Sự kiên trì của nữ hoàng ngành giấy

Bà Trương Nhân (1957) sinh ra trong một gia đình quân nhân nghèo ở Thiều Quan (Quảng Đông, Trung Quốc). Nhà có 7 anh chị em, bà Nhân là chị cả nên sớm phải gánh vác việc gia đình. Điều này góp phần tạo nên tính cách độc lập và ngoan cường của bà. 

Mặc dù điều kiện gia đình khó khăn, nhưng chưa bao bố mẹ để bà Nhân lo lắng về cơm ăn áo mặc, nhà ở, phương tiện đi lại và học phí. Sau kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1974, bà Nhân nộp hồ sơ vào chuyên ngành Tài chính kế toán theo sự định hướng của gia đình. 

Bố mẹ bà Nhân cho rằng, con gái dễ tìm việc nếu học ngành này. Hơn nữa, mức lương tương đối cao, trở thành ‘bát cơm sắt’ trong quan niệm của mọi người thời điểm đó. Không phụ lòng mong đợi của bố mẹ, ở tuổi 25, bà Nhân thành công tốt nghiệp ngành Tài chính kế toán.

Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc tại một công ty do bố mẹ sắp xếp. Ban đầu, bà làm kế toán tại nhà máy vải sau chuyển sang làm trong lĩnh vực kinh doanh giấy gói. Nhờ sự cố gắng trong công việc, bà Nhân được thăng chức từ trưởng phòng tài chính, trưởng phòng thương mại đến giám đốc điều hành.

Từ chức giám đốc đi 'nhặt rác'

Đang ở đỉnh cao sự nghiệp và sở hữu mức lương ổn định bà vẫn không hài lòng với cuộc sống. Hơn nữa, công việc lặp lại hàng ngày, khiến bà Nhân thấy nhàm chán. Bà mong muốn bản thân tự chủ tài chính. Ở tuổi 27, bà Nhân quyết định từ bỏ vị trí điều hành và đến Quảng Đông với số tiền tiết kiệm 30.000 NDT (103 triệu đồng) để kinh doanh giấy vụn.

Nhận thấy tỷ lệ tái chế giấy vụn trong nước lớn, nhưng nguồn tài nguyên lại hạn chế, nên bà Nhân quyết định đi thu mua. Thời điểm đó, lượng lớn giấy vụn rải rác ở Hong Kong được bà Nhân coi là 'vàng'. Bà quyết định đi thu mua giấy vụn xong bán lại. 

Lúc đó, nhiều người cho rằng, bà Nhân không bình thường vì từ chức giám đốc điều hành để đi nhặt rác. Ngay cả gia đình cũng phản đối quyết định của bà. Tuy nhiên, bà vẫn kiên quyết với lựa chọn của bản thân: "Chẳng may thất bại tôi cũng không thể chết đói, đường cùng tôi sẽ quay lại Thâm Quyến làm việc. Nhưng nếu để vụt mất cơ hội này, tôi sẽ trách bản thân cả đời".

Nhớ lại thời gian đầu khởi nghiệp bà Nhân tâm sự, ngoài khó khăn tài chính còn bị đối tác lừa dối thậm chí phải chịu cả sự đe dọa của nhà buôn. Ngoài ra, tiếng Quảng Đông của bà khá hạn chế nên kém tự tin khi giao tiếp với đối tác.

Quá trình biến rác thành 'vàng'

Việc tái chế giấy vụn phức tạp, thời gian đầu bà Nhân đích thân giám sát vừa để cải thiện chất lượng vừa kiểm soát lượng rác thải ra môi trường. Không dừng lại ở việc tái chế giấy bà Nhân bắt đầu nghĩ đến sản xuất. Do đó, năm 1988, bà thành lập công ty giấy Trung Nam ở Đông Quan.

423036398 1540245256759585 8204670393094766234 n.png
Bà Trương Nhân - nữ hoàng ngành giấy của Trung Quốc sở hữu khối tài sản ròng 45 tỷ NDT (154.545 tỷ đồng). Ảnh: Baidu

Nhờ sự nỗ lực của bà Nhân, sau vài năm công ty đứng vững trên thị trường trở thành nhà máy sản xuất giấy số 1 Trung Quốc. Nhiều đối tác nước ngoài lúc này mong muốn hợp với bà Nhân. Năm 1990, bà Nhân thành lập công ty thứ 2 Trung Nam Holdings ở Mỹ mục đích là tìm nguồn nguyên liệu để tái chế thành bao bì cho hàng tiêu dùng ở Trung Quốc.

Với thành công này, năm 1996, bà Nhân về Trung Quốc xây dựng chuỗi dây chuyền sản xuất và tái chế giấy nhà máy Nine Dragons. Đến năm 2005, Nine Dragons giành vị trí số 1 trong nước, thứ 2 châu Á và thứ 8 thế giới về sản phẩm bao bì giấy. Giá trị thị trường của công ty lúc đó ước tính khoảng 2,5 tỷ NDT (8.500 tỷ đồng). 

Năm 2010, Nine Dragons được niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong với giá trị thị trường là 38 tỷ NDT (130.505 tỷ đồng). Ngay sau đó, bà Nhân trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản 27 tỷ NDT (92.727 tỷ đồng).

Cuối năm 2022, khối tài sản ròng bà Nhân sở hữu ước tính khoảng 42 tỷ NDT (144.242 tỷ đồng). Sau 36 năm, gắn bó với ngành công nghiệp sản xuất và tái chế giấy, đến nay, bà Nhân sở hữu khối tài sản ròng 45 tỷ NDT (154.545 tỷ đồng) trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Trung Quốc.

Tiết lộ bí quyết thành công, nữ hoàng ngành giấy cho biết: "Dự báo được thị trường trước các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, muốn dẫn đầu phải vượt qua bài kiểm tra về năng lực sản xuất và chất lượng". Để đạt được thành tựu này, nữ tỷ phú Trương Nhân không tách rời sự chăm chỉ và kiên trì.

Bà Nhân tin rằng, thành công của bản thân gắn liền với sự ủng hộ của người dân. Do đó, bà luôn cố gắng tìm cách báo đáp xã hội. Ngoài vai trò là doanh nhân nổi tiếng, bà còn là nhà từ thiện, nhiều lần góp mặt trong danh sách của tạp chí Forbes. Tâm sự với truyền thông vấn đề này, bà cho rằng: "Trao đi cho xã hội là trách nhiệm của chúng tôi".