Dịch chuyển ra xa bờ là điều tất yếu

Nuôi biển – gọi tắt của hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển - vốn không xa lạ với người dân ven biển Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm nuôi biển thì mới phổ biến ở Việt Nam từ những năm 2018, trong đó nuôi biển công nghiệp, nuôi biển xa bờ cũng là những khái niệm mới khi xu hướng nuôi biển đang dần thay thế cho hoạt động khai thác, đánh bắt tại nhiều nước.

Về bản chất, Việt Nam với đường bờ biển dài (3.260km) cùng hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ (thuộc 12 huyện/thành phố đảo); nhiều vũng, vịnh, đầm, phá (tại 28 tỉnh thành ven biển) rất phù hợp phát triển nuôi biển công nghiệp mà không phải quốc gia nào cũng có. Tuy nhiên, nuôi biển cũng chỉ là một trong 6 nhóm ngành kinh tế biển Việt Nam đang tập trung khai thác, do đó phân định không gian biển, dịch chuyển không gian nuôi biển ra xa bờ chính là hướng đi Việt Nam phải tính đến.

Thực tế, những năm qua dù không cần nhà nước kêu gọi, ngư dân nhiều địa phương có tiềm năng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang… đã đẩy mạnh hoạt động nuôi biển ven bờ và bước đầu thu được thành quả. Nhờ nhạy bén trong kinh doanh, nhiều nơi nghề nuôi biển phát triển nhanh, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương và góp phần tăng sản lượng xuất khẩu thủy sản cho quốc gia.

long nuoi.jpg
Các lồng nuôi biển đang được các địa phương dịch chuyển ra xa bờ để hạn chế bệnh tật, ô nhiễm môi trường và dành không gian cho các ngành kinh tế biển khác. 

Tuy nhiên, hệ thống nuôi ven biển chủ yếu là quy mô nhỏ, hộ gia đình, vật liệu lồng bè thô sơ. Các đối tượng nuôi cũng khá đa dạng (như cá biển, tôm hùm, các loại nhuyễn thể và rong) chứ chưa tập trung nhiều theo hướng chuyên canh. Các vấn đề phát sinh do nuôi biển gần bờ xuất hiện nhiều hơn như: ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh; không gian ven biển trở nên chật hẹp và đôi khi xung đột với các ngành kinh tế khác như du lịch, bất động sản, logistic….

Do vậy, việc mở rộng không gian cho nuôi biển, dịch chuyển các trang trại ra xa bờ là một trong những giải pháp được chú ý.

Nuôi biển xa bờ là xu hướng toàn cầu

Theo TS Phạm Quốc Hùng, các nước định nghĩa nuôi biển xa bờ được xác định là từ 6 hải lý trở ra tính từ đường bờ biển. Khu vực biển tốt cho hoạt động nuôi trồng cách bờ một khoảng không gian hợp lý, với độ sâu không quá 50m là tốt nhất. Bởi, các vùng biển xa bờ sẽ ít chịu ảnh hưởng của phù sa cửa sông; hệ sinh thái sinh vật phù du đủ phong phú, đa dạng để hoạt động nuôi biển thuận lợi.

Bên cạnh đó, nhờ không gian rộng lớn, độ sâu, dòng chảy, độ trong, nhiệt độ và độ mặn ổn định nên nuôi biển xa bờ không bị tác động bởi các yếu tố như dịch bệnh, ô nhiễm ven bờ. Tuy nhiên, để hoạt động nuôi biển nói chung, nuôi biển xa bờ thực sự là cuộc cách mạng chứ không phải hình thức “đánh bạc” với Trời thì cần phải hình thành được các trang trại nuôi biển đủ lớn, chi phí đầu tư và các nguồn lực đủ mạnh mới có thể chống trọi được với sóng gió mạnh, mới có thể “vươn khơi”, “xa bờ”.

Đặc biệt, với những điều kiện của Việt Nam, không phải khu vực nào cũng có thể nuôi biển xa bờ dù diện tích các vùng biển nông dưới 50m là rất lớn. Theo báo cáo nghiên cứu của Trường Đại học Nha Trang năm 2022, có 3 khu vực thuận lợi cho phát triển nuôi biển xa bờ ở nước ta gồm: Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang. Các khu vực này thỏa mãn đủ các tiêu chí về môi trường, độ sâu, dòng chảy, độ mặn và đặc biệt là có các hòn đảo che chắn được gió và bão.

Dĩ nhiên, quanh các đảo ngoài khơi cũng thích hợp với nuôi biển – nhưng nếu xét theo tiêu chí các lồng nuôi đứng độc lập thì các khu vực này nên được xếp vào nhóm nuôi gần bờ, dù các đặc tính của khu vực nuôi lại hoàn toàn giống vùng nuôi xa bờ. Ví dụ các hoạt động nuôi tôm hùm, tôm mũ ni ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chẳng hạn. “Nhìn tổng thể, nuôi biển xa bờ cần nguồn lực lớn, là miếng bánh “ngon” nhưng không dễ ăn”, TS Phạm Quốc Hùng phân tích.

Bởi theo TS Phạm Quốc Hùng, việc phát triển nuôi biển xa bờ đòi hỏi cách tiếp cận hoàn toàn mới so với nuôi biển truyền thống và phương thức nuôi, mô hình nuôi cần có sự liên kết, không thể nuôi nhỏ lẻ được. Những tiền đề cơ bản cho nuôi biển xa bờ có thể kể đến như: cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống kho vận (thức ăn chăn nuôi, cá giống, bãi nổi dùng làm nơi nhập xuất hải sản…), nguồn nhân lực được đào tạo, con giống được tuyển chọn (không phải cứ tiêu chí loài có giá trị kinh tế cao).

Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi phải đạt tiêu chuẩn 3 không; vật liệu lồng nuôi phải đạt tiêu chuẩn thân thiện môi trường, chống chịu được gió bão. Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý của quốc gia và quốc tế, các vấn đề kinh tế xã hội và chính trị, các tiêu chí về hải dương học, sinh học, môi trường và công nghệ cho nuôi biển xa bờ cũng là những rào cản. Ví dụ, chỉ tiêu hàng năm cho loài cá A là bao nhiêu, chúng ta sẽ ký thỏa ước để nuôi và đáp ứng chứ không nuôi quá số lượng và phải tuân thủ các cam kết quốc tế.

“Tuy nhiên về tổng quan, khát vọng vươn khơi không chỉ riêng với lĩnh vực khai thác và đánh bắt mà xu hướng nuôi biển xa bờ đã dần lan rộng toàn cầu, nhất là các quốc gia có biển, có tiềm lực. Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này nếu muốn góp mặt trong các quốc gia biển giàu mạnh trong tương lai”, TS Phạm Quốc Hùng kết luận.

Hoài Bắc và nhóm PV, BTV