Nam đánh nhau để tạo độ quyến rũ và hấp dẫn đối với bạn nữ. Còn nữ lại thông qua hành động làm nhục (thường về hình thể bên ngoài) như đồn thổi ác độc và cô lập xã hội bạn cùng giới để thu hẹp khoảng cách cạnh tranh về mặt tính dục.

{keywords}

Thạc sĩ tâm lý Ngô Toàn (Hà Nội) chia sẻ quan điểm về bạo lực học đường sau khi clip quay nữ sinh Huế bị bạn đánh hội đồng gây xôn xao.

Ông nhận định thế nào về những vụ bạo lực học đường diễn ra ngày càng dã man trong thời gian gần đây?

- Thạc sĩ tâm lý Ngô Toàn: Nói về bạo lực học đường, tôi nhấn mạnh đến quan niệm bắt nạt. Dẫu khác biệt từ góc nhìn của phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo, chuyên viên tâm lý, hay nhà làm luật thì việc bắt nạt luôn để lại nhiều hậu quả tiêu cực do hành động lặp đi lặp lại của kẻ gây nên sự vụ.

Cần khẳng định, thực tế đời sống học đường, sự bắt nạt khởi tạo nguy cơ sức khỏe tâm thần nghiêm trọng có thể dẫn tới các rối loạn lo âu, trầm cảm, hạ thấp lòng tự tin, thậm chi khiến nạn nhân lựa chọn tự sát để kết thúc những đau đớn kéo dài cả về thể xác lẫn tâm trí.

{keywords}
Thạc sĩ tâm lý Ngô Toàn

Theo ông, những nguyên nhân gì khiến việc đánh đập bạn bè ngày càng trở thành “cơm bữa”?

- Các em có thể đánh bạn vì bất cứ lý do gì. Quá xinh đẹp “thu hút” hết sự chú ý của bạn nam: đánh. Béo phì nhìn “xấu đội hình của lớp”: mạt sát, giật tóc, cấu véo. Học giỏi khiến thày cô hay “dẫn chứng” so sánh: đánh… Không ngoan, không nghe lời: đánh… Chỉ cần có lý do “không thuộc về đám đông” thì các em đều bị bạn bè bắt nạt. Thậm chí chỉ là trông kỳ cục, chướng tai gai mắt.

“Mỗi trường cần có các chuyên gia tâm lý học đường để kịp thời lắng nghe, tư vấn cho các em, đặc biệt là những tâm sự liên quan đến việc bắt nạt. Em bị bắt nạt có thể tin cậy đến tìm sự trợ giúp còn người bắt nạt cũng được giúp đỡ để có cách giải quyết cơn giận dữ một cách tích cực hơn” – chuyên gia tâm lý Ngô Toàn

Lứa tuổi các em cũng dễ đánh nhau để tăng “tính hấp dẫn giới tính”. Các em nam đánh nhau để tạo độ quyến rũ và hấp dẫn đối với bạn nữ. Còn nữ lại thông qua hành động làm nhục (thường về hình thể bên ngoài) như đồn thổi ác độc và cô lập xã hội bạn cùng giới để thu hẹp khoảng cách cạnh tranh về mặt tính dục. Thực tế, các cô gái mới lớn xinh đẹp rất dễ trở thành nạn nhân của bắt nạt xã hội hơn.

Tuy nhiên, hành vi bắt nạt của nam thường bộc lộ, dễ bị phát hiện hơn so với nữ nhưng mâu thuẫn giữa các bạn nữ lại nhiều hơn, nghiêm trọng hơn, các hành vi bắt nạt của nữ khó phát hiện.

Cùng với thời gian, các hình thức bắt nạt ngày càng phong phú và phức tạp hơn: bắt nạt trên mạng xã hội, các giao tiếp trực tuyến internet… Để tránh bị bắt nạt nhiều em đã phải “đánh mất bản sắc” tỏ ra hoà đồng giống như số đông, trong đó có cả việc làm cho mình “xấu đi”, “học kém đi”, “tồi tệ đi”. Việc các em đứng im không dám lên tiếng bênh vực hoặc cũng giễu cợt “hội đồng” bạn bị đánh cũng có lý do “để mình giống số đông”.

Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, mức độ bạo lực cũng trầm trọng hơn nhưng hình như chúng ta đang "bất lực"?

-Theo tôi, cần có sự “bắt tay” của nhiều ngành, nhiều người mới có thể hạn chế được bạo lực học đường. Mỗi lứa tuổi có sự phản kháng, kiểu sáng, mức độ bắt nạt bạn bè khác nhau. Nhỏ thì cấu chí, trêu chọc nhưng nếu không được bố mẹ, thầy cô uốn nắn, chỉ dạy để chấm dứt việc trêu bạn thì lớn lên có thể là đánh đập bạn.

Trong nhà, bố đánh mẹ, mẹ chửi con thì con trẻ cũng sẽ “học” được việc dùng nắm đấm để giải quyết các mâu thuẫn với bạn bè. Trong lớp, thầy cô phải sâu sát học sinh để nắm được các mâu thuẫn, tìm cách tháo gỡ giúp các em ngay từ “trứng nước”. Việc xử phạt phải công khai, công bằng, cũng không nên “đổ thêm dầu vào lửa” khi khen chê các em một cách quá sỗ sàng, thô lỗ. Điều đó sẽ khiến các em càng căm tức bạn hơn và tìm cách “trút hận” lên bạn.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Mỵ Lương/ Dân Việt)

Xem thêm: