Giữ lãi suất thấp kỷ lục, chấp nhận lạm phát cao hơn
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0-0,25% trong phiên họp vừa kết thúc rạng sáng 18/3 (giờ Việt Nam).
Mức lãi suất thấp kỷ lục này đã duy trì được hơn 1 năm và sẽ tiếp tục được áp dụng, có thể kéo dài đến hết năm 2023, trong bối cảnh cơ quan quyền lực này chấp nhận cho phép lạm phát tăng cao hơn mức bình thường.
Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng duy trì chương trình mua tài sản ít nhất 120 tỷ USD mỗi tháng.
Cơ quan tạo lập các chính sách tiền tệ của Mỹ nâng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế, với dự báo mức tăng GDP là 6,5% trong năm nay - mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1984 và cao hơn con số dự báo 4,2% đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 12/2020.
Đa số thành viên FOMC đều muốn giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong cả năm 2022 và năm 2023. Điều đó cho thấy, chính sách của Fed sẽ tiếp tục là “nới lỏng” cho đến khi “có tiến triển vững chắc hơn nữa” đến mục tiêu kép là tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả.
Fed kiên định với chính sách tiền tệ nới lỏng. |
Quan điểm của Chủ tịch Fed Jerome Powell không thay đổi so với thời kỳ cuối của chính quyền ông Donald Trump: chấp nhận lạm phát “có thời điểm” cao hơn mục tiêu 2% đã đặt ra trước đó.
Trong dự báo của Fed, đà tăng giá hiện tại có thể đẩy lạm phát tại Mỹ chạm 2,4% vào cuối năm trước khi giảm trong năm 2022. Tuy nhiên, mức này là chưa đủ để Fed thay đổi chính sách theo như định hướng đã đề ra.
Ông Powell cho biết trong cuộc họp báo rằng Fed cần phải thấy một động thái quan trọng và duy trì lạm phát trên 2% trước khi xem xét các thay đổi đối với lập trường chính sách đang được nới lỏng.
Mục tiêu của Fed vẫn không thay đổi là: hướng tới việc giúp kinh tế Mỹ tối đa hóa việc làm.
Trên CNBC, vị chủ tịch Fed kỳ vọng rằng nước Mỹ sẽ đạt được tiến bộ nhanh hơn ở cả thị trường lao động và lạm phát nhờ những tiến triển trong triển khai vaccine ngừa Covid-19.
Như vậy, Fed đã phớt lờ một tín hiệu xấu trong vài tuần qua. Cơ quan này không có động thái kiểm soát lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ và đây là tín hiệu cho thấy, lợi tức trái phiếu Mỹ có thể tiếp tục tăng mạnh sau khi đạt mức cao nhất trong khoảng 1 năm qua: 1,6%/năm. Lạm phát dự kiến trên 2% là yếu tố sẽ kéo lợi tức trái phiếu Mỹ đi lên.
Phản ứng với quyết định của Fed, các thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 33.000 điểm. Giới đầu tư lạc quan với tín hiệu chính sách của Fed với kỳ vọng nền kinh tế phục sẽ hồi hoàn toàn.
Chỉ số tầm rộng S&P 500 cũng tăng điểm và lên mức đóng cửa cao kỷ lục 3.974,12 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng xóa sạch mức lỗ trước đó và chung cuộc tăng 0,4% lên 13.525,20 điểm.
Rủi ro tiềm ẩn, thị trường tài chính Mỹ dự báo biến động mạnh
Như vậy, tín hiệu về chính sách tiền tệ và tài khóa của Mỹ đều đã khá rõ ràng. Phản ứng ban đầu của các thị trường cũng đã có: các chỉ số chứng khoán đều tăng điểm. Giới đầu tư kỳ vọng giới chức Mỹ sẽ vực dậy bằng được nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong trung và dài hạn rất khó dự đoán xu hướng các thị trường tài chính và hàng hóa. Các yếu tố rủi ro vẫn còn nhiều. Đến thời điểm này, có nhiều dự báo trái ngược nhau về lạm phát thời kỳ hậu Covid-19. Những gói bơm tiền trị giá nhiều nghìn tỷ USD khiến không ít chuyên gia lo sợ lạm phát tăng cao, nhưng cũng có người lại tin vào sự suy kiệt sức cầu trong thời gian tới.
Hiện tượng lợi tức trái phiếu tăng mạnh cũng là một yếu tố có thể có ảnh hưởng lớn tới các thị trường tài chính và hàng hóa như chứng khoán, vàng...
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã chịu áp lực giảm mạnh sau khi lợi tức trái phiếu tăng vọt lên đỉnh cao một năm, ở mức khoảng 1,6%/năm.
Dòng tiền tiếp tục đổ vào chứng khoán. |
Lãi suất tăng cao là một vấn đề nổi cộm đối với chứng khoán trong những tuần gần đây và thúc đẩy sự chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu tăng trưởng sang nhóm cổ phiếu giá trị. Chỉ số Russell 2000 đã leo dốc 18% từ đầu năm đến nay.
Với định hướng chính sách như hiện tại, trước mắt, lợi tức trái phiếu có thể sẽ còn tăng tiếp và có khả năng vượt ngưỡng 1,7% hay 1,8%. Đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và đồng USD như trong vài tuần vừa qua.
Với giới đầu tư, phiên họp đêm qua (giờ Việt Nam) là một kịch bản hoàn hảo với triển vọng kinh tế được nâng lên trong khi lãi suất vẫn được duy trì ở mức thấp. Fed tỏ ra rất ôn hòa và thuận chiều cùng với các chính sách tài khóa của chính quyền ông Joe Biden.
Dù vậy, không ít người lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ cũng như thế giới.
Tại Mỹ, nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đêm qua, theo Bộ Thương mại Mỹ, số lượng nhà khởi công xây mới giảm 10% trong tháng 2 xuống còn 1,42 triệu căn. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính 1,56 triệu căn. Đây cũng là tháng giảm thứ hai liên tiếp.
Tại châu Âu, các quốc gia tại khu vực này đối mặt với tình trạng thiếu vaccine ngừa Covid-19 sau khi một số nước dừng tiêm chủng vaccine AstraZeneca do ghi nhận một số trường hợp bị đông máu bất thường và một số trường hợp tử vong. Khu vực này đối mặt với rủi ro một làn sóng dịch bệnh mới trong bối cảnh buộc phải mở cửa kinh tế.
M. Hà