Các chuyên gia nghiên cứu tại Washington để ý thấy một sự trùng hợp kỳ lạ: cứ mỗi lần Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin tới gần cảng, hệ thống GPS của tàu thả neo gần đó lại gặp trục trặc. Trên bản đồ, những con thuyền đó đang nằm tại một nơi rất xa địa điểm thực của chúng, đó là một sân bay địa phương.
Theo một nghiên cứu mới, được thực hiện bởi các chuyên gia bảo mật và nhóm C4ADS, hiện tượng kỳ lạ cho thấy ông Putin luôn đi công tác kèm một thứ thiết bị phá định vị GPS bí mật. Nói một cách khác, người Nga sở hữu công nghệ tùy biến hệ thống định vị toàn cầu, vượt xa những dự đoán trước đây của chuyên gia.
"Nga tiếp tục chứng minh vị thế dẫn đầu trong ngành này, thể hiện khả năng bảo vệ những lãnh đạo cấp cao lẫn giấu vị trí những cơ sở trọng yếu mang tính chiến lược", báo cáo cho hay.
"Vũ khí thông minh sẽ cần người điều khiển thông minh sai bảo chúng làm những việc có suy nghĩ, tính toán. Chúng đều cần vị trí chính xác. Chúng cần tới hệ thống định vị", Michael Kofman, chuyên gia quân sự Nga tại tổ chức nghiên cứu CNA cho hay. "Tốc độ thực hiện các chiến dịch quân sự hiện tại yêu cầu kết nối liên tục trong thời gian thực".
Những công nghệ này được phát triển vì mục đích quân sự, và thực tế cho thấy nó cũng muôn phần hiệu quả khi áp dụng vào những khía cạnh khác. Như ví dụ mới nhất, đó là đảm bảo an toàn cho Tổng thống Putin. Khi không hệ thống nào biết được vị trí chính xác của ông, Putin sẽ an toàn ở bất cứ nơi đâu ông đặt chân tới.
Hệ thống đánh lừa GPS hộ tống Tổng thống Putin "cải trang" dưới dạng tín hiệu GPS của dân thường, đưa ra dữ liệu giả khiến những hệ thống nhận tín hiệu sẽ tưởng nguồn tín hiệu đến từ một sân bay. Không phải tự nhiên địa điểm được chọn là sân bay: thông thường, những thiết bị bay không người lái sẽ tự động tắt hoặc hạ cánh khi chúng tiến vào không phận của sân bay.
Nga không phải nước duy nhất sử dụng hệ thống đánh lừa GPS để bảo vệ những cá nhân tối quan trọng. Năm ngoái, quân đội Mỹ cũng đưa lời cảnh báo những thử nghiệm GPS có khả năng ảnh hưởng tới một lượng lớn thiết bị sử dụng GPS tại miền Nam nước Mỹ.
Những thử nghiệm và những vụ việc như vậy khiến ta lo lắng: những hệ thống GPS dễ dàng bị đánh lừa đến thế sao? Chưa rõ những nhà sản xuất phần cứng và phần mềm đã tính tới những biện pháp khắc phục những lỗ hổng tiềm tàng. Trong thời đại công nghệ, các thiết bị đánh lạc hướng GPS ngày càng dễ tìm và rẻ. Theo C4ADS, trong khoảng vài năm trở lại đây, giá thành những thiết bị đó đã giảm từ 10.000 USD xuống chỉ vài trăm USD.