- Sản phẩm nghiên cứu khoa học của 2 nữ sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Trần Thị Thanh và Phùng Ngọc Hà là những bước đầu của một sản phẩm hoàn thiện có khả năng giúp người tàn tật giao tiếp bằng não.
Chiếc mũ đỏ là một phần của bộ thiết bị "Phân loại các ký tự thông qua phát hiện sóng não P300" của Trần Thị Thanh và Phùng Ngọc Hà |
Thanh - sinh viên năm cuối khoa Kỹ thuật Y sinh (Viện Điện tử viễn thông) của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - giải thích nôm na, sản phẩm của các em khi hoàn thiện sẽ có khả năng tương tự chiếc máy phát ra giọng nói của nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking. Sản phẩm nghiên cứu của Thanh và Hà có tên là “Phân loại các ký tự trong bảng chữ cái tiếng Anh thông qua phát hiện sóng não P300”.
‘Hiện tại, nhóm em đã hoàn chỉnh thuật toán. Thời gian tới sẽ thực hiện những bước tiếp theo để có thể hiển thị ký tự trên màn hình” – Thanh chia sẻ.
“P300 speller” là một giao tiếp “não – máy tính” dựa trên sóng não P300, giúp người dùng viết các ký tự chữ cái lên màn hình máy tính mà không cần đến bất cứ hoạt động cơ nào. Giao tiếp này được thực hiện dựa trên việc phát hiện sự có mặt của sóng P300 trong tín hiệu điện não ghi lại từ các điện cực đặt trên da đầu.
Trần Thị Thanh trong Triển lãm Ngày hội sáng tạo khoa học trẻ Bách khoa 2018 |
Nếu như sản phẩm của Thanh và Hà đặt mục tiêu hỗ trợ khả năng giao tiếp của người tàn tật thì sản phẩm "Bàn tay robot" của nhóm sinh viên đến từ lớp Cơ điện tử kỹ sư tài năng lại đặt mục tiêu giải phóng sức lao động cho con người.
“Bàn tay robot” cũng là một trong những sản phẩm nổi bật trong mùa nghiên cứu khoa học năm nay của sinh viên Bách khoa.
Nguyễn Minh Quang – một thành viên của nhóm – cho biết, hiện tại sản phẩm của các em đã thực hiện tốt các động tác cầm nắm vật và mục tiêu hướng đến là có thể thay thế lao động cơ bản của con người như nấu cơm, gấp quần áo…
“Bàn tay robot” là sản phẩm mô phỏng giống bàn tay con người chính xác tới từng khớp xương, dây chằng. “Để ra được sản phẩm như hiện tại, nhóm em phải nghiên cứu về giải phẫu để đảm bảo sự mềm mại như bàn tay thật”.
Quang chia sẻ, theo em được biết, ở Việt Nam chưa có sản phẩm nào đạt đến độ phức tạp tương đương. “Phần cánh tay thì nhiều người có thể làm được, nhưng quan trọng nhất là khả năng cầm nắm của bàn tay. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục thực hiện tiếp phần cánh tay để hoàn thiện sản phẩm”.
“Bàn tay robot” và “Thiết bị đọc ký tự bằng não” là 2 trong số 21 đề tài đạt giải Nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay.
Cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học là một sự kiện được tổ chức thường niên của trường. Năm nay, cuộc thi thu hút sự tham gia của 22 Khoa, Viện với 377 công trình của 906 sinh viên, được thực hiện dưới sự hướng dẫn của 454 lượt giảng viên. Trong đó có 240 đề tài được lựa chọn thuyết trình trước hội đồng, 137 đề tài báo cáo poster tại 22 phân ban chuyên môn.
Trên cơ sở báo cáo trình bày tại hội nghị, hội đồng tại các phân ban đánh giá và đề xuất các đề tài nghiên cứu xuất sắc để hội đồng cấp trường xét chọn và trao giải vào ngày 1/6, cũng như đưa vào đề xuất xét giải cấp Bộ. Các sản phẩm nghiên cứu xuất sắc của sinh viên sẽ được trưng bày tại khu vực Triển lãm Ngày hội sáng tạo khoa học trẻ Bách khoa 2018.
Đánh giá chất lượng các đề tài năm nay, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận xét, năm nay sinh viên Bách khoa có nhiều đề tài khả thi và sẵn sàng để thương mại hóa.
“Tiêu chí chọn sản phẩm để trao giải của hội đồng cấp trường dành 30% trọng số cho những đề tài có sản phẩm hữu hình, hoặc có công bố quốc tế. Trong vài năm trở lại đây, với sự định hướng của các thầy cô hướng dẫn, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của các em sinh viên đã có công bố quốc tế, cụ thể là trong số 28 đề tài gửi đi thi cấp Bộ, có quá nửa đã có công bố quốc tế, không ít bài công bố trên các tạp chí ISI”.
Bà Minh cũng cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Bách khoa không còn là một hoạt động phong trào, mà thực sự là sự đam mê sang tạo cộng với những nỗ lực kiên trì của các em trong nhiều năm để cho ra đời một sản phẩm. “Nhà trường cũng mong muốn những hoạt động như thế này ngày càng lan tỏa giúp các em sinh viên học tốt hơn, sâu hơn, có mục đích hơn”.
Nguyễn Thảo
Cơ chế quỹ: Lối thoát cho hỗ trợ nghiên cứu khoa học
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không thay đổi quan điểm đầu tư cho KHCN như một dịch vụ công thì sẽ không có tác động lớn tới việc thay đổi bức tranh đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
2 doanh nghiệp đầu tiên của dự án đổi mới sáng tạo bằng nghiên cứu khoa học “tốt nghiệp”
Hai doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên của Dự án đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học đã "tốt nghiệp".
Trao giải sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc 2017
Chiều ngày 16/12, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2017.
Trường ĐH treo thưởng 200 triệu cho một nghiên cứu khoa học đạt ISI
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ thưởng 200 triệu đồng cho một bài báo công bố quốc tế đạt ISI có IF>2.
Khai mạc vòng sơ khảo giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2017
Sáng 28/10, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ khai mạc vòng sơ khảo Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2017.