- Trong chương trình "Con đường âm nhạc", chị sẽ ra mắt ca khúc mới "Tài sắc đa đoan". Liệu đây có sự đa đoan trong bài hát liên hệ với cuộc sống của chị?
Tài sắc đa đoan là ca khúc Thảo viết dựa trên chất liệu và làn điệu dân ca Ví, Giặm. Nó là nguồn cảm hứng từ một bài thơ cùng tên tôi được tặng từ một người đàn ông. Đôi lời khen ngợi cùng sự thương cảm lại phảng phất cả chút “tâng bốc” mình khiến tôi thấy phấn chấn. Tôi mượn luôn hình ảnh người ấy lồng ghép vào câu chuyện đối thoại cùng mình. Có lẽ vừa thích, vừa buồn, lại vừa bị kích động, nhiều cung bậc cảm xúc nên “đứa con” này dịu dàng, ngọt ngào nhưng cũng cá tính, đáo để như chính tôi.
- Người đàn ông ấy có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống hiện tại của Thảo?
Tôi trân trọng mọi nhân duyên và tất thảy đều có ý nghĩa với cuộc sống của mình. Xung quanh tôi luôn có nhiều chàng trai, cô gái, bạn bè và đồng nghiệp. Chúng tôi ngưỡng mộ, yêu quý và trân trọng nhau. Chắc biết tôi lãng mạn nên họ thường tặng quà thơ. Nhiều nam nhân tặng thơ cho tôi lắm. Thế nên tôi viết trong phần kết của Tài sắc đa đoan là: "Anh say và thế gian say. Em thời để đó, gió trăng tang bồng". Nhưng sự thật là dù “để đó” nó vẫn khiến tôi vui.
- Có phải cũng bởi đa đoan nên các sáng tác về thân phận, phụ nữ, tình yêu... của Thảo mới khiến khán giả, nhất là khán giả nữ đồng cảm, thấm và ngấm đến thế? Như vậy, đa đoan hẳn cũng không "lỗ" đâu nhỉ?
Tôi luôn nhìn mọi thứ trên đời đều song hành 2 mặt tốt xấu nên lỗ hay lãi cũng tuỳ vào cách mình cho và nhận. Đa đoan cũng có cái hay của nó. Tôi luôn đi đến tận cùng buồn vui để chiêm nghiệm tất thảy xung quanh mình. Vui thì tôi cười hết cỡ, dù thêm nếp nhăn thì vẫn thấy sướng. Buồn thì tôi thích khoét thật sâu hơn nữa để biết nó ra làm sao trong ấy. Xem nỗi buồn bạn sẽ tìm ra được cái hay ho làm vốn sống. Nếu đa đoan mà đứng vững, thậm chí bản lĩnh đến mức bạn có thể chơi đùa với cái truân chuyên của đời mình thì lãi rất to đấy (cười).
- Theo những tiết lộ ban đầu của “Con đường âm nhạc” thì ngoài thành tựu trong lĩnh vực biểu diễn, chương trình dành phần lớn để vinh danh con đường sáng tác của Thảo. Hẳn đây là dụng ý của Thảo? Điều này có phải là một thông báo ngầm của Thảo là sau này sẽ tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực sáng tác?
Cha ông đã nói “thầy già con hát trẻ”. Tôi đã là đàn bà 40, vẫn thấy mình còn “son” đáo để nhưng cũng nên tỉnh táo. Đi hát nếu nói nhàn thân cũng đúng nhưng rút ruột mà hát thì cũng cực thân lắm. Chưa kể dậy sớm về muộn, hát cho hay lại phải xuất hiện cho đẹp. Làm nghệ thuật cho tử tế để mà kiêu hãnh không dễ chút nào. Cảm xúc và vốn nghề của tôi còn phong phú lắm nhưng dần dần tôi muốn chuyển hướng, viết nhiều hơn để được cởi bỏ niềm riêng, cũng là cách để tu dưỡng trí huệ. Tôi thích hài hước, hóm nhưng phải sâu, vui nhưng phải đọng lại cái gì đó trong tâm hồn mới sướng. Khi cuộc sống ổn định hơn, tôi thích lựa chọn chương trình để hát. Bây giờ vẫn nặng mưu sinh, muốn thế nhưng chỉ dứt được 1 chân để hưởng thụ, 1 chân còn vướng lại kiếm tiền lo cho chân kia.
- Ở nhà ngoại ô 8.000 m2, kén chọn chương trình xuất hiện, nhiều lời đồn Thảo đã giàu có lắm nên không cần kiếm tiền từ ca hát?
Sướng quá nhỉ! Tôi thích giàu lắm. Nếu 8.000 m đất để ở là giàu thì đúng là tôi giàu rồi. Tôi thường trêu cha mẹ: "Con giàu gấp 10 lần cha mẹ" vì ông bà chỉ ở vườn 800 m thôi. Nhưng vì yêu thiên nhiên, muốn được sống như tuổi thơ, xa phố thị ồn ào nên tôi thường xuyên cháy túi vì đang trong giai đoạn xây dựng. Tôi thích tiền nhưng ngại mưu sinh nên khi cuộc sống ổn định ở đây, tôi sẽ làm ít lại, tiêu ít một chút để tận hưởng cuộc sống sớm hơn. Đợi đến lúc an vui tuổi già mới nhận ra điều đó sẽ muộn nên tôi định hướng sớm cho mình.
- Thảo có kế hoạch cho đời mình rõ ràng như vậy, có thể chia sẻ 1 chút về cuộc sống độc thân của người đàn bà 40 trong khu vườn 8.000 m2?
Tôi luôn bắt đầu 1 ngày với những tin tức về chính trị, xã hội. Sau đó ra vườn dạo chơi, hít thở và kiểm tra xem có gì bất ổn đêm qua không để nhắc nhở người làm. Sau đó tôi cắt hoa tươi dâng lễ Phật, Thánh rồi ngồi dưới chân các cụ thiền 1 chút. Nếu không đi hát, tôi có thể nhâm nhi trà đạo sau bữa sáng, vài cuộc gọi tới cha mẹ và người thân. Có cảm hứng thì sáng tác, không thì trông nom thợ đang xây dựng. Tôi thích vận động nhưng lại ghét thể dục, vì vậy cứ luôn tay luôn chân làm việc trong vườn. Nói chung rất giản đơn, rời sân khấu là tôi bình dị, tự tại lắm.
Thu Sao