Tôi gặp lại bà sau 20 năm, khi lần đầu tiên tôi viết về bà, một tỷ phú nông dân vươn lên từ “đáy xã hội” theo đúng nghĩa của từ này. Chục năm trở lại đây, khi “con cháu đã đề huề, tiền bạc đã dư dả” (như lời bà nói) thì bà bắt đầu cuộc hành trình “cứu nhân độ thế”. Bà là Trần Thị Hằng (với biệt danh Hằng “hủi”) - một tỷ phú nổi tiếng của đất Thái Bình.

Nỗi khổ của người làm vợ kẻ hào hoa

Một ngày cuối năm chúng tôi về phường Hoàng Diệu, TP.Thái Bình thăm bà. Không chỉ đơn thuần là Hằng “hủi”- Tấm gương về nghị lực phi thường vươn lên trong cuộc sống, mà nay đã là “Bà tỷ phú” thuộc loại giàu có tiếng của Thái Bình. Cậu con trai Tú Anh đã không còn là đứa trẻ lên ba- “Tài sản thế chấp” cho mấy bà chủ chợ Nam Định mỗi khi mẹ Hằng lấy hàng đi bán tồn tại qua ngày, mà nay đã là Doanh nhân tiêu biểu của quê lúa.

Tôi theo bà ra “Nguyệt vọng lầu”. Ngồi trên lầu nhìn bao quát toàn bộ khu biệt thự của bà Hằng. Ngôi nhà chính 5 tầng khang trang, khu nhà ngang xây theo kiểu cổ, ở góc phía bên kia vườn là bể bơi gia đình. Trời Thái Bình lất phất mưa, lạnh buốt. Câu chuyện buồn đẫm nước mắt về tình duyên của bà Hằng nghe càng thêm tê tái.

{keywords}

Ba Hằng bên Nguyệt Các Lầu trong khu biệt thự nhà mình.

“Cách đây hơn hai mươi năm, anh ấy đưa vợ và 2 đứa con chung và 2 đứa riêng của vợ anh ấy về nhà chị”- bà Hằng bắt đầu câu chuyện về người chồng của mình đã bỏ vợ con theo người đàn bà khác như vậy.

Ông ấy bảo: “Mẹ mày nuôi giúp mấy đứa con cho ta với. Chúng nó không có ăn”. Bà giận ông đến tím tái mặt mày, nhưng nhìn mấy đứa trẻ “bụng ỏng, đít beo” thì không cầm được lòng. Nuôi được một tuần thì mẹ, rồi chị gái bà chửi rủa bà không ra gì.

Bà dùng hai lòng bàn tay nâng ly trà, nhấp một ngụm, thở dài, bà nói tiếp: “Chị có phải loại gái “đầu đường xó chợ” đâu em”. Không thuộc loại “sắc nước hương trời”, nhưng cũng chả thua kém ai. Là học sinh giỏi văn miền Bắc, có lần được nhà thơ Tố Hữu tiếp, đối thơ với ông ấy và còn được ông khen hay”.

Năm 1967, ở tuổi 22, sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán, Trần Thị Hằng được bổ sung vào đoàn cán bộ bí mật vào vùng giáp ranh Sài Gòn, Đồng Nai để làm công tác thanh vận. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, do chiến trường có nhiều thay đổi nên 1968 Trần Thị Hằng được điều trở ra Bắc, làm ở Ty Tài chính Hà Tây (Hà Nội bây giờ). Tại đây bà Hằng đã gặp, yêu và lấy ông Chiền.

“Anh ấy đẹp trai, khéo ăn nói, nhưng mắc mỗi cái chứng đào hoa”- bà Hằng bảo thế. Khi đang mang bầu đứa con đầu lòng (sau bị sảy thai do xuống hầm trú ẩn tránh máy bay Mỹ) thì ông Chiền “phải lòng” một “cô văn công” ở Nghệ An. Chuyện vỡ lở, anh chồng “cô văn công” bắn ông Chiền xuyên qua bắp đùi và đòi kiện, đuổi ông Chiền khỏi quân ngũ. Bà biết chuyện, từ Hà Tây, bụng mang, dạ chửa, vượt đèo lội suối mất cả tuần mới vào tới Con Cuông (nơi ông Chiền đóng quân) để xin cho ông Chiền.

Cho thêm nước sôi vào ấm trà, bà Hằng rót ra 2 ly, rồi khe khẽ ngâm thơ. Nghe thật phũ phàng, xót xa khi bà Hằng đọc hai câu của bài “Vọng nguyệt lầu”: “Xa cách lòng đau người có thấu/ Biệt ly lệ nhói ai còn nghe”.

Người chết đi sống lại…

Sau một tuần trà, bà Hằng bảo: “Chú ra đây chị chỉ cho chú cái này!”. Tôi đi theo bà. “Đấy, ngôi nhà lần đầu tiên chị xây. Chị vẫn giữ như là một kỷ niệm”- bà Hằng chỉ vào ngôi nhà. Ngôi nhà cũ giờ đây đứng nép mình ở một góc nhỏ của khu vườn, rêu phong đã phủ. Hơn 20 năm trước, lần đầu tiên gặp bà Hằng, tôi đã ngồi trong ngôi nhà này. Khi ấy nó là một kỳ tích, là kết quả của hơn 20 năm vật vã, lăn lộn từ đáy của sự khốn cùng để vươn lên.

Đứng trước ngôi nhà cũ và câu chuyện như là cổ tích về cuộc đời Bà Hằng lại hiện về…

{keywords}

Ngôi biệt thự khang trang do bà gây dựng nên.

Cuối năm 1972, máy bay B52 của Mỹ đánh bom Hà Nội, Hà Tây. Bom rơi trúng Sở Tài chính, bà Hằng bị thương nặng: mất một mảng da đầu, thủng bụng, phải cắt gần một mét ruột bị nát. Không đủ sức khỏe phục vụ cách mạng, bà được cho xuất ngũ.

Với thân hình đầy thương tật, nặng chừng 35 cân, bà Hằng ôm con về quê chồng ở Bắc Ninh. Một thời gian sau đó chồng bà cũng xuất ngũ. Cuộc sống khi ấy vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề. “Không bỏ được thói trăng hoa anh ấy bỏ chị để đi theo một người đàn bà khác đã có 2 đứa con riêng”- bà Hằng kể. Chồng bỏ đi. Gia đình, họ hàng nhà chồng lạnh nhạt, ruồng bỏ, bà Hằng đau đớn ôm con thơ trở về Thái Bình.

Bà dựng tạm căn lều mái rạ để nương thân. Những đêm mưa gió, lều dột tứ tung, mặc áo mưa, ôm con, nước mắt lăn dài. Khóc mãi rồi cũng chả giải quyết được gì. Bà đưa con lên chợ Nam Định. Sáng sáng đi lấy hàng, không có tiền, bà đem cậu con trai 4 tuổi Tú Anh ra làm “tài sản thế chấp”, chiều về trả tiền hàng, “chuộc” lại con.

Có chút tiền bà đưa con trở lại quê nhà. Bà quyết định biến ao tù của mẹ lâu nay bỏ hoang thành ao nuôi cá. Thế là hàng ngày bà dầm mình dưới nước, móc bùn, đắp bờ. Sau một tháng trời cái ao đã ra đời, cá đã được thả. Tuy nhiên, cái giá phải trả là vô cùng đắt. Ngâm nước lâu ngày, chân bị lở loét. Các ngón tay bà Hằng bắt đầu sưng tấy lên, đen dần, lở loét và rụng từng đốt. Để tránh bị nhiễm trùng bà đã nung đỏ lưỡi dao, gí vào cho cháy thịt và băng lại từng ngón tay. Mỗi lần như vậy bà đau đớn và ngất xỉu đi. Sau một tuần bà đốt hết 10 ngón tay.

“Con mụ này bị hủi rồi. Cách ly nó đi không thì lây ra cả làng bây giờ!”- dân làng bảo nhau thế. Sợ lây bệnh cho cả làng, dân quân tới nhà xích tay bà đưa lên bệnh viện tỉnh. Ông bác sĩ già khám, bảo: “Không phải hủi, bệnh nghẽn mạch vành”, nhưng dân làng chả mấy ai tin.

Bà Hằng bảo: “Những tiếng xì xào, những cái nhìn tỏ vẻ ghê sợ, khinh bỉ của anh chị trong gia đình, dòng họ, rồi làng xóm như những chiếc kim châm vào tim gan tôi. Nó còn đau hơn cả nỗi đau về thể xác”.

Sức chịu đựng của bà rồi cũng đến giới hạn. Để lại mấy chữ dặn mẹ già: “Con chết, mẹ gửi Tú Anh vào trại tế bần” và nửa đêm đi ra cầu Bo nhảy xuống sông tự tử. Nhưng số bà vẫn chưa tận. Một cụ già đi ngang qua, nhìn thấy đã khuyên can chị và cho chị 1.000 đồng. Số tiền ấy về mua được một tạ thóc.

Quay về nhà, mặc cho người làng khinh miệt, mặc cho miệng tiếng thị phi, bà tiếp tục sống, tiếp tục thả cá, nuôi lợn, nuôi gà. Rảnh là bà móc đất đóng gạch để xây cho 2 mẹ con căn nhà. Sau một năm trời bà cho ra lò một vạn tám gạch, đủ xây một ngôi nhà khang trang. Có nhà, bà tiếp tục nuôi lợn, nuôi gà, rồi ba ba.

Từ một chuồng nuôi tạm bợ, bà đã dựng lên một hệ thống liên hoàn gồm 10 chuồng. Mỗi năm bà xuất chuồng đến cả chục tấn lợn. Có lúc, đàn lợn của bà lên đến 200 con. Mỗi lần bán lợn, gà bà đều mua vàng bỏ vào tủ. Khi Tú Anh đã lớn thi đỗ đại học bà phá tủ vàng được 25 cây. Bà Hằng bảo: “Chị thích nhất hai câu thơ của Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

“Cứu nhân độ thế”

Những hình ảnh về bà Trần Thị Hằng trong bộ phim tài liệu Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy được công chúng biết đến cách nay hơn 30 năm, ngày đó bà mới 40 tuổi. Những năm cuối thập niên 1980, bộ phim Chuyện tử tế thật sự là một “cơn địa chấn” trong làn sóng đổi mới. Ấn tượng nhất với khán giả là trường đoạn về người phụ nữ bị “hủi” Trần Thị Hằng đêm đêm ngồi đóng hàng vạn viên gạch với giấc mơ xây cho con trai bé bỏng một ngôi nhà...

Chia tay, bà Hằng nói, nhất định bà sẽ lên Hà Nội thăm gia đình tôi và “Em phải đưa chị về Thanh Hóa thắp cho thầy bu em nén nhang”. Tháng sau bà lên Hà Nội thật, rồi nằng nặc đòi đưa về quê tôi. Bà đem theo hai bịch thuốc to tướng. Bà bảo, hơn chục năm nay bà khởi dựng lại phương thuốc nam, bắc gia truyền “bách bệnh” của dòng họ Trần, bổ sung, sáng tạo thêm nhiều loại thuốc đặc trị những bệnh nan y như ung thư, viêm gan cổ trướng, bại não, bại liệt…

Chính việc chữa được những căn bệnh mà “bệnh viện đã trả về” khiến bà trở nên nổi tiếng. Hôm tôi về Thái Bình thăm bà, chứng kiến nhiều bệnh nhân từ nhiều nơi, có cả những người ở tận Cà Mau, Vũng Tàu bay ra trị bệnh.

Hôm bà về quê tôi, dân làng kéo đến chật nhà. Cái làng Khổng quê tôi bé tý mà có đến cả chục người làm báo. Có những nhà báo quê tôi đã từng viết về bà. Dân làng đã đọc, truyền tay nhau những trang báo ấy. Họ đến xem mặt, nắn tay, nắn chân bà. Bà xem bệnh, bắt mạch, cắt thuốc.

Một tuần ở quê tôi bà đã chữa trị bệnh cho rất nhiều người. Rồi bà bày cho người dân nên thay các vườn chuối, vườn mía bằng các loại cây thuốc quý.

Bà bảo: “Ra Giêng tôi về là phải có cây thuốc mọc xanh vườn rồi đấy nhá”. Dân làng Khổng tiễn bà ra tận đường ô tô. Nhiều người dân ôm bà, chia tay, mắt rưng rưng. Bịn rịn mãi rồi cuối cùng bà cũng phải rời làng Khổng. Tôi đi cùng bà ra bến xe để quay về Hà Nội.

Nhìn người đàn bà nhỏ thó, đi liêu xiêu phía trước tôi bất chợt nghĩ rằng, sức chịu đựng của con người quả thật khủng khiếp, sự vươn lên cũng thật phi thường. Bà Hằng là điển hình của típ người biến “cái không thể thành cái có thể” và câu thơ của Hoàng Trung Thông: “Có sức người là sỏi đá cũng thành cơm” không phải là chuyện tào lao mà là điều có thật trong cuộc đời này…

(Theo Dân Việt)