Là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, xuất phát điểm thấp nên xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh được các ban ngành, cấp ủy chính quyền, các địa phương, tổ chức xã hội… nỗ lực triển khai.

Trong đó, tỉnh chú trọng kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã xuất hiện các mô hình, cách làm hiệu quả trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Tiêu biểu như mô hình trồng rau an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ.

W-20240411-100555-2.jpg
Mô hình đầu tiên và duy nhất trên địa bàn huyện Nậm Pồ ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại trong trồng và chăm sóc các loại rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ với quy mô trên 30ha. 

W-20240411_101643(0).jpg
Giá thể cũ không tái sử dụng mà được ủ cùng chế phẩm sinh học, bón cho các loại rau màu khác. Ưu điểm trồng cây trong nhà màng là cây không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, ngăn chặn mầm bệnh, sâu bệnh, khi đó cây không phải phun thuốc và sẽ đạt mục tiêu là sản phẩm hữu cơ, an toàn. Với hệ thống tưới nước nhỏ giọt, người quản lý chỉ cần cài tự động. Mùa đông tưới 5 lần/ngày, hè tưới 7 lần/ngày, lượng nước đủ sẽ đảm bảo độ sinh trưởng.
W-20240411-100947-1.jpg
Vùng đất rộng lớn này trước đây hoang hóa, không có nguồn nước canh tác, chưa có loại cây nào đem lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân, Xuất phát từ thực tiễn đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đã nghiên cứu, ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng nguyên liệu cây chanh leo, cây quế và vùng sản xuất rau, củ quả an toàn đến năm 2025; đồng thời giao cho các cán bộ, đảng viên thực hiện. Sau khi thành công sẽ nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ xuống bà con.

Trung bình một ngày, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn thu hoạch và đưa từ 1,5 - 2 tấn rau, củ quả sạch cung ứng cho 42 trường học trên địa bàn huyện với hơn 16 nghìn học sinh ăn bán trú.

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết, là một trong những huyện còn rất khó khăn nhưng với quyết tâm cao, vườn rau Si Pa Phìn được ra đời góp phần vào việc đưa thực phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tới các trường học.

Theo ông Ngô Xuân Chiến, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn đã và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 20 - 30 lao động với mức lương ổn định và ở mức khá so với mặt bằng chung tại Si Pa Phìn.

Anh Lưu Văn Nhường, nhân công tại hợp tác xã cho biết, hàng ngày anh làm việc trên các vườn rau xanh, kiểm tra độ ẩm, bắt sâu, vặt lá héo. "Thu nhập của tôi khoảng 10 triệu đồng/tháng, được bao ăn ở. Tiền lương dùng vào chăm sóc con cái, gia đình... cuộc sống vì vậy rất đảm bảo", anh nói. 

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ; đặc biệt là sự nỗ lực của từng thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, diện mạo nông thôn xã Si Pa Phìn ngày càng thay đổi, góp phần vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Một mô hình tiêu biểu khác là mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp: trồng cây ăn quả, rau, chăn nuôi với quy mô lớn theo chuỗi liên kết, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ của ông Nguyễn Phú Đỏ ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. 

W-20240410-075542-1.jpg
Được sự tư vấn, hỗ trợ của cán bộ Trung tâm Khuyến nông và giống cây trồng, vật nuôi tỉnh, ông Nguyễn Phú Đỏ đã chuyển đổi diện tích 3,7ha sang trồng các loại cây ăn quả, rau xanh thuận tự nhiên. 

Cũng trên địa bàn tỉnh, Hợp tác xã Công nghệ cao Bản Mé, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính với quy mô 3.500m2 trồng rau và dưa leo. Với thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi trồng đến thu hoạch đối với dưa leo khoảng 35 - 40 ngày, thu hoạch liên tiếp trong 40 ngày.

Theo báo cáo, đến hết năm 2023, toàn tỉnh Điện Biên có 50 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn gần 37%; số tiêu chí nông thôn mới bình quân của cấp xã đạt khoảng 14 tiêu chí/xã. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, diện mạo nông thôn Điện Biên đang đổi thay và khởi sắc. 

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ như của ông Nguyễn Phú Đỏ, Hợp tác xã Si Pa Phìn, Hợp tác xã Bản Mé là những điểm sáng trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh Điện Biên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động. 

Thời gian tới, để sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao thực sự trở thành bệ đỡ cho công tác xây dựng nông thôn mới, tỉnh Điện Biên sẽ tập trung đầu tư nguồn lực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ điều kiện về năng lực để tiếp nhận và vận hành công nghệ.

Tỉnh cũng có kế hoạch giúp người nông dân tiếp cận dần với những yêu cầu kỹ thuật canh tác, đầu tư, trình độ quản lý cao hơn để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân. Đặc biệt là công tác tìm đầu ra cho sản phẩm, ổn định thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chứng nhận. 

Quỳnh Nga