Năm 2024, tính chung toàn tỉnh Thái Nguyên vẫn còn 10.190 hộ nghèo và 9.516 hộ cận nghèo. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh xác định biện pháp cốt lõi, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo là triển khai thực hiện tốt các mô hình giảm nghèo.
Theo đó, Thái Nguyên quyết tâm giảm 3.486 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững... cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Tại huyện Phú Lương, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn từ 2021-2025, huyện đã phân bổ nguồn vốn hơn 14,5 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án giảm nghèo.
Với nguồn vốn đó, huyện Phú Lương đã thực hiện nhiều dự án giảm nghèo hiệu quả như đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững với tổng ngân sách thực hiện từ năm 2021-2024 hơn 5,6 tỉ đồng.
Năm 2024, huyện Phú Lương thực hiện 3 dự án chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Phủ Lý, Ôn Lương, Hợp Thành. Tổng số hộ được thụ hưởng là 111 hộ (trong đó có 81 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, 11 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng).
Sáu dự án khác trước đó đã được triển khai từ năm 2022 tại xã Yên Trạch (chăn nuôi bò Lai Sind), xã Phủ Lý (nuôi trâu sinh sản); sang năm 2023 có dự án nuôi dê tại xã Yên Đổ, nuôi bò Lai Sind tại xã Động Đạt và xã Yên Trạch, nuôi trâu tại xã Phủ Lý và xã Ôn Lương.
Đến nay, 2/3 dự án đã triển khai, trong đó có mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Hợp Thành với 17 hộ và chăn nuôi trâu, bò tại xã Yên Ninh, Yên Lạc với 41 hộ tham gia. Năm 2024, dự án chăn nuôi trâu sinh sản tiếp tục thực hiện tại xã Yên Ninh, Yên Đổ và Động Đạt; dự kiến có 24 hộ tham gia.
Các dự án này được thực hiện tại 6 xã với 102 hộ được hỗ trợ thụ hưởng dự án, trong đó có 53 hộ nghèo, 41 hộ cận nghèo, 8 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng. Ước tính đến hết năm 2024 có 68/102 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Tại xã Hợp Thành, gia đình anh Ma Đình Thông, hộ nghèo của xóm Bo Chè, được tham gia dự án hỗ trợ trâu sinh sản. Gia đình anh có 3 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào ruộng lúa và đồi rừng. Từ khi được hỗ trợ con trâu sinh sản, gia đình anh Thông rất phấn khởi, hi vọng trong thời gian tới trâu sẽ sinh sản ra nghé giúp gia đình anh phát triển kinh tế hơn.
Cuối năm 2023, 17 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có gia đình anh Thông, tham gia dự án nuôi trâu sinh sản tại xã Hợp Thành đã được bàn giao trâu. Tổng kinh phí thực hiện hơn 460 triệu đồng, trong đó kinh phí nhà nước từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ 402 triệu đồng, còn lại các hộ tham gia đối ứng hơn 58 triệu đồng.
Lãnh đạo UBND xã Hợp Thành cho biết từ năm 2021 đến nay, bình quân mỗi năm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm 1,3%. Đến cuối năm 2023, xã còn 45 hộ nghèo và 47 hộ cận nghèo.
Hằng tháng, cán bộ nông nghiệp trên địa bàn xã phối hợp xuống địa bàn kiểm tra, theo dõi trâu của các hộ để tiêm phòng và xử lý kịp thời các phát sinh. Đến nay, cả 17 con trâu giống cấp cho bà con nghèo, cận nghèo trên địa bàn đều đảm bảo sinh trưởng phát triển tốt.
Năm 2024, địa phương tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ trâu cho hộ nghèo với mục tiêu hỗ trợ đến đâu giảm nghèo bền vững đến đấy, tránh tình trạng tái nghèo.
Mô hình chăn nuôi trâu được đánh giá đang triển khai tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái, khí hậu, kinh tế và kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi của các đối tượng là hộ nghèo tại Phú Lương. Cùng với các dự án giảm nghèo khác, dự án chăn nuôi ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo của Phú Lương giảm dần qua các năm từ 5,39% cuối năm 2021 xuống còn 2,68% cuối năm 2023, bình quân mỗi năm giảm được 1,36% hộ nghèo. Hơn thế, các chính sách giảm nghèo bước đầu tạo ra chuyển biến căn bản hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo đa chiều tại địa phương.