- Dù mệt mỏi, phải xa chồng, gia đình...khi lên thành phố chăm cháu nhưng những người già ở tuổi xưa nay hiếm vẫn cố gắng chịu đựng. Họ làm thế vì thương con thương cháu cũng một phần e ngại: "Ở nhà ngồi chơi mà không trông cháu thì thiên hạ họ cười cho".

'Chưa đi hàng xóm đã nhắc'

Ở các làng quê Việt Nam người già ít khi được ngơi tay ngơi chân bởi họ không ra đồng thì cũng lên thành phố trông cháu. Bà Thương (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là trường hợp như vậy. 

Bà kể: "Người già trong làng tôi "nghe nhạc hiệu đoán chương trình" con dâu vừa cấn bầu là đều thu xếp lên thành phố chăm cháu. Sớm thì 18 tháng muộn thì 3 năm mới "hết nhiệm vụ", ai ở nhà nhàn rỗi mà không đi trông cháu thì người ta cười cho".

Bà kể thêm, khi con dâu bà được 7 tháng vác cái bụng khệ nệ về quê chơi, mấy bà hàng xóm đã hỏi thăm: "Vợ chồng mày ngăn thêm phòng cho bà lên trông cháu chưa?". Con cái chưa kịp mở lời nhờ cha mẹ thì "hàng xóm" đã nhắc rồi. 

{keywords}
Ảnh minh họa

Thêm nữa các con bà ở thành phố đang phải thuê nhà một tháng mất 3 triệu nếu thuê thêm giúp việc 4 triệu thì hết luôn lương của một người xoay xở thế nào để sống với đồng lương còm cõi của người còn lại?

"Ông nhà tôi mất đã lâu ở nhà chằng còn ai. Tôi làm sao ở nhà nghỉ ngơi khi con trai tôi phải cày cật lực để trả tiền thuê giúp việc còn cháu tôi thì để người lạ trông?". Bởi vậy khi con dâu chuẩn bị đi làm lại thì bà cũng bán hết gà vịt ở quê, thu hoạch hết rau, quả đi cho người quen, rồi sang gửi chìa khóa cho nhà hàng xóm và khăn gói lên thành phố.

Đợt 30/4- 1/5 vừa rồi, các con được nghỉ lễ bà cũng có dịp bắt xe về quê. Bà nói: "Nhìn nhà như cái nhà hoang. Mạng nhện, bụi...bám kín nhà. Ngoài vườn thì cỏ mọc um tùm. Tôi về được 4 ngày thì mất 3 ngày dọn dẹp rồi lại tất tả lên thành phố tiếp tục trông cháu. Một năm đi trông cháu cũng là một năm nhà tôi để không, hương hỏa cho ông đành nhờ hàng xóm. Nghĩ cũng áy náy nhưng vì con vì cháu biết làm sao được".

Vợ chồng như sống ly thân

Nếu bà Thương chỉ mới "thâm niên" 1 năm đi trông cháu thì bà Vũ Hường (Nghi Lộc, Nghệ An) lại có đến nửa thập niên rời nhà đi giữ trẻ. Bà nói: "Vừa trông xong con của đứa đầu (3 năm) thì vợ của con trai thứ 2 lại đẻ. Chúng nó cứ mặc nhiên coi đấy là nhiệm vụ rồi phó mặc cho ông bà".

Bà tâm sự tiếp: "Con dâu thứ là dân thành phố, giàu có. Cha mẹ nó mua nhà, mua xe cho 2 vợ chồng trong khi chúng tôi là nhà nội mà không giúp được gì. Khi nó sinh con trai tôi gọi bảo mẹ: "Nhà vợ giúp con nhiều thế giờ nhà nội mình không giúp gì con cũng mất mặt với bên đó". Nghe con nói bà lại ngậm ngùi lên thành phố làm osin không công.

{keywords}
Ảnh minh họa

Trông cháu được 1 năm bà bị bệnh đau khớp không bế nổi thằng cháu ngày càng nặng leo lên leo xuống cầu thang nhà 5 tầng nên gia đình anh con thứ đành thuê giúp việc. Khi người giúp việc mới đến bà vẫn cẩn thận ở lại thêm 1 tuần để chỉ bảo người ta.

Bà kể: "Hôm đó tôi nấu cơm dưới bếp thì thấy thằng cháu khóc thét. Tôi vội lên tầng thì thấy con bé giúp việc mải ôm điện thoại để cháu tôi bò ra cầu thang và bị ngã từ tầng 2 lăn xuống nửa cầu thang tầng 1. Máu chảy thành dòng. Mặt tôi không còn giọt máu bế thốc nó lên gọi xe vào bệnh viện. May phúc nhà tôi thằng bé cũng không việc gì".

Thế là sau hôm đó chính bà yêu cầu con trai được ở lại trông cháu, bà không tin tưởng giao "cục vàng" cho bất cứ ai.

Nhưng người phụ nữ vắng nhà lâu thì tổ ấm cũng nguội lạnh. Sau 5 năm bà lên thành phố mỗi năm chỉ về quê 3-4 lần thì chồng bà ở nhà phải ăn một mình, ngủ một mình suốt quãng thời gian đấy. Những lúc ốm đau ông cũng chẳng nhờ được con cháu mà phải nhờ hàng xóm. 

Bà kể: "Có lần gọi điện ông vừa đùa vừa thật nói với các con "Vì chúng mày mà tao với mẹ mày phải "ly thân". Tưởng ông cũng thông cảm nhưng ông ở nhà lại có người phụ nữ khác. Bà khóc, tra hỏi thì ông thủng thẳng: "Bà đi suốt ngày suốt tháng bỏ bê nhà cửa thì tôi cũng phải tìm hơi ấm chỗ khác chứ".

P.Lê (Ghi)