Ngân hàng Nhà nước vừa có thông tin phản hồi về một số nội dung liên quan đến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 101/2012 của Chính phủ quy định về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo cơ quan quản lý tiền tệ, trong thời gian qua, dự thảo mới đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận với các nội dung, tuy nhiên cũng có một số ý kiến phản hồi liên quan tới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các trung gian thanh toán.

Cụ thể, dự thảo đưa ra quy định tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại các hoạt động trung gian thanh toán (không phải tất cả công ty fintech) là 49%.

Một số ý kiến cho rằng, việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn góp này không phù hợp do dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình mới, dựa trên nền tảng ứng dụng của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng.

{keywords}
Thị trường Việt Nam đang có khoảng 32 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với nhiều ví điện tử hoạt động. Ảnh minh họa: Lê Văn Trọng.

Vì vậy, nếu hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng và fintech nói chung.

Thực tế, hiện nay đã có một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn được cấp phép có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trên 49%, nên việc dự thảo giới hạn tỷ lệ sở hữu này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Sau khi đánh giá và phân tích tác động của chính sách này tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào dự thảo nghị định.

Nếu dự thảo nghị định được phê duyệt, nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ số vốn cao hơn 49% tại các công ty fintech trong lĩnh vực thanh toán của Việt Nam.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cho biết một trong những chính sách mới được đề cập trong dự thảo nghị định này là hoạt động đại lý thanh toán.

Theo đó, với mô hình giao đại lý, ngân hàng sẽ được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ...

Chính sách này sẽ giúp nhiều người dân có thể tiếp cận dịch vụ tài chính hơn, đặc biệt là nhóm người dân chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, những người dân ở vùng sâu, vùng xa...

Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cho ngân hàng có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thị trường trong nước đang có 32 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động. Trong đó có nhiều doanh nghiệp fintech cũng như chủ sở hữu các ví điện tử lớn trên thị trường hiện nay.

(Theo Zing)