- Sẵn sàng dành 8 tiếng đồng hồ phục vụ cho việc nghiên cứu, sau hơn 20 năm đứng trên bục giảng và bắt tay vào làm khoa học, TS. Nguyễn Thị Thúy Hà (Trưởng Phòng Quản lí Khoa học, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh) đã có những đóng góp thực tiễn.
Người làm khoa học là không toan tính
Một ngày có 24 giờ thì có quá nửa thời gian TS. Nguyễn Thị Thúy Hà dành cho công việc. Vì vậy, hẹn được chị khó lắm! Lịch làm việc của chị kín từ thứ Hai đến Chủ nhật. Có hôm, chị bận hoàn thành nốt bài nghiên cứu, hôm phải lên lớp giảng bài, khi chị lại bận với công tác quản lý hoạt động nghiên cứu của trường.
Ở nhà khoa học 44 tuổi này có phong thái nhanh nhẹn, gương mặt trẻ trung.
Nói về 20 năm làm việc trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, nữ tiến sĩ chậm rãi kể:
“Khi chuẩn bị tốt nghiệp khoa Hoá của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ngày ấy có công ty chế biến thực phẩm, thức ăn tại Bắc Ninh sang trường để xin tôi về làm tại phòng kiểm nghiệm. Cuối cùng, tôi lại quyết định về giảng dạy tại Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh. Khoảng thời gian này giúp tôi nhen nhóm niềm đam mê với công việc nghiên cứu”.
20 năm gắn bó với giảng đường, tiến sĩ Hà đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực hóa học, nghiên cứu giảng dạy, chủ trì và tham gia 7 đề tài tiêu chuẩn các cấp, công bố 31 bài báo trong các tạp chí chuyên ngành.
Xuất phát điểm là sinh viên ngành Hóa, chị luôn trăn trở việc áp dụng những kiến thức mình thu được để nghiên cứu chuyên sâu những loại hợp chất trong thành phần một số loại thực vật, chiết xuất ra sản phẩm có tác dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Vì thế, trong một đề tài cấp Nhà nước, theo Nghị định thư Việt Nam – Cộng hòa Pháp, chị đã được cùng các cộng sự của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu điều chế dung môi sinh học từ cây Jatropha curcas (cây cọc rào, cọc giậu) có khả năng tẩy sơn, vecni, mực in... Đặc biệt, chính từ loại dầu thực vật này có thể điều chế ra loại dung môi tẩy sạch dầu mỡ bám trên bếp rất an toàn.
Hiện tại, với sự hỗ trợ công nghệ sản xuất từ Hàn Quốc, dung môi này đã được sản xuất với khối lượng lớn (khoảng 200 tấn/1 năm) và được đưa vào thị trường công nghiệp của Việt Nam.
Dường như niềm đam mê cháy bỏng với nghiên cứu khoa học của chị chưa bao giờ bị dập tắt dù con đường này cũng có không ít khó khăn.
Lúc mới ra trường, bắt tay vào công việc nghiên cứu, cô giảng viên trẻ phải mò mẫm, đi trên sỏi đá để tìm hướng đi và nguồn tư liệu. Ở Bắc Ninh bấy giờ điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, vì vậy để đo một mẫu cần phải đi đến nhiều nơi rất vất vả và tốn công sức.
Nhưng với chị, điều quan trọng nhất của người làm nghiên cứu khoa học là phải có lòng đam mê, yêu nghề và kiên trì theo đuổi.
“Từ hồi sinh viên tôi đã đam mê nghiên cứu và mong có thể tạo ra những sản phẩm ứng dụng vì Hóa học luôn gắn liền với thực tiễn. Tôi nghĩ rằng một khi đã làm khoa học thì cần có lòng say mê, nhiệt huyết và không tính toán vì thực tế chế độ dành cho người làm nghiên cứu rất thấp nhưng thời gian bỏ ra khá nhiều” – TS Hà chia sẻ.
Niềm trăn trở về việc đổi mới giảng dạy
Đối với TS Nguyễn Thị Thúy Hà, nghiên cứu là nền tảng để phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng học, vừa là cơ hội để giảng viên thể hiện quan điểm, tâm tự nguyện vọng trong việc đổi mới giảng dạy.
Chị luôn tâm niệm “đã giảng dạy là phải nghiên cứu chuyên sâu. Đây là hai lĩnh vực có mối quan hệ mật thiết với nhau”.
Vì vậy, ngoài nghiên cứu về mảng hóa học, chị luôn trăn trở về việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường như hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới thi, kiểm tra đánh giá và đặc biệt rèn kĩ năng nghề cho sinh viên.
Hiện tại chị và các cộng sự của nhà trường đang tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh về xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nhằm nâng cao năng lực cho người học, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo chị, muốn nâng cao chất lượng giảng dạy, đầu tiên phải xuất phát từ chính người thầy.
Với học sinh Tiểu học và học sinh THCS, việc dạy phải đi kèm với dỗ. Vì vậy giáo viên cần phải đáp ứng hai tiêu chí là chuyên môn và tâm lý giáo dục.
Việc đưa trải nghiệm sáng tạo vào môn dạy giúp bài dạy sinh động, khiến học sinh thích thú hơn.
Tuy nhiên, muốn đưa hoạt động trải nghiệm vào giảng dạy cần phải cho học sinh trải nghiệm trước, gắn lí thuyết môn học với thực hành, thực tế, sau đó mới là sáng tạo.
Trong môn Hóa Công nghệ và Môi trường, chị cho sinh viên làm các dự án quy mô nhỏ như tìm hiểu về bếp Biogas hay sản xuất rượu ngay tại địa phương... Trải nghiệm ngay trong môn học là một điều thiết thực chị mong muốn áp dụng vào giảng dạy. Như vậy, học sinh sẽ có ấn tượng và nhớ lâu hơn.
"Tôi cũng hay sử dụng tích hợp giữa các môn học trong quá trình giảng dạy. Ví dụ, môn Hóa là môn học khô khan, vì vậy tôi luôn dạy cho sinh viên của mình cách áp dụng những bài thơ hay câu ca dao giúp các em ghi nhớ lâu hơn. Hoặc cũng có thể tôi đem những câu mang tính tích hợp môn Văn học, Địa lí, Lịch sử, Âm nhạc... vào môn Hóa học. Ví dụ, từ câu “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ. Hễ nghe sấm dậy phất cờ mà lên”, bằng kiến thức hóa học anh chị hãy giải thích câu tục ngữ trên. Tôi nghĩ rằng khi tích hợp các môn học như thế sẽ giúp sinh viên vừa thư giãn, vừa tạo cảm hứng học tập".
Thực tế, việc áp dụng phương pháp này vào giảng dạy khiến sinh viên của chị khá thích thú. Các em có thể thuộc bài ngay sau đó, cảm thấy Hóa học gần gũi và bớt khô khan hơn.
Kết thúc buổi gặp gỡ, chị Hà đọc mấy câu thơ vui:
Em cắm hoa tươi để cạnh bàn
Mong rằng Hóa học bớt khô khan
Em ơi trong Hóa nhiều công thức
Cũng đẹp như hoa lại chẳng tàn”.
Thúy Nga