- Là khu vực tiêu thụ hơn 60% lượng amiăng toàn cầu, châu Á sẽ phải đón nhận một “cơn sóng thần” của những căn bệnh do amiăng gây ra trong một vài thập niên tới, theo các chuyên gia.
Điều mà ông Rajendra Pevekar nhớ mỗi lần chạy ra cửa ôm cha mình khi ông đi làm về là mùi nhựa khét và những đốm sáng lấp lánh của bụi dính trên áo cha. Vào thời điểm đó, người đàn ông Ấn Độ hoàn toàn không biết rằng, những bụi li ti ấy chính là amiăng - chất độc đang giết hơn 100 ngàn người trên thế giới mỗi năm.
Ông Rajendra Pevekar. Ảnh: Lê Văn. |
Mãi tới năm 2010, ông Rajendra mới biết được mối liên hệ giữa sợi amiăng từ nhà máy sản xuất linh kiện ô tô nơi cha ông làm công việc lau dọn vệ sinh với căn bệnh ung thư phổi đã giết chết cha mình. Giờ đây, khi cha ông Rajendra đã qua đời từ lâu, bản thân ông và mẹ ông vẫn đang phải chịu hậu quả của căn bệnh.
“Nó là một chất độc tác động rất chậm. Nó tàn phá phổi của bạn mà bạn không hề hay biết về sự tồn tại của nó”, ông Rajendra chia sẻ tại Hội nghị quốc tế Kiểm soát các bệnh nghề nghiệp và Cải thiện an toàn vệ sinh lao động vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 6/9 vừa qua.
Cũng là nạn nhân của amiăng, ông Ji Yol Jung, thành viên của một gia đình sống gần mỏ amiăng Kwang Cheon, thành phố Hong Seong, Hàn Quốc kể rằng, có tới 26 trong tổng số 71 thành viên của gia đình ông mắc các chức bệnh do amiăng gây ra (Asbestos Related Diseases - ARD). Trong số này, 10 người đã tử vong. Những người còn sống vẫn đang hàng ngày chịu đựng sự dằn vặt của căn bệnh.
“Đó là tấn thảm kịch mà rất nhiều gia đình sống ở gần mỏ amiăng Kwang Cheon đang phải chịu đựng”, ông Ji Yol Jung nói. Mặc dù Hàn Quốc đã ban hành lệnh cấm amiăng từ cách đây 8 năm, song hậu quả mà chất độc amiăng gây ra vẫn còn rất nặng nề.
Không chỉ Ấn Độ và Hàn Quốc, nhiều quốc gia châu Á đang và sẽ còn phải chịu đựng nhiều “nỗi đau” mang tên amiăng trong những thập niên tới, theo các chuyên gia.
Bản đồ các quốc gia sử dụng và cấm amiăng so sánh giữa năm 2000 và năm 2014. Màu xanh là các quốc gia dã cấm amiăng. Màu đỏ là các quốc gia sử dụng >10 ngàn tấn. Màu trắng là các quốc gia sử dụng <500 tấn. |
Châu Á hiện là khu vực sử dụng nhiều amiăng nhất thế giới, chiếm tới hơn một nửa lượng amiăng tiêu thụ trên toàn cầu. Nếu như giai đoạn từ 1920-1970, lượng amiăng tiêu thụ tại châu Á chỉ khoảng 14% thì đến giai đoạn 2001-2007, lượng amiăng được sử dụng tại đây lên tới 64%. Thống kế cho thấy, vào năm 2011, châu Á và Trung Đông chiếm tới 85% lượng tiêu thụ amiăng của thế giới.
Tuy nhiên, số lượng các ca tử vong do ARD gây ra tại châu Á lại khá thấp, chỉ khoảng 12 882 ca, chiếm khoảng 13% toàn thế giới. Nguyên nhân chính được cho là do các quốc gia châu Á mới bắt đầu sử dụng nhiều amiăng kể từ thập niên 70-80 của thế kỷ 20, trong khi đó, thời gian ủ bệnh của ARD thường từ 20-30 năm, thậm chí là 50 năm.
Theo dự đoán của các chuyên gia, trong vài chục năm tới, khi thời gian ủ bệnh đã đủ, số các ca tử vong do amiăng gây ra sẽ tăng vọt. GS. Ken Takahashi, Giám đốc Trung tâm Hợp tác về các Bệnh nghề nghiệp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Đại học Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (UOEH) gọi đây là “cơn sóng thần” các bệnh amiăng mà châu Á sẽ phải gánh chịu.
“Sự bùng phát các bệnh amiăng trong những thập niên tới ở châu Á là có thể dự đoán trước. Do đó, các quốc gia châu Á không chỉ nên dừng việc sử dụng amiăng mà còn phải chuẩn bị cho một đại- dịch bệnh- amiăng đang cận kề”, GS. Takahashi viết trên tạp chí Respirology, một tạp chí Hội Hô hấp học Châu Á Thái Bình Dương.
Hậu quả dai dẳng
Trong khi là khu vực tiêu thụ nhiều amiăng nhất, các nước châu Á đang phải chật vật trong một cuộc chiến dai dẳng nhằm đạt tới một lệnh cấm hoàn toàn đối với loại nguyên liệu độc hại này.
Cho tới hiện tại, với dân số hơn 4 tỷ người, chiếm tới hơn 60% dân số toàn thế giới, song ở châu Á chỉ mới có 4 nước đã ban hành lệnh cấm amiăng. Ngoài Nhật Bản (năm 2004) và Hàn Quốc (2007) thì hai quốc gia, vùng lãnh thổ ban hành được lệnh cấm amiăng mới nhất là Hồng Kông (2014) và Nepal (2015).
Cũng giống như Việt Nam, amiăng tại Nepal chủ yếu sử dụng trong tấm lợp. |
Là quốc gia nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia tiêu thụ nhiều amiăng bậc nhất thế giới, với hệ thống hiến pháp và pháp luật còn khá non trẻ nhưng Nepal đã đạt được một lệnh cấm hoàn toàn đối với chất amiăng độc hại. Tuy nhiên, các chuyên gia với một lượng lớn các sản phẩm có chứa amiăng đang được sử dụng tại quốc gia này trong thời gian qua, hậu quả do amiăng để lại trong tương lai có thể sẽ còn cần một thời gian dài mới có thể xử lý.
Kinh nghiệm tại các quốc gia châu Âu cho thấy, việc xử lý hậu quả do amiăng để lại rất dai dẳng và vô cùng khó khăn, ngay cả khi quốc gia đã ban hành một lệnh cấm hoàn toàn. Chẳng hạn như tại Pháp, amiăng trắng bị cấm từ năm 1997, song theo số liệu của Hội đồng cao cấp về y tế công, mỗi năm, vẫn có thêm 2.200 trường hợp ung thư hàng năm được cho là do amiăng trắng gây ra. Ước tính, từ nay tới năm 2050, sẽ còn 68-100 ngàn người chết vì amiăng trắng.
Tương tự, Australia đã cấm amiăng trắng từ năm 2003, tuy nhiên, tới nay, số lượng các ca ung thư trung biểu mô vẫn đang tăng lên. Theo nghiên cứu, 80% trường hợp ung thư trung biểu mô là do tiếp xúc với amiăng sau thời gian từ 20-30 năm.
“Chúng ta đang chứng kiến làn sóng thứ 3 của các bệnh liên quan đến amiăng. Đợt đầu tiên của các thợ mỏ mắc u trung biểu mô và ung thư phổi. Đợt thứ hai của những người làm việc trực tiếp với amiăng tại các nhà máy, công nhân dỡ hàng từ bến tàu, hay thợ xây, thợ ống nước, thợ điện và thợ mộc”, ông Sharan K. C, thuộc Tổ chức Nhân dân về y tế, giáo dục và phát triển Hải ngoại Australia (APHEDA) Việt Nam nói tại hội nghị hôm 6/9.
“Giờ đây, chúng ta đang thấy làn sóng thứ 3 hay là đợt mắc bệnh của những người mắc bệnh gián tiếp. Đây là những người phụ nữ giặt bộ quần áo dính đầy bụi amiang của chồng họ, cũng như những đứa trẻ hít phải amiang từ quần áo bảo hộ lao động của cha chúng”, ông Sharan nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông Phillip Hazelton đến từ Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam cho rằng, vẫn còn một “khối lượng công việc khổng lồ để kiểm soát những hiểm họa sẽ còn tiếp diễn do bị phơi nhiễm với amiăng còn tồn tại trong rất nhiều tòa nhà ngay cả sau khi đã có được lệnh cấm sử dụng amiăng”.
“Hậu quả của amiăng đối với cộng đồng sẽ còn rất lâu ngay cả sau khi lệnh cấm được ban hành. Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực lớn hơn để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc ngăn ngừa các bệnh liên quan tới amiăng trong tương lai. Nếu không có một lệnh cấm amiăng, các công nhân và gia đình của họ sẽ tiếp tục phải chết”, ông Sharan khẳng định.
Rõ ràng rằng, nếu như tiếp tục sử dụng amiăng, tấn "thảm kịch" amiăng của các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam có thể không hiển hiện ngay ở thời điểm hiện tại song chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai mà tương lai đang ở rất gần.
Amiăng trắng (tiếng Anh là chrysotile) là một loại sợi khoáng vô cơ có cấu tạo tinh thể dạng sợi dài, mảnh và xốp. Tên amiăng trắng được dùng để phân biệt với Amiăng xanh, nâu, vốn là loại amiăng cực kỳ độc hại và đã bị cấm sử dụng từ lâu. Amiăng là nguyên liệu dùng để sản xuất hơn 3000 sản phẩm từ tấm lợp, ống thoát nước, vách ngăn cách nhiệt, vỏ bọc cho các thiết bị chịu nhiệt độ cao, má phanh. Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng trong top 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới. Năm 2011 Việt Nam tiêu thụ 60.000 tấn (thứ 9), năm 2012 là gần 79.000 tấn (đứng thứ 6) và nằm trong tốp 5 nước Châu Á sử dụng amiăng nhiều nhất . Gần 90% lượng amiăng tại Việt Nam được sử dụng trong sản xuất tấm lợp fibroxi-măng, 10% được phối trộn trong sản xuất má phanh xe hạng nặng, vật liệu bảo ôn cho lò hơi, đường ống dẫn hơi nước. Các nghiên cứu của Bộ Y tế Việt Nam đã phát hiện nhiều trường hợp ung thư trung biểu mô tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện rất ít người dân biết tác hại của amiăng trắng đối với con người cũng như hoàn toàn không biết thông tin nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng trắng. Nghịch lý nữa là, trong khi Việt Nam đã có công nghệ tấm lợp thay thế amiăng và sản phẩm được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Đông thì ở trong nước, người dân vẫn phải sống trong những căn nhà lợp tấm lợp fibro xi-măng độc hại chết người. |
Lê Văn