Bình quân mỗi năm gia đình anh xuất bán 2 con trâu, với giá từ 30 - 40 triệu đồng/con, mang lại thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng. Năm 2019 anh xuất bán 7 con trâu, thu về trên 200 triệu đồng.

Trước kia, anh Chang A Chao sinh sống chủ yếu bằng việc trồng ngô và nuôi lợn, nhưng do cây trồng trên nương không hiệu quả, trong khi chăn nuôi lợn lại lúc được lúc mất do dịch bệnh và giá lợn thất thường. Do vậy, thu nhập của gia đình anh rất bấp bênh.

Anh Chao tự nhủ rằng, phải tìm cách nào đó để thoát khỏi cảnh thiếu thốn, đói nghèo này. Nhận thấy tại địa phương có nhiều nơi cỏ dại mọc xanh mướt và rơm rạ của người dân thu hoạch sau mỗi vụ lúa vứt thừa thãi, hoang phí. Anh nghĩ đến việc nuôi trâu thoát nghèo

Năm 2009, với số vốn tích lũy được anh quyết định mua 1 con trâu mẹ về nuôi làm giống.

Những ngày đầu tiên khi thấy anh Chao có cách làm kinh tế không giống ai, hàng xóm rỉ tai nhau nói suy nghĩ của anh có vấn đề. Họ bảo, từ xưa đến nay có ai đi mua trâu về nuôi bao giờ đâu.  Họ lý giải, nuôi trâu thì chỉ để cho trâu kéo cày kéo bừa, còn để sinh sản thì biết đến bao giờ mới làm giàu. Khi nghe những lời nói không hay từ bà con trong xóm, anh Chao đều bỏ ngoài tai và lặng lẽ làm công việc mà mình cho là đúng hướng.

Thoăn thoắt  cho trâu ăn, anh Chao kể, “Vậy mà sau 3 năm, trâu mẹ sinh được 3 trâu con. Năm 2014 tôi quyết định vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để mua thêm 1 con trâu giống, nâng tổng đàn trâu của gia đình lên 5 con”.

 Nhờ chịu khó chăm sóc nên đàn trâu của gia đình anh phát triển tốt, từ 5 con trâu mẹ bình quân mỗi năm sinh sản thêm được từ 2-4 trâu con, gia đình  anh tiếp tục nuôi và xuất bán.

Từ năm 2015 - 2018, bình quân mỗi năm gia đình anh xuất bán 2 con trâu, với giá từ 30 - 40 triệu đồng/con, mang lại thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng. Năm 2019 anh xuất bán 7 con trâu được trên 200 triệu đồng.

{keywords}
Nuôi trâu đòi hỏi phải đúng quy trình kỹ thuật mới lớn nhanh.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi trâu, anh Chao cho biết: "Muốn nuôi trâu thành công thì phải có hiểu biết nhất định về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, như: Vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ, tiêm phòng vacxin…

Ngoài ra, người nuôi cần phải biết con trâu nào có hiện tượng bị nhiễm giun sán để có biện pháp tẩy giun sán kịp thời, trâu mới lớn nhanh. Ngoài thức ăn thô xanh cần cho trâu ăn bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo có pha thêm nước muối loãng…".

 Ngoài thời gian nuôi trâu vỗ béo nhốt chuồng, anh Chao cho hay, trong một tuần, phải cho đàn trâu đi ra vườn đồi từ 3 lần trở để chúng tự kiếm ăn. Cách làm này để cho trâu tự vận động nhằm giảm thiểu bệnh tật và tăng sức đề kháng.

“Nuôi trâu vốn đầu tư lớn nhưng bù lại ít rủi ro, trâu ít bị bệnh, có lãi cao hơn nhiều vật nuôi khác … Tùy thuộc vào thời tiết chúng ta chăn thả cho hợp lý, chỉ cần 1 người vẫn chăm sóc được nhiều  con trâu mà vẫn còn thời gian làm việc khác", anh nói.

Với kỹ thuật nuôi trâu chuẩn, nên đàn trâu của anh Chao lớn nhanh, bán được giá.

Ngoài chăn nuôi trâu sinh sản, anh Chao còn kết hợp trồng lúa, ngô, sắn để đảm bảo lương thực cho gia đình và có thêm thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá.

 Cùng với phát triển kinh tế gia đình, anh còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương như: Đóng góp ngày công lao động, tham gia xây dựng nông thôn mới, ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân… Hàng năm, gia đình anh đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Từ năm 2016 đến nay, anh liên tục được UBND xã, UBND huyện tặng nhiều giấy khen, bằng khen về thi đua sản xuất giỏi.

Thanh Hùng
Ảnh: Bích Hạnh