William Butler Yeats đã viết rằng “GD không phải là đổ đầy một bát nước, mà là thắp lên một ngọn lửa”, nhưng thắp lửa thế nào nếu không có cảm xúc?

LTS: Đề án thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học (Đề án SGK điện tử và máy tính bảng) tại TP.HCM đang chờ Bộ GD- ĐT phê duyệt. Theo đó, để ứng dụng CNTT vào trường học, sẽ trang bị các phần mềm, máy tính bảng cho HS, GV. Việc ứng dụng CNTT trong giáo dục vốn đã được làm lâu nay, nhưng hiệu quả đến đâu cần làm rõ. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của một gv giảng dạy ở bậc Đại học, bàn về vấn đề này.                   

Trong bài "Rót tiền khủng nhưng hiệu quả chưa cao"”, VietNamNet ngày 01/08, ông Trương Gia Bình nói: “Ứng dụng CNTT trong dạy học là một cơ hội vàng để nền giáo dục đào tạo Việt Nam đổi mới, đột phá. Các chuyên gia tin rằng, nếu tận dụng sức mạnh công nghệ, Việt nam hoàn toàn có thể giải được cùng lúc 02 bài toán khó mà nếu không có ICT, chắc chắn không thể giải được. Đó là chỉ trong một thời gian ngắn, vừa đào tạo được số lượng lớn nhân lực lại vừa nâng cao được chất lượng đào tạo”.

Chiếc nỏ thần trong giáo dục?

Mới nghe, nhiều người sẽ hoang tưởng rằng, CNTT trong giáo dục giống như chiếc “nỏ thần” trong truyền thuyết “Trọng Thủy – Mỵ Châu”!? Nhưng cũng bài báo trên lại đưa ra nhận định: Chưa bao giờ, các nhà trường được trang bị số lượng thiết bị công nghệ "đồ sộ" như hiện nay. Nhà nước đầu tư một khoản tiền khổng lồ cho những trang thiết bị đó chỉ để thu về một hiệu quả rất nhỏ trong cải thiện chất lượng giáo dục.

{keywords}
Ảnh minh họa: Nguồn ĐHQG

Trong bài viết này, xin được lý giải những sai lầm của giảng viên đại học khi sử dụng máy tính dạy học- nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học hiện nay.

Giảng viên sử dụng máy tính để biến giờ dạy trên lớp thành buổi trình chiếu nói theo Slide, chuyển từ đọc- chép sang nhìn- chép. Có những tiết học, GV chỉ bấm máy, sinh viên chỉ nhìn và chép, GV sử dụng bài giảng điện tử để nhắc bài. Trong trường hợp này khi mất điện đồng nghĩa với SV phải… nghỉ học. Một số GV viên lạm dụng Slide hình ảnh  động trong giờ học, vô tình biến giờ học thành buổi chiếu phim khoa học, vai trò của GV bị lu mờ. GV trở thành người chiếu phim, hay thuyết minh phim ?!.  

Theo nghiên cứu của những nhà sinh lý học, nếu như một dạng hoạt động được kéo dài quá 15 phút thì khả năng làm việc sẽ bị giảm sút rất nhanh. Việc áp dụng thường xuyên các phương tiện nghe nhìn ở trên lớp sẽ dẫn đến sự quá tải về thông tin do người học không kịp tiêu thụ hết khối lượng kiến thức được cung cấp. Sự quá tải lớn về thị giác sẽ ảnh hưởng đến chức năng của mắt, giảm thị lực và ảnh hưởng xấu đến việc dạy và học.

Nhiều trường đại học yêu cầu GV  phải phát tài liệu trước cho SV hoặc đưa cả bài giảng điện tử lên mạng, các videoclip đọc bài giảng lên website cho SV xem, để SV tự do sao chép. Do đó SV đều biết trước nội dung GV sẽ dạy, nên  khi GV muốn tổ chức hoạt động nhóm, dạy học nêu vấn đề …. thì kết quả thảo luận đã có trong tài liệu,  SV sẽ sử dụng tài liệu đã có, phương pháp dạy học đó sẽ không còn hiệu quả. Thậm chí khi có tài liệu trong tay, GV lại giảng theo kịch bản như tài liệu, SV sẽ không muốn đến lớp vì toàn bộ nội dung bài giảng đã có trên slides.

Trước đây khi ICT chưa phát triển, phấn trắng bảng đen là phương tiện dạy học chủ yếu, SV đến lớp chỉ có sách giáo khoa thì giáo án truyền thống do GV biên soạn có thể sử dụng vài năm. Ngày nay với các công nghệ thu phát hiện đại, chỉ cần GV giảng lần đầu thì nội dung sẽ được ghi lại, và chỉ một cái nhấn bàn phím, toàn bộ bài giảng đó sẽ được các SV lớp khác thu được.

Vì vậy, hàng năm nếu GV không làm “tươi mới” bài giảng, không thay đổi kịch bản sư phạm, người học khi có đủ tài liệu sẽ nắm bắt được toàn bộ các tình huống mà GV sẽ thực hiện trong tiết học, GV sẽ không còn tạo được yếu tố bất ngờ, không còn gây hứng thú cho người học nữa.

Giáo dục là thắp lên ngọn lửa

Lớp học truyền thống, GV tâm huyết, cùng các bạn SV nhiệt tình xung quanh tạo nên môi trường giao tiếp lý tưởng để hoàn thiện nhân cách người học. Nhưng khi giảng trực tuyến (e-learing, thầy trò không giáp mặt nhau), rất khó  để truyền tải cảm xúc, truyền tải tình yêu thương vì không có SV trước mặt, không thấy phản ứng của họ.

Chúng ta đều biết, ca sĩ chạm đến trái tim khán giả không chỉ là giọng hát hay  mà cần sự biểu đạt tình cảm. Trong dạy học cũng vậy, những GV có ảnh hưởng lớn nhất đến sự trưởng thành của SV không chỉ  là những người nhiều kiến thức nhất, mà là người giàu lòng yêu thương, giàu cảm xúc nhất. Khó khăn và thách thức lớn nhất trong giáo dục trực tuyến là những hạn chế về cảm xúc của người thầy trong quá trình dạy và học.  

Bộ não con người không phải là ổ đĩa cứng để chờ lấp đầy dữ liệu. Người ta chỉ học được từ những người mà họ yêu mến và ghi nhớ những điều khiến họ có cảm xúc. William Butler Yeats đã viết rằng “GD không phải là đổ đầy một bát nước, mà là thắp lên một ngọn lửa”, nhưng thắp lửa thế nào nếu không có cảm xúc?

Dạy học theo phương pháp truyền thống, phấn trắng bảng đen đã hình thành môn học “Lý luận và phương pháp dạy học”, được xem như là một môn nghiệp vụ sư phạm, một chứng chỉ hành nghề không thể thiếu được của GV bấy lâu nay. Ứng dụng CNTT dạy bậc đại học sẽ phải hình thành môn học lý luận dạy học mới, là  sự phát triển bậc cao của môn lý luận dạy học truyền thống nhưng có những nét đặc thù riêng.

Đáng tiếc rằng, mấy thập kỷ triển khai CNTT trong dạy học bậc đại học, nội dung này chưa được nghiên cứu một cách khoa học và thống nhất. Đa số các giảng viên đại học chưa được đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT trong dạy học. Đây chính  nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sử dụng CNTT trong đào tạo bậc đại học thiếu chuyên nghiệp, gây lãng phí  tiền đầu tư của ngành, chất lượng đào tạo khó nâng cao.

Rõ ràng, GV các trường ĐH chưa sử dụng CNTT như chiếc “nỏ thần” trong truyền thuyết “Trọng Thủy- Mỹ Châu”. Vì vậy rất cần sự nhìn nhận, nghiên cứu, đánh giá và vào cuộc của ngành GD về vấn đề này.

PGS. TS Ngô Tứ Thành (ĐH Bách Khoa HN)