Xu hướng chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng

Theo TS Võ Sĩ Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang, “nuôi biển” là cách gọi tắt của khái niệm“nuôi trồng thuỷ sản trên biển”. Nuôi biển cũng là một Đề án nhằm góp phần hiện thực hoá chiến lược Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ 21- thế kỷ của biển và đại dương.

Tại Việt Nam, nghề nuôi biển không còn xa lạ nhưng khái niệm nuôi biển chỉ phổ biến từ những năm 2018 trở lại đây. Nói về tính truyền thống, nuôi biển vốn gắn với sinh kế của hàng triệu bà con ngư dân sống ven biển. Từ các hoạt động nuôi trồng giản đơn (như nuôi ngao, nuôi hàu, nuôi ốc – các loài nhuyễn thể) cho tới nuôi các loài có giá trị kinh tế cao hiện nay (tôm hùm, tôm mũ ni, cá bớp…); nuôi biển đã thực sự trở thành một quyết sách quốc gia.

Đứng ở góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan rất nhiều lần nhấn mạnh: “Nuôi biển” về mặt nào đó, chính là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người. Cũng giống như trên cạn, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” thì với biển cả, chúng ta cũng không chỉ biết đánh bắt, khai thác đến cạn kiệt mà còn phải biết nuôi trồng và tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng như tài nguyên của biển cả một cách bền vững.

Theo báo cáo khảo sát của Viện Hải Dương học Nha Trang, trong những năm gần đây do hoạt động khai thác quá mức của con người mà tài nguyên biển suy kiệt một cách đáng báo động. Tài nguyên biển, trữ lượng các loài thuỷ sinh nhiều khu vực đã biến mất, trong khi dân số toàn cầu ngày càng tăng nhanh khiến loài người phải chuyển sang nuôi trồng để trước mắt phục vụ chính nhu cầu sống, kế đến là phục hồi các nguồn lợi thủy sản của biển.

Giờ đây những khái niệm tôm cá đầy khoang sẽ chuyển sang cá tôm đầy lồng. Nuôi biển là giải pháp nhằm cân bằng giữa nhu cầu của con người và giữ gìn tài nguyên biển, phát triển bền vững. Bởi hiểu đơn giản là con người chúng ta không được đánh đổi nhu cầu sinh tồn của thế hệ hôm nay với nguồn sống của thế hệ mai sau. Do vậy chuyển dịch từ đánh bắt sang nuôi trồng, từ nuôi biển truyền thống sang nuôi công nghiệp/ xa bờ đang là xu hướng toàn cầu.

Nuôi biển – đề án đa mục tiêu

Nhiều người thắc mắc, tại sao thời gian gần đây Việt nam nói nhiều đến nuôi biển? Đề án “Nuôi biển” hướng đến điều gì?

56675153 2287656684832897 5272727858043682816 n.jpg
 Mục tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi biển của Việt Nam sẽ đạt 280.000 ha.

Trong một bài viết về nghề nuôi biển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ: Về mục tiêu tổng thể, phát triển nuôi biển ở Việt Nam cần trở thành một “ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc”.

Theo đó, tăng diện tích và sản lượng nuôi biển giúp giảm áp lực khai thác, hình thành ngành thuỷ sản “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”, có kiểm soát, được quản lý, theo khuyến nghị của quốc tế, để tạo dựng hình ảnh quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề có tính toàn cầu. Chính vì vậy, nuôi biển ở Việt Nam thực hiện đa mục tiêu. Một là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người. Hai là tạo ra sinh kế cho ngư dân. Ba là tháo gỡ những xung đột lợi ích trong không gian biển. Bốn là tạo ra một phân ngành kinh tế biển tổng hợp, trong đó nuôi biển xa bờ hướng tới giá trị cao hơn.

“Nếu năm 2022, diện tích nuôi biển của nước ta đạt hơn 256.000ha, với tổng sản lượng đạt gần 750.000 tấn. Năm 2023 diện tích nuôi biển đang tăng nhanh vượt mức 265.000 ha và mục tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha không những có thể đạt mà có thể bị vượt qua. Nuôi biển ở Việt Nam hiện nay đang trở thành hướng đi chủ lực của những địa phương có biển, bên cạnh du lịch biển đảo và chế biến thủy hải sản”, TS Võ Sĩ Tuấn cho biết thêm.

Còn nói như người đứng đầu ngành nông nghiệp, chúng ta nuôi biển vì nguồn sống của thế hệ mai sau. “Ngành thuỷ sản, dù khai thác hay nuôi trồng, cần được tổ chức lại sản xuất theo tư duy hợp tác - liên kết. Có như vậy các ngành kinh tế biển của Việt Nam nói chung, nuôi biển và nuôi biển xa bờ nói riêng mới có thể phát triển bền vững. Kinh tế biển vì thế mới trở thành trụ cột của nhiều địa phương, mục tiêu giàu từ biển và mạnh từ biển mới trở thành hiện thực”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận.

Công Sáng và nhóm PV, BTV