Gần một tuần qua, không khí ở Hà Nội và TP.HCM có lúc được đánh giá là ô nhiễm nhất và thứ ba thế giới. Tình trạng ô nhiễm không khí còn kéo dài đến tận thời điểm này. Việc ô nhiễm này ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân là điều không phải bàn cãi.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Hà Nội và TP.HCM rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nặng. Góc nhìn thẳng đã mời ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường để làm rõ thêm những vấn đề của hiện trạng này.
Mởi quý vị theo dõi video cuộc trao đổi về ô nhiễm không khí với ông Lê Hoài Nam;
Nhà báo Như Quỳnh: Trước tiên, xin ông cho biết cụ thể về mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM trong đợt ô nhiễm đã và đang diễn ra này?
Vụ trưởng Lê Hoài Nam: Tại Hà Nội, trong thời gian từ 12-29/9, chất lượng không khí, đặc biệt là đối với nồng độ bụi PM2.5 có nhiều thời điểm vượt ngưỡng cho phép so sánh với quy chuẩn số 05 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên một số thông số khác như NO2, SO2, CO,O3 vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Cụ thể theo số liệu từ 13 trạm quan sát tự động liên tục trong thời gian từ 12-29/9, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng từ 12-17/9, sau đó giảm đi từ 18-22/9, và lại tăng cao trở lại. Đặc biệt từ 23/9 trở lại đây chỉ số này duy trì ở mức cao. Trong giai đoạn từ 15-17/9 và 23 -29/9, có đến trên 75% giá trị đo được PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm trên địa bàn thành phố Hà Nội đều vượt quy chuẩn Việt Nam QCVN 05 2013. Mức độ ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đã xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Liên quan đến chỉ số chất lượng không khí nói chung – chỉ số AQI, là chỉ số tổng hợp đánh giá chất lượng không khí dựa trên kết quả quan trắc của các thông số ô nhiễm đặc trưng, trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong tháng 9, có nhiều ngày chỉ số AQI lớn hơn 100. Từ 23-29/9, diễn biễn chất lượng không khí, chỉ số AQI xấu đi. Ngày 29/9, theo kết quả quan trắc của đại sứ quán Mỹ, AQI lớn hơn 200, ở mức chất lượng xấu.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định điều này cũng theo thời gian và khu vực cụ thể. PM2.5 và AQI ở mức xấu hơn trong thời gian đêm và sáng sớm. Thời gian còn lại trong ngày khi có thay đổi về điều kiện thời tiết, các thông số này sẽ giảm đi.
Theo các kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên Môi trường TP. HCM, chỉ số PM 2.5 có giao động tăng nhưng hầu hết kết quả vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05 2013, tức là dưới 50microgram/m3.
Nhà báo Như Quỳnh: Ông có thể nói rõ thêm lần ô nhiễm này tại hai thành phố lớn có điểm gì khác biệt, đáng lo ngại hơn những lần ô nhiễm trước?
Vụ trưởng Lê Hoài Nam: Về nhận định sơ bộ, mức độ, nguyên nhân, chúng tôi cho rằng nguyên nhân ô nhiễm bụi tăng cao, đặc biệt là trong thời gian tháng 9 là thời điểm giao mùa, có sự thay đổi về thời tiết. Khối không khí lạnh từ phía bắc khuếch tán xuống phía nam, tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh, gây nên hiện tượng nghịch nhiệt. Hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, do các chất ô nhiễm ít được phát tán. Đặc biệt vào sáng sớm, lặng gió, nhiệt độ thấp, khả năng phát tán chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí mặt đát, hiện tượng nghịch nhiệt giảm đi, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn so với đêm và sáng sớm.
Đặc biệt, xin được nhấn mạnh, trong thời gian này, hoạt động đốt rơm dạ của người dân trong thời kỳ thu hoạch cũng diễn ra rất nhiều ở các khu vực trong và xung quanh thành phố Hà Nội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm bụi PM2.5 cũng như ô nhiễm không khí nói chung ở Hà Nội.
Ở TP. HCM cũng là thời điểm giao mùa, cuối mùa mưa đầu mùa khô. Do điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt, làm giảm khả năng hòa trộn, phát tán chất ô nhiễm trong không khí.
Nhà báo Như Quỳnh: Nếu so sánh với một vài thành phố ở Đông Nam Á hay rộng hơn là châu Á thì mức độ ô nhiễm ở TP.HCM và Hà Nội ở trong tình trạng nào, thưa ông?
Vụ trưởng Lê Hoài Nam: Để có so sánh đầy đủ, chính xác về mức độ ô nhiễm của các thành phố ở Việt Nam so với các thành phố khác trên thế giới cần dựa vào các nghiên cứu, đánh giá ở mức độ quốc tế và vùng. Chúng tôi tập trung vào thông tin 15/23 trạm quan trắc có đủ chuỗi số liệu trong 3 năm từ 2016 – 2018 tại các nước mà phía Hoa Kỳ đã lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, cụ thể là quan trắc PM2.5. So sánh 15 thành phố ở khu vực châu Á, trong giai đoạn từ 2016 – 2018, Hà Nội năm 2016, 2017 đứng thứ 10 trên 15 thành phố, ở mức độ ít ô nhiễm, số 1 là mức ô nhiễm cao nhất. năm 2018, Hà Nội đã có cải thiện đứng ở vị trí 11/15. TP. HCM cả 3 năm từ 2016 -2018 được xếp 15/15, tức là chất lượng không khí tốt nhất trong số 15 thành phố phía Hoa Kỳ có dữ liệu quan trắc.
Ông Lê Hoài Nam nói rằng có thời điểm ở Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí ở mức xấu |
Nhà báo Như Quỳnh: Một vấn đề hoàn toàn không mới nhưng vẫn gây rất nhiều tranh cãi là các đánh giá về ô nhiễm vẫn rất khác nhau giữa các cơ quan có trách nhiệm của nước ta với thế giới. Cụ thể hơn ở lần ô nhiễm không khí đang diễn ra này cũng vậy, xin ông lý giải cặn kẽ hơn về vấn đề này?
Vụ trưởng Lê Hoài Nam: Theo quy định pháp luật, trách nhiệm thực hiện quan trắc môi trường và công bố thông tin chất lượng môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện quan trắc môi trường trên địa bàn và công bố thông tin. Trong thời gian vừa qua, bên cạnh các thông tin chính thức, có một số các tổ chức khác có đăng tải thông tin về chất lượng môi trường như Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, một số các trang thông tin điện tử như Airvisual và một số các báo. Chúng tôi xin được khẳng định thông tin chính thức về quan trắc môi trường phải được thực hiện bởi các mạng lưới quan trắc môi trường của quốc gia và địa phương. Các mạng lưới này đã được quy hoạch, triển khai đầu tư, máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn được kiểm định theo đúng quy định pháp luật. Ngoài các kênh thông tin chính thức này, chúng tôi xin được lưu ý các kênh thông tin khác mang tính chất tham khảo.
Nhà báo Như Quỳnh: Sự cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người dân gần như vẫn rất hạn chế, người dân thì càng ngày càng hoang mang. Trong những lúc thế này, ông có thể nói gì về trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường trong việc này?
Vụ trưởng Lê Hoài Nam: Theo yêu cầu, quy định về phân công trách nhiệm trong việc thực hiện quan trắc môi trường cũng như công bố thông tin và đưa ra các cảnh báo đối với người dân, các cơ quan ở cấp địa phương cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có trách nhiệm công bố thông tin và đưa ra cảnh báo phủ hợp. Chúng tôi xin được nếu một ví dụ, chúng ta có thể tham khảo cổng thông tin về quan trắc môi trường của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Tương ứng với chỉ số chất lượng không khí AQI, UBND TP Hà Nội đưa ra cảnh báo cần thiết: Khi chỉ số không khí từ 51 – 100, tức là mức độ trung bình, nhóm nhạy cảm như trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp cần hạn chế thời gian ở ngoài. Khi chỉ số không khí diễn biến xấu hơn, từ 100 – 200, chất lượng không khí kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài. Khi chỉ số AQI trên 200, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài và nhóm người khác hạn chế ra ngoài. Chúng tôi cũng mong người dân sử dụng những thông tin chính thức này để lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày.
Nhà báo Như Quỳnh: Ô nhiễm không khí sẽ còn là vấn đề không nhỏ đối với nước ta nói chung và các thành phố lớn trên thế giới nói riêng. Nhưng có vẻ những công việc để hạn chế tình trạng này lại chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Ông đánh giá sao về vấn đề này thưa ông?
Vụ trưởng Lê Hoài Nam: Công tác quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam đã được quan tâm từ rất sớm. Từ năm 1993 đến nay, các quy định pháp luật và chính sách quản lý chất lượng không khí liên tục được bổ sung và hoàn thiện. Chính phủ cũng hết sức quan tâm đến vấn đề này.
Vào ngày 1/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí. Đây là bản kế hoạch tổng thể, đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Kế hoạch này cũng phân công trách nhiệm vụ thể cho các bộ, các ngành, các địa phương, ví dụ như phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho các bộ có liên quan đến các hoạt động phát sinh ra các nguồn ô nhiễm không khí, như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hiện nay, kế hoạch quản lý chất lượng không khí đang được triển khai đồng bộ. Đến năm 2020, chúng tôi có bước đánh giá, tổng kết kế hoạch hành động quốc gia này và sẽ tiếp tục thực hiện triển khai trong thời gian sắp tới.
Nhà báo Như Quỳnh: Vâng, xin được cảm ơn ông Lê Hoài Nam về cuộc trao đổi thắng thắn. Xin cảm ơn quý vị đã theo dõi và hẹn gặp lại.
Góc nhìn thẳng (thực hiện)