Theo Tài Kinh, hai dự án đường sắt có tổng vốn đầu tư lên tới 130 tỷ NDT (20 tỷ USD). Tuyến đường dài 270 km nối Tế Nam (thủ phủ tỉnh Sơn Đông) và thị trấn Tảo Trang bị đình chỉ vào tháng trước. Tổng đầu tư dự án này vào khoảng 58,5 tỷ NDT (9 tỷ USD) và hoàn toàn lấy từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh Sơn Đông.

Trong tháng này, chính quyền Trung Quốc ra lệnh tạm dừng thêm ba tuyến trong dự án Guanzhong Chengji với tổng vốn đầu tư 71,6 tỷ NDT (11 tỷ USD). Dự án này bao gồm 13 tuyến đường sắt ở tỉnh Thiểm Tây.

Trước đó, tỉnh Thiểm Tây thông báo sẽ đánh giá lại tình hình tài chính của dự án Guanzhong Chengji để giảm thiểu rủi ro.

{keywords}
Trung Quốc đầu tư mạnh vào hạ tầng để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Sau khi dịch Covid-19 bùng nổ, Trung Quốc tăng mạnh đầu tư hạ tầng để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, biện pháp này khiến núi nợ của Trung Quốc - vốn tích tụ từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vì chính sách đầu tư hạ tầng - càng phình to thêm.

Hồi tháng 3, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố tài liệu về quá trình phát triển của hệ thống đường sắt quốc gia, một phần để chặn các chính quyền địa phương đổ tiền và những dự án mới, đẩy nợ tăng vọt.

Theo South China Morning Post, tính đến cuối năm 2020, tổng nợ công của Trung Quốc lên đến 45.550 tỷ NDT (7.100 tỷ USD), bao gồm 20.890 tỷ NTD nợ của chính phủ trung ương và 25.660 tỷ NDT nợ của chính quyền các địa phương.

Tổng nợ của khối phi tài chính Trung Quốc - bao gồm doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ - tăng lên 41.600 tỷ USD hồi quý III/2020. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho biết từ khi dịch Covid-19 nổ ra, nợ Trung Quốc tăng thêm 30%.

(Theo Zing)