Làm khách là một nghệ thuật, rất khó chứ không đơn giản vênh vang xống áo, tự mãn với địa vị của mình, mặc định coi chuyện đối đãi hậu hĩnh là nhiệm vụ của chủ.
Nếu bạn lên google, và đánh từ khoá “bạn đến chơi nhà Nguyễn Khuyến”, kết quả đầu tiên bạn nhận được sẽ là một trang web chuyên đăng tải thơ và ở ngay dưới bài thơ ấy, bạn sẽ đọc được một bình luận rất đơn giản “Nhớ mãi tuổi học trò”.
Tôi không nhớ chúng ta được học bài này ở năm nào thời phổ thông, nhưng tôi biết, những người có may mắn đủ điều kiện học hết bậc phổ thông đều đã học qua bài thơ tình cảm mà rất trào lộng, khoáng đạt ấy.
Chẳng có gà, không có cá, không có rau, không có cả trà hay miếng trầu để mở đầu câu chuyện, chỉ có ta với ta thôi, cụ Nguyễn Khuyến đã nói về cái tình của người thanh bạch đón khách. Cũng có thể có người hiểu là chủ nhân “keo kiệt” viện cớ này nọ để không chiều khách những thức hậu hĩnh nhất mà mình có nhưng chung quy, nó toát lên được một điểm duy nhất: nếu đã thâm tình, chỉ ta với ta là đủ.
Nhắc chuyện ấy để thấy ở thời nào cũng vậy, khi đã phú qúy thì tất sinh lễ nghĩa, đón khách cũng sẽ khác rất nhiều. Tôi có người bạn, học chung từ nhỏ. Xưa, hai thằng cùng nghèo, buồn là ghé nhà nhau chơi, không câu nệ, khỏi cần điện thoại báo trước. Cùng cảnh rời Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp, kiếm đến nhau là vì cái tình, nhất là khi buồn, nhớ nhà.
Ảnh minh họa |
Ngày ấy, cũng 15 năm rồi, nghèo nên hai thằng ngồi quán café trong hẻm nhà nó thuê hoặc xóm chợ chỗ tôi ở trọ, uống chung 1 ly café đá dăm ngàn, mua lẻ dăm điếu thuốc, hút chung, thế cũng đủ hết một tối. Nói ra, nhiều người bảo mất vệ sinh, nhưng cái cảm giác hai thằng bạn uống chung ly café, hút chung điếu thuốc, nó vẫn bâng khuâng lắm.
Bây giờ, hai thằng đều vợ con đuề huề, điều kiện sống tạm coi là ổn, nhớ nhau thì lên facebook “chửi đểu” nhau dăm ba câu. Gặp nhau thì phải tuần hoặc hai ba tuần mới có một lần, đều điện thoại, nhắn tin hẹn trước, và tìm ra quán. Hiếm khi chúng tôi kéo về nhà bởi ngại phiền vợ con phải dọn dẹp chiến địa. Nhưng thỉnh thoảng, những dịp trọng, như lễ Tết chẳng hạn, vẫn mời nhau ghé nhà. Và đó là lúc của bày biện, vẽ vời đủ kiểu.
Phú quý sinh lễ nghĩa, nó nằm ở trong sâu thẳm mỗi con người chúng ta, mặc dù thực chất ý nghĩa của cái gọi là “phú quý sinh lễ nghĩa” nó không phải là chuyện vẽ vời thức này, món kia để đãi nhau như thượng khách. Có lẽ, bạn bè đãi đằng nhau như thượng khách cũng bởi một thời khốn khó đã sẻ chia, giờ có gì trân qúy cũng mang ra cho nhau hết cả.
Nhưng trong cuộc sống này, đâu phải chúng ta chỉ đón khách, tiếp khách vốn dĩ là bạn bè, bằng hữu mình đâu. Có những khách, đúng nghĩa là khách, tức là người ngoài, người không thân thiết, người ta tiếp đón có mục đích. Và trong những trường hợp đón có mục đích ấy, ta lại càng cố bày biện hơn, để chứng tỏ mình hiếu khách, mình chơi được. Mà có chơi được, may ra mới được việc.
Và khi tiếp khách, nhất là người lạ, ta vẫn hay có cái câu “dạ bác cứ tự nhiên”. Ta không muốn họ “làm khách” để cố tạo ra mối liên hệ gần gụi hơn. Có gần gụi hơn, mục đích đặt ra của cuộc tiếp đón nó mới đạt được. Cái đó, nhiều người cũng vẫn gọi là “tiếp khách nồng hậu”, coi cái sự nồng hậu nó như một tiêu chuẩn của “chơi được vậy”.
Nhưng nồng hậu quá thì nhiều khi lại thành lố bịch. Nồng hậu tới mức đãi đằng cả những thứ được coi là cấm kỵ thì rõ ràng là không ổn rồi. Song, trách chủ một phần thì cũng phải trách khách. Khách cứ hồn nhiên đón nhận cái nồng hậu, kể cả là nồng hậu bằng thứ cấm kỵ thì rõ ràng khách không hiểu cái vị thế của mình rồi. Nhất là những khách có vị thế là người có địa vị xã hội, người mà chủ đang phải cầu cạnh, thì khách lại càng phải biết giữ mình.
Các cụ nói “miếng ăn là miếng nhục”; “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Thế nên, làm khách, một miếng chủ đãi mình cũng là một miếng nợ. Họ đãi vì lý do gì, vì mục đích gì, cầu cạnh gì thì mình phải hiểu, để mà tránh mắc nợ, cái nợ nhiều khi phải trả giá bằng cả sự nghiệp, danh tiếng.
Người xưa, đãi môn khách rộng lượng vô ngần cũng vì cái mục đích “nuôi quân ba năm dùng một giờ”. Bởi thế, khi môn khách đã chấp nhận sự đãi đằng của chủ, là đã chấp nhận một là trở thành một món nợ, phải đáp nghĩa.
Bởi thế, mới nói làm khách là một nghệ thuật, rất khó chứ không đơn giản vênh vang xống áo, tự mãn với địa vị của mình, mặc định coi chuyện đối đãi hậu hĩnh là nhiệm vụ của chủ. Thậm chí, có người còn kém thuật làm khách đến mức đòi hỏi chủ phải đãi món này, thức kia cho thỏa mãn nhu cầu tầm thường của mình.
Biết làm khách tức là cũng biết giữ cho chủ vậy. Như chuyện ở Hà Tĩnh. Nếu quan khách biết nói lời từ chối những đãi đằng, chủ nhà có dám điều động giáo viên đi làm lễ tân hay không. Để rồi, trong cái vinh hạnh được đón tiếp quan khách, vốn là quan chức, của chủ nhà, chủ nhà mặc định các cô giáo cũng đang có cái gọi là “vinh hạnh phồn thực” ấy.
Chuyện từ xưa của loài người, chắc chẳng ai quên. Hoàng tử Paris, con vua Priam của Troy, đến làm khách ở Sparta, được chủ là Menelaus tiếp đón trọng thị. Ấy vậy mà khách lấn chủ, chiếm dụng luôn cả Helen, là vợ chủ. Chiến tranh cả chục năm đã diễn ra vì cái việc khách không biết làm khách ấy, để rồi cả một thành bang vĩ đại bị chôn vùi.
Người ta vẫn nói, tiền chủ hậu khách. Giờ nên hiểu tiền chủ hậu khách ấy theo ý khác. Chủ giữ được cái đạo, thì may ra khách mới biết làm khách. Nhưng sự đời nhiều khi cũng trớ trêu lắm. Chủ muốn giữ đạo đấy mà khách có quyền, có thế lại cứ vòi vĩnh thì biết làm sao.
Thế nên mới có chuyện, đây đó người ta cứ rủ nhau đi làm điều không hợp đạo lý.…
Hà Quang Minh