Xã Buôn Triết huyện Lắk nằm vắt ngang tỉnh lộ 687 - tuyến giao thông huyết mạnh nối từ Quốc lộ 27 tại khu trung tâm huyện đến các xã phía tây và huyện KRông Ana, là nơi định cư lâu đời của đồng bào các dân tộc M’nông, Ê Đê.... Thời gian qua, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp thiết thực của nhân dân, Buôn Triết đã nỗ lực hoàn thành các mục tiêu để về đích nông thôn mới vào năm 2025...
Xã Buôn Triết là xã trọng điểm về sản xuất lúa nước của tỉnh Đắk Lắk. Với tiềm năng và lợi thế của xã trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ngay từ đầu năm 2023, xã Buôn Triết đã có kế hoạch về sản xuất vụ đông xuân, đến nay đã thực hiện gieo trồng được 2.226 ha cây các loại, đạt 100% kế hoạch; trong đó diện tích lúa nước là 2.165 ha, đạt 102% kế hoạch; các công trình giao thông thủy lợi được chú trọng đảm bảo phụ vụ sản xuất của bà con, tổng đàn gia súc hiện có hơn 103.400 con, đạt 79% kế hoạch; tổng sản lượng đánh bắt các loài thuỷ sản ước khoảng 40 tấn; xã chú trọng công tác quản lý và sử dụng đất đai; 03 tháng đầu năm đã cấp mới và cấp đổi lại quyền sử dụng đất cho 06 trường hợp; đến nay xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; lĩnh vực văn hóa – xã hội không ngừng được quan tâm chú trọng; quốc phòng – an ninh được giữ vững;…
Quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Buôn Triết có xuất phát điểm thấp. thu nhập bình quân trên diện tích đất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hiện nay, toàn xã có 2.109 hộ với 7.400 nhân khẩu, trong đó đồng bào M’nông, Ê Đê chiếm 25%; tỷ lệ hộ nghèo còn 17,26%. Những năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh tế-xã hội của xã đã có sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng nông thôn mới”.
Năm 2012, khi khởi động Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Buôn Triết chỉ đạt 4 tiêu chí, gồm: Quy hoạch; y tế; điện; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Thời điểm đó, 4/4 buôn đồng bào dân tộc thiểu số của xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn; hạ tầng giao thông nông thôn thấp kém, cơ sở vật chất giáo dục và văn hóa còn nhiều thiếu thốn.
Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh Đắk Lắk trong hơn 11 năm qua, bộ mặt nông thôn xã Buôn Triết đổi thay nhanh chóng, nhất là về hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, môi trường và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Từ năm 2012 đến 2023, xã Buôn Triết được đầu tư hơn 300 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó có những công trình trọng điểm, như: Đập thủy lợi hồ chứa nước Buôn Triết; tỉnh lộ 7; đê bao Đắk Liêng-Buôn Tría-Buôn Triết...
Đến nay, toàn xã đã hình thành vùng chuyên canh lúa hai vụ với diện tích 2.226ha (chiếm 1/3 diện tích lúa nước của huyện Lắk). Lúa nước của Buôn Triết đạt năng suất, chất lượng cao nhất tỉnh Đắk Lắk, bình quân 12 tấn/ha/vụ. Trên địa bàn xã đã hình thành các hợp tác xã sản xuất lúa gạo chất lượng cao có thương hiệu và đạt chứng nhận VietGAP là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất và Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thái Hải. Từ cánh đồng lúa nước hai vụ, Buôn Triết còn tận dụng lợi thế để phát triển đàn vịt lấy trứng lên đến hơn 80.000 con và hình thành nhiều trang trại nuôi lợn quy mô lớn...
Từ chỗ khai thác lợi thế tiềm năng đất đai và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, xã Buôn Triết đã đạt tiêu chí về “thu nhập” trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo đó, năm 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng, năm 2023 ước đạt 41 triệu đồng và năm 2025 phấn đấu đạt 48 triệu đồng/người/năm.
Đến thời điểm hiện nay, xã Buôn Triết đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Nhìn lại các tiêu chí chưa đạt, xã Buôn Triết xác định tiêu chí “hộ nghèo” là khó khăn nhất. Năm 2023 và 2024, Buôn Triết đưa ra quyết tâm tạo đột phá trong công tác giảm nghèo. Năm 2023, phấn đấu giảm 12% hộ nghèo để đến cuối năm 2024 cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và năm 2025 về đích nông thôn mới.