Hiện nay, trên mạng xã hội, các hội nhóm hướng dẫn bùng tiền vay qua ứng dụng (app) nở rộ, mọc lên như nấm. Ở đây, người dùng sẽ được chỉ dẫn cách trốn nợ, không trả các khoản vay một cách chi tiết, tỉ mỉ đến từ các thành viên trong nhóm.
Theo một số người, hiện nay, có 2 hình thức vay phổ biến là vay qua ứng dụng và vay trên website. Nếu vay qua ứng dụng, người dùng sẽ phải mở quyền truy cập về các thông tin cá nhân như danh bạ, tin nhắn, đồng bộ Google và lịch sử cuộc gọi. Còn vay qua website, người dùng sẽ phải để lại đường dẫn tới trang cas nhân Facebook, Zalo và lịch sử cuộc gọi trong vòng 6 tháng.
Trong quá trình thực hiện, nếu người vay đến hạn không thanh toán, nhóm đòi nợ sẽ truy cập theo danh bạ, lấy số điện thoại gọi điện khủng bố người thân, bạn bè, ép người vay trả tiền. Nhiều trường hợp còn bị dọa tung ảnh cá nhân, tin nhắn hội thoại lên mạng xã hội để bêu xấu.
Do đó, trong các hội nhóm này thường bày cách cho thành viên "bùng nợ" bằng cách tìm cách mua sim ảo, "nuôi" Facebook ảo, Zalo ảo. Tuy nhiên, muốn trót lọt, người vay phải thật cao tay, nếu không, vẫn bị tóm như thường.
Thậm chí ở một nhóm dạy bùng tiền, quỵt nợ, quản trị viên còn đăng bài viết công khai khi nhận dịch vụ hỗ trợ vay qua app và "bùng app" với cam kết không đăng hình lên Facebook, không làm phiền người thân.
Đa phần, câu hỏi của thành viên trong các nhóm này là: "Mọi người ơi cho em hỏi vay và bùng như thế nào ạ; Đã ai bùng app này chưa ạ, cho em xin bí quyết; Mình mới nhập hội, cho hỏi vay app nào dễ bùng ạ; Có app nào vay mà không cần danh bạ Zalo không ạ"...
Như thường lệ, dưới mỗi phần câu hỏi sẽ có quản trị viên, thành viên của nhóm vào tư vấn, chỉ cách. Nhưng hầu hết, các lời tư vấn này đều có mong muốn rút hầu bao của "con mồi".
Ví dụ, trong nhóm bùng tiền app, một trường hợp đặt câu hỏi "Mình bùng app mà bị truy cập danh bạ, gọi cho người thân làm phiền. Anh em có cách nào, chỉ mình với".
Ngay lập tức, phía dưới một tài khoản có tên là P.T gợi ý: "Bên mình nhận cày lại danh bạ của bạn và sẽ cắt ghép thông tin của bạn sai sự thật để đối phó với tấm hình app gửi cho người thân của bạn, sau đó là làm nhiễu thông tin của bạn".
Còn tài khoản N.P tiếp lời: "Đã vay app thì dù các bạn làm gì cũng chỉ gọi là giảm mức độ thiệt hại. Mình thấy khá nhiều người bị lừa chuyển tiền trước cho tụi chặn app chặn phốt xóa thông tin này kia. Hoàn toàn không có chuyện đó, nếu chặn được hay xóa thì app đã sập. Bên mình giúp bạn bùng 3 bước: trấn an người thân, chuyển cuộc gọi, đính chính trên mạng xã hội nên sẽ giảm được tối đa mức độ thiệt hại về tinh thần cho các bạn...".
Đó là chưa kể, một số người còn ra sức quảng cáo dịch vụ làm giả chứng minh thư, căn cước công dân, hóa đơn thanh toán, thẻ nhân viên cho những ai có nhu cầu. Trong đó, toàn bộ giao dịch trót lọt sẽ được thanh toán và ăn chia sau khi "con mồi" bùng được nợ.
Vài năm gần đây, nhiều app cho vay tiền biến tướng thành tín dụng đen khi người dùng phải chịu mức lãi suất cao "cắt cổ", gấp cả chục, hàng trăm lần lãi suất ngân hàng. Nếu không kịp trả nợ, nạn nhân và gia đình sẽ liên tục bị quấy rối, làm phiền qua điện thoại. Thậm chí, người vay còn bị uy hiếp tung ảnh nóng, dọa cắt gân tay chân.
Vào tháng 5/2020, một phụ nữ ở Tiền Giang đã tự tử vì vay 8 triệu đồng qua app. Tháng 5/2020, một giảng viên ở Cần Thơ cũng tự tử do vay tiền qua app, tháng 7/2020, một nạn nhân ở TP.HCM tự tử do app tín dụng "truy sát".
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kỹ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng (vay qua ứng dụng). Bởi hiện nay, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh đối với lĩnh vực này. Người dân nên tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của tín dụng đen.
(Theo Dân Trí)
Hệ lụy từ vay tiền qua App: Người phụ nữ khởi kiện 2 ngân hàng
Vay vài triệu đồng trên 5 app, sau 6 tháng đã trả nợ vay lên 600 triệu đồng và nợ tiếp 300 triệu đồng, người phụ nữ đã đâm đơn khởi kiện 2 ngân hàng mà bà thanh toán tiền qua tài khoản tại đó.