Cô Vương là kế toán tại một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải (Trung Quốc) với mức lương cơ bản là 3.900 tệ (gần 13 triệu đồng). Ngoài lương cứng, cô còn được phụ cấp tiền ăn, trợ cấp tiền nhà ở, tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và hiệu suất làm việc. Tối đa một tháng mức thu nhập của cô có thể lên tới 8000-9000 tệ (khoảng 26-30 triệu đồng).
Cô là nhân viên có thâm niên nhiều năm ở công ty. Những năm qua, cô làm việc chăm chỉ, cật lực. Tuy nhiên cô lại bị công ty sa thải vì một chuyện mà cô cho là rất nhỏ: quên tắt máy in sau giờ làm việc, thông tin từ trang Sohu.
Một ngày năm 2014, cô Vương phải làm thêm giờ ở công ty để kiểm tra nốt số hóa đơn còn lại. Lúc đó, công ty chỉ còn lại một mình cô. Xong việc, cô tắt tất cả các thiết bị điện để ra về nhưng lại bỏ quên một chiếc máy in. Bản thân cô cũng không ngờ, chiếc máy in lại mang đến rắc rối lớn cho mình.
Sáng hôm sau, việc chiếc máy in bị quên tắt đến tai người quản lý. Vị quản lý này khiển trách cô Vương, cho rằng cô đã sơ suất, thiếu trách nhiệm.
Mặc dù trung tâm mua sắm từ lâu đã ban hành văn bản quy định tắt các thiết bị điện trước khi ra về nhưng cô Vương vẫn cho rằng, chiếc máy in sẽ chẳng thể gây ra vấn đề gì nếu bị quên tắt.
Trong khi người quản lý lại nhận định, đó là một mối nguy hiểm tiềm ẩn. Nếu máy in gặp trục trặc và gây cháy nổ, toàn bộ trung tâm mua sắm sẽ bị phá hủy. Người quản lý yêu cầu cô Vương viết bản kiểm điểm.
Cô Vương cảm thấy người quản lý chỉ đang làm lớn chuyện. Nhưng là một nhân viên, cô cũng đành viết bản tự kiểm điểm theo yêu cầu.
Sau khi nộp bản kiểm điểm, vấn đề khác lại nảy sinh. Thì ra, cô Vương không kí vào bản kiểm điểm mà chỉ in tên mình trên máy tính. Xét về mặt pháp lý, chỉ chữ ký viết tay hoặc ký điện tử hay dấu vân tay mới có hiệu lực pháp lý. Người quản lý yêu cầu cô in lại một bản sao, ký tay.
Cô Vương cho rằng vị quản lý này đang cố làm khó cô bởi trước đó, công ty có tuyển một nữ kế toán khác. Trưởng phòng kế toán vốn không ưng cô nên thường xuyên gây khó dễ, bắt lỗi.
Cô báo cáo sự việc với lãnh đạo công ty. Thật không ngờ, phía công ty đã đưa ra thông báo sa thải cô với lý do không tuân thủ quy định.
Cô Vương không hiểu tại sao chỉ vì không ký tên vào bản kiểm điểm mà lại bị công ty sa thải. Một lần nữa, cô quyết định gặp người quản lý, nói rõ ngọn ngành. Nhưng người này cho biết, cô có hai sự lựa chọn, một là tự xin nghỉ việc để bảo vệ danh dự, hai là bị sa thải.
Quá tức giận, cô buông những lời nói bực tức với vị quản lý của mình. Cô còn bóng gió rằng người này có quan hệ "thầm kín" với nữ kế toán mới nên cố tình bắt bẻ cô, ép cô nghỉ. Vì cãi nhau to nên cô Vương không còn lựa chọn nào khác, đành phải xin nghỉ việc để giữ thể diện.
Dù đã xin nghỉ việc nhưng nghĩ lại chuyện đã qua, cô vẫn hết sức tức giận. Cô Vương gửi đơn lên tòa, kiện công ty đã vi phạm hợp đồng lao động. Cô cũng đi khắp nơi để thu thập bằng chứng.
Phía công ty cho rằng, cô Vương đã vi phạm điều 2 trong luật lao động: Vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động. Và công ty có quyền sa thải cô.
Nhưng cô Vương giải thích việc quên tắt máy in chỉ là do sơ suất và cô đã chủ động viết bản kiểm điểm ngay khi được quản lý yêu cầu.
Công ty đưa ra lý do, việc cô Vương không tắt máy in có thể gây tổn thất lớn hơn cho công ty. Và thái độ của cô thực sự không tốt trong quá trình bị khiển trách. Điều này ảnh hưởng xấu tới các nhân viên khác của công ty và họ đã đưa ra quyết định sa thải vì những điều đó.
Tóa án nhận thấy các máy in trong trung tâm mua sắm luôn ở chế độ an toàn. Nếu người dùng quên tắt sẽ tự động chuyển sang chế độ tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công ty.
Cô Vương có thái độ hơi quá khích nhưng cũng chưa vượt quá tầm kiểm soát. Tòa cho rằng công ty đã vi phạm luật lao động khi sa thải cô Vương.
Cuối cùng, tòa án yêu cầu công ty trả 37.000 tệ (hơn 120 triệu đồng) tiền bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động và 3.700 tệ (hơn 12 triệu đồng) tiền bồi thường cho tiền thưởng cuối năm.
Cuối cùng cô Vương đã đòi lại được công bằng cho mình. Quản lý công ty cũng nhận một bài học về cách hành xử đối với người lao động.