Nông nghiệp có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nên tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đi phù hợp của huyện Giồng Riềng. Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển ngành nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, từ đó giúp kinh tế - xã hội huyện Giồng Riềng thêm khởi sắc.
Để tái cơ cấu ngành nông thành công, Giồng Riềng đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ của người dân sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Từ đó, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp không ngừng tăng lên.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, năm 2024 huyện triển khai thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đề án chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2024-2025 thực hiện 14.000ha; năm 2026-2030 thực hiện 13.000ha giúp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao.
Ngoài lúa, cây màu cũng góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Hiện Giồng Riềng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 1.600ha, tăng 634ha so với năm 2020. Người dân sản xuất rau màu chuyên canh và luân canh trên đất lúa được duy trì và mở rộng diện tích sản xuất khoảng 1.250ha; trồng rau, màu, các loại cây ăn trái… trên bờ bao, liếp vườn, đất ruộng khoảng 5.000ha; năng suất đạt từ 25-30 tấn/ha, góp phần gia tăng giá trị sản xuất.
Ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng và phát triển 27 loại mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, với 799 hộ tham gia, tổng diện tích 768ha, tăng 15 loại mô hình và 208ha so với năm 2015. Cụ thể mô hình chuyên canh cây sầu riêng, măng cụt, dâu xanh kết hợp du lịch sinh thái; mô hình 2 lúa, 1 rau màu bờ bao; mô hình 2 lúa, 1 cá, rau màu bờ bao; mô hình 2 màu, 1 lúa; mô hình tràm nuôi ong mật, cá đồng; mô hình 2 lúa, 1 cá… đem lại thu nhập từ 100 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm…
Bên cạnh đó, thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm mở ra cơ hội thuận lợi để người dân huyện Giồng Riềng tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh sản phẩm OCOP người dân Giồng Riềng đã cải tạo vườn tạp chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái… với mục tiêu thoát nghèo, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế, góp phần chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu đạt chuẩn OCOP đã giúp người dân phát triển kinh tế hộ trên toàn huyện Giồng Riềng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Huỳnh Văn Thái Quỳnh thông tin, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; điện, đường, trường, trạm, giao thông nông thôn… được đầu tư và phát triển; nhân dân đi lại thuận tiện, thông thương dễ dàng từ những đổi thay diện mạo của huyện góp phần phát triển kinh tế và giữ vững huyện nông thôn mới.
Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong huyện đang từng bước nâng cao, thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Năm 2023, huyện có 313 hộ thoát nghèo giảm 0,58% so năm 2022, đạt 152,63% chỉ tiêu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,23%.
Bài