Trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch khẩu hàng giày dép của Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Giày dép là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam, nhưng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

{keywords}
Nửa đầu năm 2021, khẩu hàng giày dép Việt Nam đạt 10,4 tỷ USD (ảnh: T.N)

Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước vẫn thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI trong phân khúc xuất khẩu. Năm 2020, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ chiếm 21,1% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam, trong khi 78,9% vẫn do các doanh nghiệp FDI đảm nhận.

Kim ngạch xuất khẩu các chủng loại giày dép của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 vẫn chưa có nhiều đột phá. Chủng loại xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất là mã HS 6404, chiếm 50,2% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép trong năm 2020, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2019, tăng 3,4 điểm phần trăm so với năm 2016. Chủng loại xuất khẩu lớn thứ 2 là mã HS 6403 chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm 2019, nhưng giảm 2,1 điểm phần trăm so với năm 2016… 

Doanh nghiệp giày dép của Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công và sản xuất giày cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, lợi nhuận doanh nghiệp còn thấp và phụ thuộc nhiều vào điều khoản của phía đối tác. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân là 7%/năm.

Kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép tăng liên tục trong giai đoạn 2016 – 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xuất khẩu hàng giày dép các loại đạt 16,8 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2019, nhưng tăng 29,2% so với năm 2016.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới cũng như mọi mặt kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, ngành giày dép của Việt Nam là ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng lớn khi các chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, nhu cầu hàng hóa sụt giảm, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ và gặp nhiều khó khăn.

Theo xu thế nâng cao chất lượng của thị trường giày dép thế giới, các yêu cầu về giày dép xuất khẩu ở hầu hết các thị trường sẽ ngày càng trở nên khắt khe hơn, nhiều ràng buộc kỹ thuật hơn. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến nâng cao năng lực và chất lượng sản phẩm giày dép. Cần chú ý đến tăng trưởng theo cơ cấu mặt hàng, chủng loại và phân khúc giày dép. Các doanh nghiệp giày dép cần phải hướng tới phân khúc giày dép có giá trị gia tăng và thương hiệu cao cấp hơn trong mỗi chủng loại hàng xuất khẩu nhằm thu được tỷ lệ lợi nhuận cao hơn. 

Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp trong ngành giày dép đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa một số công đoạn sản xuất, từ đó nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, quá trình sản xuất mới được cơ giới hóa mà chưa tự động hóa, tỷ lệ công việc làm thủ công còn ở mức cao, do vậy năng suất lao động vẫn còn thấp. Trong lĩnh vực sản xuất giày dép của Việt Nam mới chỉ bước đầu ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất một số loại giày đặc chủng, giày thể thao chuyên dụng, giày y tế và giày thời trang cao cấp.

Văn Thành