Việc Iran không đồng ý ngồi vào bàn đàm phán như mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump bộc lộ rõ những hạn chế trong chiến lược ngoại giao mà ông theo đuổi để buộc nước Cộng hòa Hồi giáo từ bỏ tham vọng hạt nhân.

{keywords}
Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei phát biểu trong một buổi lễ ở Tehran. (Ảnh: Reuters)

Không như Triều Tiên đã ngồi vào bàn thương lượng trực tiếp với Mỹ, Tehran phản ứng tức giận trước hành động "vừa đấm vừa xoa" (kết hợp đề nghị đàm phán và cấm vận kinh tế) của ông Trump. Ngày 8/7, Iran chính thức làm giàu urnaium vượt giới hạn 3,67% đã cam kết trong thỏa thuận ký với các cường quốc thế giới năm 2015. Iran còn cảnh báo sẽ tiếp tục giảm bớt tuân thủ thỏa thuận sau mỗi 60 ngày, nếu các nước không giúp Tehran tránh được cấm vận mà chính quyền Trump tái áp đặt.

"Chúng tôi đã sẵn sàng làm giàu uranium ở bất cứ mức độ nào và với bất kỳ số lượng nào", Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran, tuyên bố.

Liên tiếp những hành động leo thang căng thẳng của Mỹ và Iran đã làm dấy lên lo ngại rằng, hai nước rốt cuộc sẽ lao vào một cuộc đối đầu quân sự.

Tuy nhiên, tạp chí Politico dẫn lời các chuyên gia phân tích nhận định, các động thái của Iran nằm trong một ván cờ đã tính toán kỹ, vừa đáp trả ông Trump vừa gây áp lực cho giới chức EU, những người đã dốc sức để thỏa thuận 2015 được ký kết, buộc họ phải phản đối Mỹ. Người Iran có thể cũng đặt cược rằng, Tổng thống Trump vốn tỏ ra không muốn chiến tranh sẽ dỡ bỏ cấm vận để đối lấy đàm phán.

Iran "đang thử các giới hạn để đánh giá phản ứng của Mỹ và các bên liên quan", Politico dẫn lời Suzanne Maloney, một học giả về Iran tại Viện Brookings. "Đó là một cách rất hiệu quả khi muốn biết về một chính quyền linh hoạt của Mỹ và khiến các bên ký thỏa thuận cảm thấy tình hình đang ngày một cấp bách".

Một quan chức Mỹ thạo vấn đề tiết lộ với Politico hôm 7/7 rằng, đội ngũ của Tổng thống Trump đang hy vọng 3 điều: châu Âu áp một số đòn trừng phạt lên Iran để ngăn nước này không vi phạm thêm thỏa thuận; một cơ chế tài chính mà châu Âu mới lập ra để giúp Iran có được hàng hóa phi cấm vận hoạt động hiệu quả, và các cuộc tập trận gần đây của Mỹ ở Trung Đông là chưa đủ ngăn Iran khỏi sự leo thang quân sự hơn nữa. 

"Về cơ bản, chúng tôi muốn họ vẫn ở lại thỏa thuận", quan chức kể trên nói khi được hỏi tại sao chính quyền Trump lại hy vọng cơ chế tài chính của châu Âu, còn được gọi là INSTEX, hoạt động hiệu quả. Cũng theo quan chức này, hiện không ai muốn lao vào một cuộc chiến tổng lực với Iran, cũng không muốn nước này chế tạo vũ khí hạt nhân.

Cả Iran và Triều Tiên đều đối diện với "cơn thịnh nộ" của Tổng thống Trump về chương trình hạt nhân của hai nước, trong đó có việc áp cấm vận. Nhưng trong khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chấp nhận đối thoại thì giới chức ở Tehran vẫn không muốn ngồi vào bàn với ông Trump.

{keywords}
Ảnh: New Daily

Có nhiều lý do. Iran có hệ tư tưởng bài Mỹ được mài giũa từ cuộc cách mạng 40 năm trước. Lãnh đạo nước Cộng hòa Hồi giáo hiếm khi lên tiếng phản hồi những phát ngôn đe dọa từ quốc gia mà họ ví như "Quỷ Stan". Tehran càng tỏ ra thận trọng sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận 2015. Nhiều người ở Tehran thậm chí cho rằng, Washington thực sự muốn thay đổi chế độ chứ không chỉ muốn sự thay đổi hành động ở Iran.

Iran trước nay vẫn khẳng định không muốn chế bom nguyên tử mà chỉ phát triển chương trình hạt nhân, vì các mục đích hòa bình, chẳng hạn như sản xuất điện.

Tuy nhiên, theo Politico, bất kỳ động thái nào của Tehran đều có thể dẫn tới những hậu quả tức thì, có thể làm nổ ra chiến tranh hoặc một cuộc chạy đua vũ khí ở Trung Đông. Các đồng minh của Mỹ ở khu vực, điển hình là Israel, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đều không muốn thấy Iran trở thành một nước hạt nhân. Israel thậm chí từng bóng gió sẽ mở một cuộc tấn công phủ đầu để ngăn Iran phát triển vũ khí nguyên tử.

Khả năng đối đầu quân sự ở Trung Đông hiện nay đang rất cao, đặc biệt sau loạt vụ tấn công nhằm vào các tàu dầu quốc tế. Mỹ quy trách nhiệm cho Iran và đã triển khai thêm hàng trăm binh sĩ tới khu vực. 

Tổng thống Trump liên tục thể hiện rõ muốn đối thoại hơn là chiến tranh với Iran. Vị tổng tư lệnh Mỹ từng hủy bỏ quyết định tấn công Iran vào phút chót trong tháng 6, sau khi Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ, hứa hẹn Iran sẽ thịnh vượng về kinh tế nếu chấp nhận yêu sách của ông. Trump cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo thậm chí nói Washington sẵn sàng đàm phán với Iran mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. 

Có một điều thấy rõ là Tổng thống Trump e ngại một cuộc chiến với Iran sẽ có hại cho ông trong cuộc bầu cử 2020. Ông tái tranh cử với cam kết đưa Mỹ thoát khỏi những rối rắm ở Trung Đông.

Nhưng như thường thấy, ông Trump vẫn đe dọa "xóa sổ" Iran, tăng cường hiện diện quân sự Mỹ ở Trung Đông và ra các đòn trừng phạt. Khi Iran tuyên bố sẽ vượt qua giới hạn làm giàu uranium đặt ra trong thỏa thuận 2015, ông Trump viết trên Twitter: "Hãy thận trọng với những lời đe dọa, Iran. Chúng sẽ quay trở lại cắn các người như chưa từng ai cắn trước kia!".

Về phía Iran, lãnh tụ tối cao Khamenei liên tục bác bỏ khả năng đối thoại với ông Trump. Ngoại trưởng Javad Zarif mới đây tuyên bố Iran không cúi đầu trước bất kỳ đe dọa nào.

"Chúng tôi sẽ không đầu hàng áp lực quốc tế và đoàn kết cùng nhân dân toàn thế giới. Chúng tôi sẽ làm cho họ nói với dân Iran bằng ngôn ngữ của sự tôn trọng và không bao giờ dọa dẫm một người Iran nào", ông Zarif nói.

Thanh Hảo