẫn các cháu nhỏ hướng về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học hành, nhiều gia đình gốc Việt quyết tâm thu xếp công việc để đưa con đến trường.

Ngoài học sinh người gốc Việt, ở một số địa phương, con em người Khmer cũng đến học tại trường do Hội tổ chức. Hiện nay, Hội đã và đang vận động các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ cho con em gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

Để giúp đỡ kiều bào Việt Nam ở Campuchia, nhiều tỉnh, thành phố và cơ sở giáo dục ở Việt Nam đã hỗ trợ học bổng cho học sinh gốc Việt tiếp tục học lên đại học. Theo ước tính, có khoảng hơn 250 em được nhận học bổng tại Việt Nam, trong đó một số đã học xong thạc sĩ. Nhiều em sau tốt nghiệp, trở về Campuchia đã được các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư tại địa bàn nhận vào làm việc.

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Mặt trận Tổ quốc, UBND các tỉnh, thành Việt Nam và Hội Việt kiều tại Campuchia, nhiều ngôi trường dành cho trẻ em Việt kiều tại Campuchia đã ra đời, giảm bớt khó khăn trong hành trình gìn giữ tiếng Việt. 

Điển hình như Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến được đầu tư xây dựng bài bản với sự hỗ trợ từ trong nước. Trường được khởi công xây dựng từ tháng 4/2008, với kinh phí hơn 200.000 USD, trong đó Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ 86.000 USD, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM tặng 40.000 USD, số còn lại do bà con Việt kiều cùng các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ. Ngôi trường đã đi vào hoạt động đúng dịp Quốc khánh 2/9/2009.

Trung bình mỗi năm, Trường Tân Tiến thu hút từ 300 đến 600 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Đây là nơi thu hút đông học sinh gốc Việt nhất trên đất nước Campuchia. 

Trường hiện có 4 điểm trường với địa điểm chính rộng gần 2.000m2 nằm ở quận Chbar Ampov ở Thủ đô Phnom Penh. Theo bà Thạch Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam, bên cạnh giữ gìn tiếng Việt vì đó là nguồn gốc, là văn hoá của dân tộc mình, nhà trường tập trung vào dạy tiếng Khmer để các em học sinh có thể hội nhập với cộng đồng người bản xứ, lớn lên có công ăn, việc làm thuận lợi hơn. 

Ngoài trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến, có hàng chục trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam đã ra đời tại hầu hết các tỉnh, thành trên nước bạn Campuchia như: Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam tại Prey-veng, Svay Rieng, Takeo, Battambang... Những trường học này đều ra đời theo mô hình một địa phương, hoặc ngành, cơ quan của Việt Nam hỗ trợ kinh phí, kết hợp với nguồn lực do Tổng Hội người Campuchia gốc Việt Nam, Hội Việt kiều tại các tỉnh vận động kiều bào, nhà hảo tâm để hỗ trợ xây dựng.

Giữ tiếng Việt, chữ Việt ở Campuchia - xứ sở chùa tháp, là một hành trình gian nan. Thế nhưng hơn lúc nào hết, cộng đồng người Việt xa xứ luôn chung tay, đoàn kết để gặt hái được những thành công. Bên cạnh những ngôi trường hữu nghị, các lớp học tiếng Việt do bà con kiều bào tự mở ngày càng nhiều, góp sức vào công cuộc lưu truyền bản sắc văn hóa Việt đến thế hệ tiếp nối, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia ngày càng bền vững. 

Quỳnh Nga