Mía còn có tên gọi khác là cây cam giá, thuộc họ Lúa Poaceae với tên khoa học là Saccharum officinarum L. Nước mía được làm bằng cách ép cây mía đã gọt vỏ để lấy nước, có thể trộn với chanh hoặc các loại nước trái cây khác và cho thêm đá để tạo ra nước mía với hương vị ngon hơn. Nước mía cũng được chế biến để làm đường mía, đường nâu, mật mía.

Trong Đông y, mía còn được mệnh danh "Thang thuốc phục mạch", có vị ngọt tính hàn,  bổ dưỡng, đại bổ tỳ âm, dưỡng huyết cường gân cốt, an thần trấn kinh tức phong, tả phế nhiệt, lợi yết hầu, hạ đờm hỏa, chỉ nôn, hòa vị, tiêu phiền nhiệt. Dùng để chữa suy nhược cơ thể, thanh nhiệt nhuận hầu họng, chữa ho, hen, nôn mửa, tình trạng hoảng hốt, tâm thần bất định.

Theo y học hiện đại, nước mía rất giàu chất dinh dưỡng. Thành phần chủ yếu trong nước mía là đường saccaro, canxi, crôm, kẽm, vitamin (A, B1, B2, B3, B5, B6, C), cùng với nhiều phytonutrient, chất chống oxy hóa, protein và chất xơ hòa tan cần thiết cho cơ thể. 

Nước mía có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể. 

Nhờ công dụng giải nhiệt, bổ sung nước, chất điện giải và hương vị thơm ngon nên nước mía đã trở thành thức uống rất được ưa chuộng vào những ngày nắng nóng. Ngoài tác dụng giải khát, nước mía còn có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe, cụ thể như:

Cải thiện mệt mỏi, phục hồi sức khỏe: Nghiên cứu đã chứng minh nước mía là thức uống có tác dụng cải thiện hiệu suất tập luyện thể dục và bù nước cho cơ thể, xua tan mệt mỏi. Hàm lượng carbohydrate và các thành phần vitamin, khoáng chất, chất điện giải trong nước mía giúp khôi phục năng lượng cho cơ thể sau khi tập thể dục. 

Điều chỉnh lượng đường trong máu: Nước mía được xếp vào nhóm đồ uống có chỉ số đường huyết (GI) thấp, giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến nên nếu chỉ dùng ở mức độ vừa phải, nước mía có thể có lợi cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, nước mía cũng khiến tổng lượng đường trong máu tăng lên, nên nếu dùng quá nhiều sẽ làm tăng lượng đường trong máu của cơ thể.

Cải thiện vấn đề răng miệng: Có sách cổ cho rằng uống nước mía bằng cách nhai có hai cái lợi: Một là uống được ít một sẽ có lợi hơn và hai là “Tập thể dục cho răng khỏe”. Mía cũng giàu canxi và phốt pho giúp tăng cường men răng, răng chắc khỏe và chống sâu răng.

Ăn mía còn giúp chống lại tình trạng hôi miệng do thiếu hụt chất dinh dưỡng và chống hôi miệng do sâu răng tạo môi trường cho vi khuẩn trong miệng phát triển.

Chống lão hóa, phòng bệnh ung thư, thải độc gan: Nước mía là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa phenolic và flavonoid dồi dào, nhiều loại vitamin, có thể bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương tế bào mà các gốc tự do gây ra, giúp trì hoãn các dấu hiệu lão hóa, ngăn chặn các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến và ung thư vú. Chúng còn giúp bảo vệ gan khỏi bị viêm và điều chỉnh sắc tố da.

Ngừa sỏi thận, nhiễm trùng tiểu: Với lượng nước dồi dào, khoảng 70-75% nước, nước mía giúp phòng ngừa và loại bỏ sỏi thận, hỗ trợ chức năng thận. Tác dụng lợi tiểu của nước mía giúp hỗ trợ điều trị nhiễm trùng tiểu, sỏi thận. Ngoài ra, uống nước mía với chanh và nước dừa đã được nghiên cứu giúp cải thiện cảm giác nóng rát ở đường tiết niệu do một số bệnh như bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm trùng tiểu, sỏi thận và viêm tuyến tiền liệt. 

Nước mía còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng ốm nghén, cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho thai nhi, làm đẹp da.

Mặc dù nước mía mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời nhưng cần phải uống nước mía đúng cách: Không uống quá nhiều dù rất khát, chỉ nên dao động dưới 240ml mỗi ngày (khoảng 2 ly); nên dùng ngay sau khi ép, không để nước mía quá lâu bên ngoài dễ bị nhiễm khuẩn.

Những đối tượng sau không nên uống nước mía hoặc không uống quá nhiều để đảm bảo sức khỏe.

- Người có hệ tiêu hóa kém: Do tính hàn lương và hàm lượng đường cao nên những người tỳ vị hư hàn có đường tiêu hóa kém, hay bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, lạnh bụng thì không nên uống nước mía thường xuyên. Trường hợp cần thiết thì phối hợp với gừng để giảm tính lạnh của mía.

- Người đang sử dụng thuốc: không uống nước mía khi đang dùng những loại thuốc bổ hay thuốc chống đông máu để tránh gây tương tác thuốc.

- Người mắc bệnh tiểu đường.

- Người đang ăn kiêng, muốn giảm cân cần uống nước mía có chừng mực vì nước mía nhiều năng lượng. Nếu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới béo phì vì cơ thể thừa năng lượng.

- Phụ nữ mang thai cũng không nên uống quá nhiều nước mía, dễ gây nhiễm trùng hoặc tiểu đường thai kỳ, nên ăn uống đa dạng các loại thực phẩm.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên Khoa Y học cổ truyền - Trường Đại học Y Dược TP.HCM.