PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) cho biết, nuôi trồng thủy sản Việt Nam hiện đứng thứ tư thế giới nhưng nghề nuôi biển mới chỉ chiếm 1% sản lượng toàn cầu.

“Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về chế biến thủy sản, với hơn 600 nhà máy, trong đó hơn 400 được cấp code EU (tức là được cấp phép để vào thị trường EU). Tuy nhiên, nghề nuôi biển của nước ta mới chỉ chiếm 1% sản lượng toàn cầu, trong khi thế mạnh về nghề này của nước ta rất lớn. Nếu được đầu tư và định hướng tốt, tiến ra khơi xa thì nghề nuôi biển Việt Nam có thể tiến vào Top 10 toàn cầu trong tương lai gần”, TS Nguyễn Hữu Dũng tự tin cho biết.

Việt Nam rất có thế mạnh cho nghề nuôi biển

Nuôi biển (seaculture) - thuật ngữ xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 2010, nhưng trên thế giới thì đã rất phổ biến từ những năm 1980 khi nó trở thành một ngành công nghiệp. Nuôi biển đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế biển một cách bền vững và góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên biển, vốn bị khai thác quá mức. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, trong 50 năm qua, hệ sinh vật biển trên toàn cầu chỉ còn một nửa. Đáng chú ý, con người đã khai thác nguồn lợi thủy sản từ biển nhiều hơn khả năng tự tái tạo của các giống loài này.

Với riêng Việt Nam, tại các ngư trường gần bờ nguồn thủy sản khai thác gần như cạn kiệt, năng suất khai thác biển Việt Nam chỉ còn khoảng 1/4 so với những năm 1990 trở về trước. Chính vì thế, vấn đề nuôi biển ở Việt Nam đã được đặt ra và trở thành chương trình hành động của Chính phủ từ năm 2015. Ngày 9/11/2016, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) ra đời, nhanh chóng trở thành một tổ chức đắc dụng trong việc kết nối hoạt động nuôi biển giữa các địa phương và doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, sau gần 10 năm hình thành nuôi biển ở Việt Nam vẫn là một ngành non trẻ và còn rất nhiều việc phải làm.

Về tiềm năng, nuôi trồng thủy sản trên biển đang là xu hướng phát triển mạnh trên toàn cầu trong bối cảnh cần phải đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho dân số thế giới đang tăng nhanh và có thể đạt 9 tỷ người vào năm 2050. Trong khi đó, nuôi biển có năng suất cao hơn so với chăn nuôi và trồng trọt trên cạn. Về môi trường, nuôi trồng thủy sản không gây tác hại nhiều tới môi trường như gia súc, gia cầm… nếu nuôi xa bờ.

Đáng chú ý, nếu nuôi bờ bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ngọt và đất đai canh tác đang dần bị thu hẹp (tình trạng hạn hán, nước biển dâng do biến đổi khí hậu); qua đó nuôi biển đang được các quốc gia đẩy mạnh và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại nhiều nước có biển. Ngoài ra, nuôi biển còn góp phần quan trọng làm giảm tình trạng khai thác quá mức nhiều loài thủy sản trong tự nhiên. Tính đến năm 2022, đã có 130 quốc gia trên thế giới có hoạt động nuôi biển, với 526 loài sinh vật biển được nuôi.

nuoi bien nam du 1.jpg
Nhiều nơi ngư dân nuôi biển nhỏ lẻ chỉ đủ phục vụ nhu cầu của khách du lịch. 

Việt Nam có 3.260 km đường bờ biển, 12 huyện/thành phố biển; hàng trăm vũng vịnh ven bờ và diện tích biển nông (dưới 50m ven bờ) rất lớn; nhiệt độ nước biển ấm (không có vùng bị đóng băng trong mùa đông)… là những điều kiện tối ưu cho nuôi biển mà không nhiều nước có được. Do vậy, nuôi biển được dự báo sẽ trở thành 1 ngành kinh tế mũi nhọn trong chuỗi kinh tế biển của nước ta.

Hướng phát triển bền vững nghề nuôi biển tại Việt Nam

Để phát triển nghề nuôi biển theo hướng bền vững, ngày 25/11/2023 vừa qua, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Tại hội nghị này, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến hết năm 2022, diện tích nuôi biển của Việt Nam đạt hơn nuôi biển 256.000 ha, với sản lượng đạt gần 750.000 tấn các loại. Dự kiến năm 2023, sản lượng nuôi biển có thể đạt gần 800.000 tấn. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: cá mú, cá giò, tôm hùm, cua, tu hài, ốc hương, rong biển… tập trung ở một số tỉnh có thế mạnh như: Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang…

Là địa phương có nghề nuôi biển đứng đầu cả nước, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa hiện có trên 97.000 lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng thủy sản nuôi hàng năm của tỉnh đạt khoảng 18.000 tấn; tạo việc làm cho trên 4.000 lao động địa phương, tập trung tại các huyện thị như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản...

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của hoạt động nuôi biển của Việt Nam cũng như Khánh Hòa là vẫn chủ yếu nuôi gần bờ; nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống chiếm đa số có độ bền thấp, không ổn định; sử dụng thức ăn tươi… nên gây ô nhiễm môi trường các khu vực vũng vịnh. Đặc biệt, việc chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác (cảng biển, điện gió, dịch vụ hậu cần nghề cá…) dẫn tới hiệu quả không cao.

Ở góc độ cơ quan quy hoạch và quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, dư địa của ngành nuôi biển của nước ta còn rất lớn nhưng đến nay vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan nên nuôi biển chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có. Các hạn chế của ngành nuôi biển Việt Nam không mới nhưng chưa thể giải quyết được ngay như: Chưa chủ động được con giống; quy mô nuôi biển còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa có quy hoạch tổng thể về nuôi biển và nhất là chưa có quy hoạc không gian cho các ngành kinh tế biển khiến ngành nuôi biển bị hạn chế...

Bổ sung ý kiến về những tồn tại, TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết: “Phần lớn sản phẩm từ nuôi biển chưa chủ động được khâu chế biến nên cũng chưa tạo ra giá trị giá tăng lớn hoặc phụ thuộc quá nhiều vào những thị trường truyền thống. Ví dụ, mới đây Trung Quốc bất ngờ dừng nhập tôm hùm bông đã khiến nhiều người nuôi biển của Phú Yên và Khánh Hòa lao đao. Do vậy, ngoài khắc phục được các hạn chế cố hữu thì việc tìm được các thị trường tiêu thụ mới ổn định; hướng ngành nuôi biển ra xa bờ (để phòng chống dịch bệnh); khẩn trương xây dựng được quy hoạch không gian biển để tách biệt các khu vực mặt nước biển cho từng loại hình kinh tế… Có như vậy ngành nuôi biển Việt Nam mới được cởi trói và phát triển bền vững”.

Văn Thường và nhóm PV, BTV