Tối 28/12, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam xác nhận, đã yêu cầu thị trấn Trà My sơ tán khẩn cấp hộ dân sinh sống gần vết nứt lớn trong khu vực Trạm khí tượng Trà My.

Trước đó, vào ngày 8/12, tại thị trấn Trà My phát hiện vết nứt tại khu vực đồi đặt Trạm khí tượng Trà My. Vết nứt dài hơn 45 m, sâu khoảng 2,5 m, khe hở hơn 18 cm và đang nới rộng thêm. Phần lớn vết nứt này nằm trong khuôn viên hàng rào Trạm khí tượng Trà My.

Nguyên nhân xuất hiện vết nứt này theo Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện Bắc Trà My là do từ 29 đến 30/12, tại khu vực Trà My sẽ có mưa vừa, có nơi mưa to. Vết nứt ở đồi Khí tượng và độ lún phát triển thêm, nguy cơ xảy ra sạt lở khu vực này là rất cao. 

Chính vì thế, nhiệm vụ trước mắt là sơ tán hộ dân dưới chân đồi Khí tượng đến nơi an toàn và sơ tán mở rộng các hộ lân cận theo cấp độ rủi ro thiên tai.

W-anh-chup-man-hinh-2024-01-05-luc-090053-1.png
Vết nứt lớn trong khu vực Trạm khí tượng Trà My (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) 

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT- TKCN cảnh báo, sạt lở đất là hiện tượng đất bị sạt, trượt do tác động của mưa, lũ hoặc dòng chảy. Một số dấu hiệu giúp sớm nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở đất gồm: mưa nhiều ngày/mưa lớn; có vết nứt trên tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, màu nước sông, suối từ trong chuyển thành đục...; mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, có âm thanh lạ trong lòng đất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một số khu vực dễ bị sạt lở nhất gồm: Nơi có địa hình dốc, bao gồm các khu vực thấp nhất của hẻm núi; Vùng đất từng hứng chịu cháy rừng;  Vùng đất đã bị biến đổi do hoạt động của con người, chẳng hạn như phá rừng hoặc xây dựng; Các con kênh dọc theo suối hoặc sông.

Vẫn theo WHO, sạt lở đất có thể gây ra tỷ lệ tử vong và thương tích cao do nước và mảnh vụn chảy xiết. Mỗi năm, thế giới ghi nhận hàng nghìn người thiệt mạng do sạt lở đất. Tại Mỹ, con số này rơi vào khoảng 25-50 người/năm. Nguyên nhân tử vong phổ biến nhất trong các vụ lở đất là chấn thương hoặc ngạt thở do mắc kẹt.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo những việc nên làm ứng phó với sạt lở đất: Thứ nhất, cảnh giác về những cảnh báo lượng mưa lớn vì đó là nguyên nhân gây ra sạt lở đất; theo dõi thông tin cảnh báo sạt lở đất, giữ cho mình thật tỉnh táo. Lở đất có thể xảy ra khá đột ngột vì vậy bạn cần sẵn sàng hành động ngay lập tức.

Thứ hai, nhiều người thiệt mạng vì sạt lở đất xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ, nếu bạn tin rằng sạt lở đất sắp đến mà không đủ thời gian để dời khỏi nhà hãy chạy ngay lên tầng 2 của ngôi nhà trú ẩn ở phần đối diện vụ lở đất. Giữ vào một vật được neo chắc chắn cho đến khi mọi chuyển động dừng lại.

Thứ ba, thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi thấy dấu hiệu của sạt lở đất. Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, giúp đỡ những người cần sự hỗ trợ đặc biệt như trẻ em, người già, người tàn tật, phụ nữ có thai đi sơ tán. Đừng quên mang theo bộ dụng cụ khẩn cấp trong đó có các đồ dùng thiết yếu như thực phẩm, nước uống đủ dùng trong ít nhất 72h cùng với đèn pin, thuốc men, điện thoại di động, bản sao tài liệu cá nhân và tiền mặt.

Thứ tư, người dân chỉ trở về nhà khi có sự đồng ý của chính quyền địa phương. Tốt nhất là về nhà vào ban ngày vì lúc này bạn có thể nhìn thấy những mối nguy hiểm. 

Thứ năm, trồng cây gây rừng tạo thảm thực vật ở những nơi đã từng bị lở đất nhằm tránh nguy cơ sạt lở đất trong tương lai.

Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất gây ra, các chuyên gia cũng lưu ý người dân không nên xây nhà ở rìa núi, sườn dốc hoặc thung lũng bị sói mòn tự nhiên vì đây là những nơi dễ bị sạt lở. Tránh các thung lũng và các vùng đất thấp. Đây là những nơi đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra sạt lở đất sắp xảy ra. 

N. Huyền