- "Trong đời cầm lái, tôi đã trải qua nhiều tai nạn khiến mình run sợ. Có lần tôi muốn xin nghỉ việc nhưng rồi khi sinh con đẻ cái, gánh nặng kinh tế gia đình không cho phép tôi rời bỏ nghề".
Ông Đoàn Ngọc Thạch (SN 1963), XN Đầu máy Hà Nội, có 33 năm kinh nghiệm, trong đó 29 năm lái chính, thừa nhận, nhiều lái tàu đã chấp nhận bỏ nghề hoặc xin xuống làm các công việc ở mặt đất vì quá ám ảnh sau các tai nạn.
Hơn 30 năm cầm lái, ám ảnh ông nhất vẫn là vụ việc xảy ra vào ngày 13/7/2008.
Ông nói: “Tôi nhớ theo lịch âm bởi những ngày đó chuẩn bị đến rằm tháng 7. Đây cũng là thời gian Hà Nội đang rơi vào trận ngập lụt lịch sử. Cả thành phố ngập nước, nhiều nơi giao thông tắc nghẽn”.
Lúc đó ông Thạch lái tàu TN3 chạy từ ga Hà Nội vào Nam. Tàu đến km số 3, đoạn ga Giáp Bát thì từ trong ngõ một chiếc xe máy lao ra, vượt qua đường ray.
Lái tàu Đoàn Ngọc Thạch: "Vụ tai nạn đã ám ảnh tôi suốt gần 2 năm sau đó" |
Đây là đoạn đường dân sinh, không có rào chắn và không có bảo vệ. Trên xe máy lúc đó gồm 2 vợ chồng và cậu con trai tầm 8, 9 tuổi. Điều đặc biệt là người vợ đang mang bầu ở tháng thứ 6.
Ông Thạch kể tiếp: "Khi tàu tiến lại gần tôi quan sát thấy người chồng điều khiển chiếc xe rất cẩn thận. Do chở vợ mang bầu nên anh chậm rãi vượt đường ray. Sợ đường ray gập gềnh nên anh cho bánh trước chồm lên đường ray rồi dừng lại, sau đó lại rồ ga đi tiếp rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, do không quan sát nên họ không phát hiện đoàn tàu đang lao đến".
Vụ tai nạn đã làm 3 người trong gia đình tử vong tại chỗ, bé con trong bụng mẹ cũng không có cơ hội được chào đời.
Ông Thạch cho biết thêm: "Đoạn đường từ ga Hà Nội xuống ga Giáp Bát, quận Đống Đa hai bên là nhà cửa che chắn nên người lái tàu không thể quan sát để phát hiện sự việc từ xa. Thêm vào đó, đây là đoạn đường dân sinh nên việc chiếc xe máy lao từ trong ngõ ra va chạm với đoàn tàu xảy ra chỉ trong một tích tắc ngắn ngủi, lái tàu không thể kịp để xử lý".
Khi đoàn tàu dừng lại thì một sự việc càng khiến lái tàu ám ảnh đó là thi thể bé trai bị kẹt dưới bánh tàu hỏa.
Người tài xế này đã phải lái tàu lùi lại khoảng 20 cm để các nhân viên đường sắt đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đường ray. "Lúc nhấc được thi thể ra thì khoảng 5, 6 phụ nữ đang đứng xung quanh xem sự việc đã ngất xỉu vì cảnh tượng quá đau lòng", ông cho biết thêm.
Được biết, 2 vợ chồng nạn nhân công tác tại một cơ quan nhà nước. Trước lúc xảy ra tai nạn, cả nhà họ đang vui vẻ đi ăn cỗ. Khi quay về, thấy nhà ngập nước, không thể vào được nên họ quay lại và ghé vào thăm nhà một người thân ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân. Khi đi đến điểm trên thì gặp tai nạn.
Sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng cũng rất vất vả để giải quyết hậu quả. 3 thi thể được đặt vào 3 quan tài và được cơ quan chức năng chuyển về nhà của nạn nhân ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tuy nhiên, thời điểm trên, khu vực này ngập sâu, đường tắc, quan tài không thể đưa được vào nhà mà phải để ở ngoài ngõ.
Ngay sau đó, ông Thạch đã phải xin nghỉ phép. "Tôi bị ám ảnh suốt gần 2 năm tiếp theo. Mỗi lần có dịp xuống nghĩa trang Văn Điển, nhìn 4 ngôi mộ nằm kề nhau, lòng tôi thắt lại.
Trong đời cầm lái, tôi đã trải qua nhiều tai nạn khiến mình run sợ. Có lần tôi muốn xin nghỉ việc nhưng rồi khi sinh con đẻ cái, gánh nặng kinh tế gia đình không cho phép tôi rời bỏ nghề.
Bên cạnh đó, số chuyến đi ngày càng nhiều, tâm lý cũng vững vàng hơn nên mọi chuyện cũng dần nguôi ngoai".
'Có những lúc tôi đã muốn bỏ nghề...' |
Trong suốt buổi nói chuyện, những người lái tàu nhiều lần nhắc đến các trường hợp người lái phải bỏ nghề, phải chuyển việc vì những áp lực tâm lý.
Ông Thạch nói: "3 tiêu chí của một chuyến tàu là an toàn, thời gian và tiết kiệm. Trong mục an toàn có tai nạn khách quan và chủ quan, bất cứ tai nạn nào xảy ra chúng tôi đều bị trừ tiền lương. Nhưng điều khiến chúng tôi bị ảnh hưởng nhất là những chấn động về tinh thần, tâm lý".
Cùng quan điểm với ông Thạch, lái tàu Nguyễn Cảnh Dương cũng đồng tình: "Chúng tôi với hàng chục năm cầm lái đã trở nên vững vàng. Tuy nhiên, với những lái tàu trẻ, việc đối mặt với các tai nạn là điều không dễ dàng".
Theo ông Dương, cách đây mấy năm, một vụ tai nạn xảy ra ở Nam Định đã khiến cho người lái phụ của ông (nay đã là lái chính) cũng rất khiếp sợ.
Sau khi thu dọn thi thể người xấu số, lái phụ trẻ đã không ăn nổi cơm. Anh ngồi một góc và bật khóc vì quá sợ hãi. Cứ thế, người tài xế ấy không kiểm soát được cảm xúc, anh òa khóc như một đứa trẻ.
"Nhìn cậu đấy tôi lại nhớ thời trẻ của mình. Tôi cũng đã từng ám ảnh, hoảng sợ như vậy. Tôi vỗ vai người bạn trẻ ấy và bảo: "Thôi ăn đi, ăn lấy sức khỏe mai lại chạy tiếp", ông nói.
(Còn tiếp)
Ngọc Trang - Vũ Lụa