Xã Măng Cành là một trong 09 xã của Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Xã nằm về hướng Đông Bắc của huyện và cách trung tâm huyện 07 km theo Tỉnh lộ 676; phía Đông giáp xã Đăk Long, Tây giáp huyện Kon Rẫy, Nam giáp xã Đăk Long, Bắc giáp xã Đăk Tăng và xã Ngọk Tem; có 10 thôn, gồm: Kon Du, Măng Cành, Măng Pành, Măng Mô, Đăk Ne, Kon Kum, Kon Chênh, Kon Năng, Kon Tu Ma và Kon Tu Rằng.

Diện tích tự nhiên là 13.200 ha, trong đó: đất nông nghiệp 1223 ha; đất lâm nghiệp 11.282 ha; đất nuôi trồng thủy sản 1,10 ha; đất ở 18,97 ha, đất chuyên dùng 105,5 ha; đất chưa sử dụng 569,43 ha; nằm ở độ cao 1.100m, dọc theo đông Trường Sơn, địa hình đồi núi cao, giao thông đi lại khó khăn và chịu ảnh hưởng khí hậu Tây Nguyên và đồng bằng; lượng mưa bình quân hàng năm khoảng 2.200 - 2.400 mm; nhiệt độ trung bình năm khoảng 200C; độ ẩm trung bình trên 80% thuận lợi cho việc phát triển du lịch, trồng rau hoa xuất khẩu, phát triển các cây công nghiệp như cà phê, chè, các loại cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá nước lạnh.

W-mangcanh.png
Mùa màng bội thu

Xã đạt chuẩn xã nông thôn mới từ năm 2020 theo Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 07/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.

Kết quả này có được là nhờ, chính quyền xã đã tận dụng lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo ra sự đổi thay tích cực về bộ mặt kinh tế- xã hội của địa phương.

Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, Măng Cành xác định giao thông là một trong những khâu đột phá, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển, xã vận động nhân dân tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, hệ thống giao thông trên địa bàn ngày càng được nâng cấp, mở rộng. Hàng loạt tuyến đường bê tông vào các làng, khu sản xuất được làm mới với sự hỗ trợ của Nhà nước và người dân góp công, hiến đất.

Có đường bê tông, người dân đi lại thuận lợi, sản xuất, lưu thông và bán nông sản được giá hơn.

UBND xã Măng Cành vận động hộ nghèo mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế; nhờ vậy nhiều hộ đã vươn lên, có cuộc sống ổn định. 

Trong việc triển khai các mô hình sản xuất mới, địa phương chọn, tổ chức làm thí điểm trước để người dân thấy được hiệu quả kinh tế, học hỏi cách làm; từ đó tích cực tuyên truyền vận động người dân làm theo, tạo sự lan tỏa của các mô hình sản xuất hiệu quả.

Đơn cử như việc xã Măng Cành triển khai mô hình trồng bí Nhật (giống Kurimaru) cho 2 hộ dân ở thôn Kon Chênh và thôn Kon Tu Rằng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên qua 3 mùa vụ sản xuất, cây bí Nhật cho sản lượng cao và mang lại lợi nhuận kinh tế cho người dân. Mô hình trồng bí Nhật đã thu hút được 12 hộ dân ở các thôn khác tham gia. Ngoài việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã còn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Ngày càng có hiều hộ gia đình biết sử dụng vốn có hiệu quả, chi tiêu hợp lý. Một số hộ sử dụng vốn vay từ ngân hàng chính sách xây dựng mô hình kinh tế, mở quán nhỏ bán các sản phẩm, hàng hóa thiết yếu hàng ngày phục vụ bà con tại chỗ, có thêm thu nhập, sửa chữa nhà ở khang trang, mua máy cày, máy cắt lúa phục vụ sản xuất nông nghiệp.