Tại Văn Yên, tỉnh Yên Bái, cây quế được xác định là là cây chủ lực để giúp bà con làm giàu nhờ có giá trị kinh tế cao hơn các loại cây lâm nghiệp khác như keo, bồ đề vì có thể sống tốt trên vùng đất khô cằn.
Trước đây, người dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chủ yếu trồng ngô, sắn hoặc các loại cây lâm nghiệp như keo, bồ đề cho hiệu quả kinh tế không cao, cái nghèo đeo bám mãi. Nhưng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên xác định cây Quế là cây chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp và xoá đói giảm nghèo.
Ngay khi có chủ trương phát triển cây quế các huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng ban hành nhiêu chủ trương, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng, chế biến, kinh doanh các sản phẩm Quế phát triển.
Cây quế ngày xưa là cây xóa đói giảm nghèo, giờ đây có thể coi là cây làm giàu cho bà con nông dân huyện Văn Yên, Yên Bái. |
Hằng năm diện tích Quế trồng mới và trồng vào diện tích đã khai thác trên địa bàn huyện đạt từ 1.800- 2.000 ha/ năm. Đến nay cây quế được trồng ở toàn bộ 27 xã, thị trấn của huyện Văn Yên. Cây quế Văn Yên đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã trong vùng. Sản lượng quế Văn Yên cho khai thác mỗi năm ước đạt 7.000 tấn vỏ khô, 66.000 tấn lá, trên 60.000m3 gỗ một năm.
Mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ Quế khô các loại, sản lượng cành lá Quế đạt khoảng 63.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu đạt khoảng 300 tấn/năm, sản lượng gỗ Quế đạt gần 51.000 m3/năm. Nhiều hộ người Dao có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ rừng Quế, hàng ngàn gia đình Văn Yên có cuộc sống ổn định và có của ăn của để.
Hàng năm, cứ vào dịp tháng 8, nông dân trồng quế trên địa bàn huyện Văn Yên lại tất bật vào mùa thu hoạch để cung cấp nguyên liệu tích trữ cho các nhà máy, cơ sở chưng cất tinh dầu. Từ vỏ, gỗ, lá đến gốc rễ quế đều có giá trị sử dụng nên cây quế được coi là cây trồng đa lợi ích, cho giá trị kinh tế cao, các sản phẩm quế trên thị trường tương đối ổn định.
Quế đặc sản thì mười năm cho thu hoạch vỏ; còn quế thâm canh thì trồng dày hơn. Trong thời gian chưa được thu hoạch vỏ thì tỉa thưa quế thâm canh để lấy lá, cành, ngọn bán cho nhà máy tinh dầu quế. Thời gian đó bà con vẫn có thu nhập ổn định.
Ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho hay: Vượt qua những thăng trầm biến động của cơ chế thị trường, cây quế Văn Yên vững vàng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái, khai thác tốt tiềm năng lợi thế trong vùng.
Quế trở thành cây kinh tế chủ lực của riêng Văn Yên và là một trong số những cây kinh tế chính tham gia vào thị trường xuất khẩu nông - lâm sản của tỉnh Yên Bái. Quế vỏ, tinh dầu và các đồ thủ công mỹ nghệ từ Quế được sản xuất, tiêu thụ theo đơn đặt của khách hàng, tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường quốc tế như: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả rập Mỹ, Anh, Hà Lan, Nga .v.v. Gỗ Quế được các cơ sở, hợp tác xã thu mua, sản xuất ván bóc, xẻ thanh bao bì, xẻ nan bán cho Đài Loan, Trung Quốc, ngoài ra gỗ Quế còn được sử dụng trong các công trình xây dựng.
Nhờ những ưu thế vượt trội, lãnh đạo địa phương xác định, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của Văn Yên trong nhiều năm tới. Bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm quế, huyện Văn Yên đang xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm quế, trong đó có lễ hội quế được tổ chức hàng năm nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm quế Văn Yên đến với bạn bè trong và ngoài nước, thu hút đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hữu Duyên
Ảnh: Lan Anh