- Một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẳng định. 

Nhân dịp 20 năm ngày tái lập tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trao đổi về những kinh nghiệm, kết quả mà Vĩnh Phúc đã đạt được sau hơn 1 năm triển khai nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

- Được biết, cùng với việc tổ chức học tập và triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc còn thực hiện nhiều giải pháp về xây dựng bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Xin bà cho biết, việc thực hiện nghị quyết TƯ 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng và sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh thời gian qua được thực hiện như thế nào?

- Ngay sau khi nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 được ban hành, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị quán triệt đến toàn thể cán bộ chủ chốt những nội dung cơ bản, trọng tâm của nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tỉnh ủy cũng đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn việc triển khai thực hiện trên toàn tỉnh và thành lập đoàn công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại một số đơn vị. 

{keywords}
Bà Hoàng Thị Thúy Lan

Tỉnh đã gắn việc thực hiện các nội dung của nghị quyết ngay trong đợt kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm 2016 với tất cả các cấp ủy đảng và kết thúc có kết luận, thông báo rõ những việc phải làm ngay.

Kết quả bước đầu cho thấy, các cấp ủy đảng đã quyết liệt, sâu sát hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc được giải quyết.

Tỉnh ủy cũng đã xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020 theo hướng tinh gọn, thực sự hiệu quả. 

- Tại hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Vĩnh Phúc vùa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng "Vĩnh Phúc sẽ phát triển nhanh và bền vững dựa trên những lợi thế so sánh của tỉnh, trở thành trung tâm kinh tế động lực Bắc Bộ và cả nước, một thành phố công nghiệp, dịch vụ, một thành phố hấp dẫn đầu tư"... Kỳ vọng đó hẳn là có cơ sở, thưa bà?

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 16 đã xác định chủ đề là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, huy động mọi nguồn lực; phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Một trong những mục tiêu quan trọng Đại hội đã xác định là xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước. 

{keywords}
Vĩnh Phúc ngày nay

Phát huy lợi thế của tỉnh nằm trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tỉnh luôn xác định công tác quy hoạch phải đi trước nên đã sớm lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc và quy hoạch vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Đồng thời tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để triển khai thực hiện. Điểm nhấn của Vĩnh Phúc là hết sức quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tăng cường đầu tư vào Vĩnh Phúc, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động địa phương.

Kết quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 8,56%, vượt kế hoạch năm, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Thu ngân sách nhà nước năm tăng nhanh, trong đó năm 2016 thu nội địa hơn 29 nghìn tỷ đồng, là địa phương có số thu nội địa đứng thứ 2 miền Bắc. 

Công nghiệp tiếp tục khẳng định vị trí là ngành kinh tế chủ lực với tổng giá trị sản xuất năm 2016 đạt 31.860 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2015. Nhiều dự án trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ được triển khai. Việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn, dồn thửa đổi ruộng, thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao đã đem đến cho ngành nông nghiệp của tỉnh một bước tiến mới.

Các “nút thắt” gây cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội từng bước được tháo gỡ. Cải cách hành chính được tăng cường. Việc thực hiện Chính phủ điện tử trên địa bàn được triển khai tích cực. Thủ tục hành chính được thực hiện theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, giảm thời gian, nhất là các thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành triển khai xây dựng Đề án tổng thể xây dựng mô hình thành phố thông minh tỉnh Vĩnh Phúc.

Với nỗ lực, quyết tâm của toàn đảng bộ và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, tôi tin tưởng kỳ vọng của Thủ tướng sẽ sớm trở thành hiện thực.

- Vĩnh Phúc sau ngày tái lập (1/1/1997) là một tỉnh thuần nông, tổng thu ngân sách toàn tỉnh chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng... đến nay đã trở thành điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư. Tỉnh đã làm gì để trở thành "bến đỗ" cho các DN lớn?

- Đến nay Vĩnh Phúc đã thu hút được 237 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký trên 3,6 tỷ USD; 659 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) tổng vốn đăng ký trên 57.000 tỷ đồng. 

{keywords}
Vĩnh Phúc là 'bến đỗ' của nhiều doanh nghiệp lớn

Tuy nhiên, thành công của Vĩnh Phúc không chỉ dựa vào vị trí địa lý thuận lợi, mà còn ở việc chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về hạ tầng, xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, với phương châm “nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc là công dân Vĩnh Phúc; thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”. 

Công tác xúc tiến đầu tư được đổi mới theo hướng ưu tiên xúc tiến đầu tư tại chỗ, tức là quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đang thực hiện dự án tại tỉnh; hướng tới các đối tác tiềm năng, các nhà đầu tư lớn, các nước có nền công nghiệp phát triển. 

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư cuối năm 2016, số vốn các doanh nghiệp cam kết sẽ đầu tư vào Vĩnh Phúc là trên 6 tỷ USD.  2 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu hút thêm 60,23 triệu USD từ 5 dự án FDI đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn. 

Hội nghị xúc tiến đầu tư hôm 28/3 do tỉnh tổ chức tại Nhật Bản đã thu hút hơn 100 đại diện DN tham dự, trong đó có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản. Những tín hiệu khả quan này cho thấy, việc thu hút đầu tư vào tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao. 

- Trong thời gian tới, cụ thể là trong năm nay, tỉnh có những giải pháp gì để vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế như kỳ vọng?

- Đối với năm 2017, tỉnh xác định một số chỉ tiêu cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,5-8,0%; GRDP bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 33,81 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 30,72 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1% so với năm 2016.

Để thực hiện, Vĩnh Phúc luôn bám sát các quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội từng năm và cả giai đoạn. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. 

Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế, khuyến khích và thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục xác định công nghiệp là nền tảng, là động lực cho phát triển, tỉnh sẽ đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các khu CN, ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Khuyến khích, tạo điều kiện để các dự án dịch vụ, du lịch, thương mại sớm được đầu tư và đưa vào khai thác. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tổ chức lại sản xuất, gắn với thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. 

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh về xúc tiến đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo chuyển biến rõ rệt về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, loại bỏ rào cản cho doanh nghiệp. Cùng với các giải pháp về phát triển kinh tế, tỉnh cũng rất quan tâm, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Quang Anh