Đã đến lúc đi tìm truyền nhân kế cận
NSƯT Trịnh Lâm Tùng được biết đến với vai trò là đạo diễn - hoạ sĩ, giảng viên, thành viên Hội đồng cố vấn học thuật của Học viện đào tạo hoạt hình Sconnect Academy of Media Arts (SAMA). Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về những nỗi trăn trở tìm hướng phát triển ngành hoạt hình Việt Nam trong tương lai.
- Anh có thể chia sẻ về hành trình chinh phục ước mơ và cách anh giữ ngọn lửa đam mê suốt thời gian qua?
Tôi bắt đầu sự nghiệp từ những vị trí khiêm tốn nhất, hỗ trợ các anh chị thế hệ trước trong Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, phụ giúp hoàn thiện những chi tiết nhỏ trong một phân cảnh rồi đến các vị trí cao hơn. Trong hơn 20 năm làm nghề, trải qua nhiều thăng trầm và khó khăn, nhưng ngọn lửa nhiệt huyết trong tôi vẫn sục sôi và như bản thân đã từng chia sẻ: “Tôi vẫn làm phim, sẽ làm tiếp. Sản phẩm hay nhất của tôi là sản phẩm chưa được làm ra”.
Sự nghiệp của tôi gắn liền với những tác phẩm giàu tính nhân văn như: Càng to càng nhỏ (2011), Một lần đào ngũ (2015) hay mới đây là bộ phim hoạt hình 3D Trạng Quỳnh thời nhí nhố đã có được một vị thế nhất định trong giới mộ điệu.
Từ những ngày đầu còn “nhặt nhạnh" tác phẩm vẽ lỗi của các họa sĩ khác ở Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho tới khi tác phẩm của mình được công chiếu rộng rãi là một hành trình đầy chông gai nhưng xứng đáng. Ngọn lửa nhiệt huyết và sự tận tâm với nghề luôn hiện hữu trong tôi.
Hiện nay, thương hiệu hoạt hình Việt đang dần định vị trên thế giới, còn tôi lại trăn trở về lớp đạo diễn trẻ kế cận. Đạo diễn là một nghề mang đầy tính trải nghiệm, hoạt động không ngừng nghỉ, nhịp thở đam mê luôn được duy trì với sự sáng tạo và nhiệt huyết. Tuy nhiên, muốn làm được đạo diễn hoạt hình bạn cần một bộ óc có tính quản lý và sự nhạy bén khi sắp xếp quy trình sản xuất. Điều này dường như tại Việt Nam chưa trường lớp chính quy nào đào tạo cho các bạn trẻ.
- Anh nhận định như thế nào về ngành hoạt hình hiện nay? Hướng đi nào phù hợp trong tương lai?
Trong năm 2023, những thay đổi lớn trong ngành hoạt hình Việt đã tạo tiền đề để tôi tìm ra hướng phát triển mới. Tôi nhận lời tham gia giảng dạy lớp Master Class: Đạo diễn Hoạt hình của SAMA. Đây là chương trình học chuyên sâu dành cho những bạn trẻ đam mê làm phim hoạt hình tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tôi vẫn đang làm nghề, không ngừng học hỏi, kể cả từ những học trò của mình. Tôi tiếp nhận từ các bạn nguồn năng lượng mới, sự đồng điệu và sẵn sàng đồng hành mang thương hiệu hoạt hình Việt vươn xa.
- Anh nhận định thế nào về cơ hội và thách thức của các đạo diễn trẻ làm phim hoạt hình?
Muốn có một cú bật nhảy cho tương lai của ngành hoạt hình thì cần "góp gió thành bão" - nhiều thế hệ, nhiều cá nhân cùng kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và thổi bùng ngọn lửa đam mê. Các bạn học viên rất trẻ được đào tạo bài bản sẽ làm tốt hơn thế hệ của chúng tôi. Phương thức hiệu quả là hình thức học chéo, giữa thế hệ này qua thế hệ khác, giữa nghệ sĩ này qua nghệ sĩ khác với tinh thần cầu thị, khiêm tốn và cởi mở.
Trong lớp học SAMA, không khó để thấy những "học trò" có nhiều năm kinh nghiệm với các tác phẩm được xem là thành công với độ nhận diện cao như đạo diễn hoạt hình Phan Thị Thơ, chuyên gia diễn hoạt 3D Phạm Quốc Cường, nhà biên kịch Đỗ Tuấn Anh…
Điều này chứng tỏ tinh thần học hỏi không ngừng của các nghệ sĩ và hướng khai thác mọi nguồn lực đa dạng của toàn ngành. Các bạn trẻ được học toàn diện để trở thành người thổi hồn cho những bộ phim hoạt hình chất lượng cao chứ không chỉ là học để làm một người biết dùng công cụ diễn hoạt.
Thiên Di