Bài thơ vui nhưng ẩn chứa bao nỗi niềm

Là bài thơ khuyết danh, có độc giả lại cho rằng đó là của một cựu chiến binh ở Thái Bình. Bài viết này xin không đi sâu vào quyền tác giả mà chỉ muốn gợi mở đôi chút về nỗi niềm của những người trong cuộc và hiện thực xã hội thú vị này mà thôi.

Bài thơ 4 khổ (12 câu), với lời đề tựa (khổ đầu) vô cùng dân dã và dễ đi vào lòng người như sau: “Lúc trẻ có vợ có chồng, nay được lên chức thì ông vắng bà.

Con đi công tác ở xa, bà đi trông cháu ông ra ở (một) mình.

Thật là chẳng phải thất tình, mà sao lắm lúc thấy mình bơ vơ.

Ngồi buồn viết mấy vần thơ, bà ơi bà hỡi từng giờ tôi mong”.

z4812096543867 f9cec732e3710bf704fe27ae4d30a0f3.jpg
Hình ảnh "bà đi trông cháu" đã trở nên phổ biến ở các đô thị. 

Với cách gieo vần 6-8 (thể thơ lục bát, nhưng gói lại trong 4 câu) cho thấy, người viết hẳn là một cụ ông yêu văn thơ và cũng có khiếu hài hước. Hồi trẻ chắc cũng là người đam mê văn nghệ và nổi tiếng tài hoa. Nay về già, “nhường” bà đi trông cháu, hi sinh ở nhà trông coi nhà cửa, làm hậu phương vững chắc cho các con an tâm công tác. Quả là sự hi sinh vô bờ bến của nhiều bậc cha mẹ ở nông thôn hiện nay, rất đáng để các con biết ơn và cảm phục.

Đi tiếp đến phần nội dung, cụ ông “than thở” nỗi cô đơn của bản thân, khi mà một mình “vò võ” ở nhà, cơm canh nguội ngắt, cửa nhà vắng tanh: 

“Cơm tối tôi đã nấu xong, dọn lên mà thấy trong lòng nhớ ai.

Có bà bát một bát hai, vắng bà cơm chẳng muốn nhai chút nào.

Đêm năm nghe gió lao xao, mưa rơi rả rích ve gào xa xa…

Tưởng rằng mai mốt về già, xa con nhớ cháu có bà cận ông”.

Khổ thơ này cụ ông chia sẻ về cảnh ông bà xa cách, khi còn trẻ thì ông đi công tác xa biền biệt, thương nhớ vợ con ở nhà. Những tưởng về già được gần vợ, gần con cháu, thì ai dè con cái đi công tác lập nghiệp phương xa giống mình khi xưa. Và vợ ông, người đầu gối tay ấp tưởng được kề cận vui thú điền viên tuổi già, thì cũng lại theo chân con lên phố thị trông cháu. Hoàn cảnh “ông Ngâu, bà Ngâu” như vậy ai mà chẳng ngùi ngùi.

Như để tiếp nối nỗi niềm, cụ ông kể: 

“Ai ngờ nhà lại trống không, bà đi trông cháu để ông ở nhà.

Quanh ra chó, quẩn lại gà, cơm nấu một bữa ghế ba bốn lần.

Đêm nằm nghĩ cũng tủi thân, nhìn ra chỉ thấy toàn sân cùng nhà.

Đàn ông mà vắng các bà, như cây thiếu nước, như nhà bỏ không”.

Vâng, đàn ông phải có đàn bà, đây ông vắng bà khác nào “cây thiếu nước”. Gần nhau có thể “cãi nhau” đấy, “mặt nặng mày nhẹ” đấy nhưng mà vui, mà nương tựa vào nhau. Nay mỗi người một nơi, ông lại nghĩ về thời còn trẻ bà phải “một nách hai con” khi ông vắng nhà. Muốn bù đắp cho bà mà nay bà lại đi xa, hỏi sao ông chẳng buồn, chẳng tủi.

Và rồi, đúng như tinh thần của bài thơ là “than thở” vui, chứ không phải là ai oán mà giận hờn. Bởi bà đi trông cháu, giúp các con an tâm công tác. Đôi khi nhiều gia đình hiện nay ở quê, hai ông bà phải gác lại hết công việc lên giúp các con cũng không hiếm. Ông lên trông cháu nội, bà đi trông cháu ngoại cũng đã trở thành “bối cảnh” trong nhiều gia đình hiện nay. Thế nên, ông mới đi vào phần “tếu táo” về hoàn cảnh của bản thân và nhiều người đàn ông khác có chung nỗi niềm, rằng:

“Chiều tà ra ngõ ngóng trông, sao nay thứ Bảy mà không thấy người.

Thôi thì chẳng sợ người cười, tôi kiếm bà nữa lấy người trông ông.

Hỏi rằng có được hay không, hay tôi lại đợi lại trông lấy bà.

Hỡi ôi cái cảnh tuổi già, nghĩ mà cũng tủi nhưng mà vì con”.

Vâng, nghĩ mà cũng tủi nhưng mà vì con. Tất cả là vì con cái, vì thương con vất vả, vì sợ cháu không có bà chăm sóc nếu thuê giúp việc lo bị bạo hành. 

Tình thương yêu của cha mẹ là vô bờ bến

Đọc bài thơ “bà đi trông cháu”, nhiều độc giả biết rằng sự thở than của ông cũng chỉ là thở than mà thôi, và cái sự muốn “cơi nới” cũng chỉ là nói vui thế thôi chứ già rồi các cụ còn thiết tha gì chuyện chăn gối, cái cần nhất là bầu bạn tuổi già. Là sự vun đắp và chăm sóc nhau sau bao năm hi sinh “vì con”, nhưng rồi thay vì được nghỉ ngơi thì lại tiếp tục cuộc hành trình vì cháu.

Độc giả Nguyễn Thành Chung nhận xét: “Bài thơ đúng như thực tế vẫn diễn ra ở xã hội mình. Về quê, nhiều nhà vắng hoe. Có gia đình giỗ Tết thì đông, nhưng ngày thường các cụ lại rơi vào hoàn cảnh cô đơn”. Cùng ý kiến, bạn Phạm Hồng nhắn nhủ: “Vì cuộc sống của con, bà phải đi trông cháu, con yên tâm đi làm, các cháu đỡ khổ. Ông cứ ở nhà “ăn chơi” đi, những gia đình như này thì tất cả phải biết hi sinh vì nhau, không ai có quyền ích kỉ được”.

TS Tâm lý học Trịnh Thị Lý nhận xét: “Tình yêu thương của mẹ cha dành cho con cái, ngay cả việc đi trông cháu cũng là vì các con mình là tình yêu thương vô bờ bến. Chả thế mà công cha, nghĩa mẹ khó có thể bút mực nào tả xiết, mọi sự báo đáp của con cái sau này với mẹ cha cũng chẳng thể nào bù đắp nổi”. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội năm 2021, Việt Nam có khoảng 4,3 triệu người già neo đơn (ý chỉ những người không nơi nương tựa). Nhưng số người già cô đơn như cụ ông trong bài thơ nói trên cũng lên đến con số hàng triệu người, chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong số người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay.

Duy Khánh và nhóm PV, BTV