Ngày nay, Việt Nam đã trở thành một nước có đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực toàn cầu. Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn gạo mỗi năm, tức là gần 10% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, và được xếp hạng là quốc gia xuất khẩu gạo thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.

Tính theo khối lượng, Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều và hạt tiêu hàng đầu, và đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê sau Brazil. Việt Nam cũng trong tốp đầu về xuất khẩu thủy sản, rau quả và sản phẩm gỗ toàn cầu. Khoảng một nửa tổng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu, mang về cho đất nước hơn 40 tỷ USD/năm trong những năm gần đây. 

{keywords}
Việt Nam đặt mục tiêu đưa nông nghiệp đi theo quỹ đạo xanh, phát thải thấp để đóng góp thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.

Trong một bài viết sâu sắc mới đây, 2 tác giả Lê Minh Hoan (Bộ trưởng NN&PTNT) và Carolyn Turk (Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam) đã phân tích thấu đáo:

Nông nghiệp, nông thôn đã trở thành trụ đỡ, là nền tảng vững chắc để bảo vệ đất nước mỗi lúc gặp khó khăn.

Minh chứng bằng những câu chuyện khó khăn giai đoạn đầu Đổi mới cho đến khủng hoảng kinh tế Đông Á cuối những năm 1990, khủng hoảng tài chính thế giới những năm 2010 hay đại dịch Covid-19 hiện nay, an ninh lương thực luôn được đảm bảo, giảm bớt áp lực lạm phát, đóng góp ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế nhờ có xuất siêu nông lâm thủy sản luôn tăng, hai tác giả khẳng định, nông thôn là nơi “trở về” an toàn, đảm bảo sinh kế cho lao động nông thôn di cư ra thành phố. Hơn thế, nông nghiệp là phương tiện chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị Bản Việt, giữ gìn biên cương của tổ quốc. 

Năng suất và sản lượng nông nghiệp trong 3 thập niên qua luôn tăng trưởng. Việt Nam đã trở thành hình mẫu của thế giới về tăng trưởng nông nghiệp, đặc biệt về nguồn cung lúa gạo trong nước. Đó là kết quả của định hướng theo mục tiêu tăng năng suất và sản lượng. Điều này cũng dẫn đến hệ lụy là tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm và đi kèm theo đó là những lo ngại về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Việc tăng sản lượng nông nghiệp được tạo ra thông qua sử dụng nhiều hơn các nguồn tài nguyên, bao gồm các đầu vào vô cơ như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh cho vật nuôi và nước. Do đó, lượng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp đã tăng lên, chiếm 18% tổng lượng phát thải của Việt Nam và dự kiến sẽ đạt trên 120 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030. Trong một kịch bản thông thường, một nửa số phát thải này sẽ đến từ sản xuất lúa gạo. 

Với diện tích canh tác bình quân thấp, nông nghiệp phổ biến ở quy mô nông hộ nhỏ. Tổ chức sản xuất thiếu gắn kết dẫn đến chi phí cao trong khi chất lượng và giá trị gia tăng thấp. Đây cũng là căn nguyên của sự bất bình đẳng trong phân chia lợi ích và dễ đổ vỡ chuỗi cung ứng. 

Do hiệu quả kinh tế và thu nhập thấp, phần lớn lao động trẻ, có sức khỏe, sức sáng tạo và được đào tạo chuyển nhanh sang các ngành kinh tế khác. Hậu quả là, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với nguy cơ mất đi lực lượng lao động có trí tuệ, khả năng sáng tạo để duy trì động lực phát triển. 

Có thể thấy, mọi động lực của tăng trưởng nông nghiệp đều đứng trước nguy cơ suy kiệt nếu Việt Nam tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng nông nghiệp dựa trên sản lượng, khai thác tận kiệt tài nguyên, tận dụng lao động giá rẻ, sử dụng nhiều hóa chất… Nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ, với khát vọng lớn hơn, cách làm bài bản và bền vững hơn. 

Đại hội 13 của Đảng đã mở ra một hướng đi mới với mục tiêu chiến lược: “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh”. Nông nghiệp lại đứng trước cơ hội hóa giải mọi khó khăn thách thức, tạo ra bước chuyển ngoạn mục để trở thành một quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm “Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững”, như tuyên bố của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị thượng đỉnh của LHQ hồi tháng 9. Đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Nông nghiệp không chỉ phục vụ 100 triệu dân, mà đã đứng vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người tiêu dùng yêu cầu nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phân phối tiện lợi hơn. Sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản phải xanh, nhân đạo và ổn định. Thị trường mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng, với sự bền vững của môi trường toàn cầu. 

Ngược lại, thị trường cũng đòi hỏi khách hàng có trách nhiệm với người sản xuất. Họ phải được đối xử tử tế trong an toàn lao động, trong môi trường sống, trong chính sách xã hội. Và hơn thế nữa, nông nghiệp Việt Nam ngày càng phải thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế, đặc biệt về bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Hoài Thanh (lược thuật)