Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia Thông qua ngày 15/11/2000.

Nhận thấy mục đích của Công ước này là thúc đẩy hợp tác để ngăn ngừa và chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia một cách hiệu quả hơn, hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Việt Nam, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Việt Nam trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, ngày 15/11/2000, Việt Nam đã quyết định thông qua Công ước này.

Ngày 18/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 605/QÐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư TIP, xác định nhiệm vụ: "Rà soát để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm cho phù hợp với Công ước và Nghị định thư, trong đó, tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Tương trợ tư pháp, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống rửa tiền".

Ngày 27/11/2015, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được ban hành đã có những sửa đổi cơ bản và toàn diện về nhóm các tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện quy định về đồng phạm (Ðiều 17) để bảo đảm xử lý toàn diện trách nhiệm hình sự đối với hành vi tham gia vào một nhóm tội phạm có tổ chức theo quy định tại Ðiều 5 Công ước; quy định chặt chẽ các yếu tố định tội, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và quy định hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia như: tội phạm kinh tế, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, rửa tiền, xuất nhập cảnh trái phép, trốn ra nước ngoài...

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) cũng sửa đổi, quy định cụ thể, minh bạch hơn về hợp tác quốc tế trong các thủ tục tố tụng hình sự trong điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm nói chung, tội phạm có tổ chức nói riêng, phù hợp quy định tại Ðiều 11 Công ước; về xử lý vật chứng, các biện pháp cưỡng chế về tài sản như kê biên tài sản, phong tỏa tài sản và các quy định về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản, phù hợp quy định tại các điều 12, 13, 14 Công ước; về thẩm quyền tài phán đối với trường hợp bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài, phù hợp quy định tại Ðiều 15 Công ước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 1196/QĐ-TTg ngày 13/10/2023 phê duyệt Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
 
Mục đích nhằm đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước) và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư).

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong hoạt động triển khai thực hiện Công ước và Nghị định thư; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Công ước và Nghị định thư trong thời gian tới.

Như Sỹ và nhóm PV, BTV