Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do CPTPP năm 2018, cam kết giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 7-9 năm.
Mới đây, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) cũng cam kết giảm dần thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% sau 9-10 nữa.
Hiện nay, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước khu vực ASEAN đã giảm xuống còn 0% (mức thuế 0% bắt đầu áp dụng từ năm 2018).
Như vậy, tới năm 2030 thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản ô tô lớn trên thế giới bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU.
Ô tô trong nước sẽ chịu nhiều sức ép từ ô tô nhập khẩu. Ảnh:Lương Bằng |
Trong năm 2018, lượng xe ô tô nhập khẩu chưa nhiều và có xu hướng giảm do xe nhập khẩu phải đáp ứng quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô (như quy định về việc cung cấp các chứng từ, trong đó có Chứng nhận xuất xưởng mà các giấy này chỉ cấp cho xe bán nội địa nên xe nhập khẩu khó có thể xuất trình Chứng nhận này).
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hiện đã đáp ứng được quy định tại Nghị định 116 nên trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng xe ô tô nhập khẩu tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2018 và lượng xe nhập khẩu về cuối năm đang có xu hướng tăng.
Bộ Tài chính cho rằng, điều này cũng tương đương với việc “thu hẹp bớt thị phần của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước” nên các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong bối cảnh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật không còn.
“Các doanh nghiệp nước ngoài đang dần chuyển sang nhập khẩu kinh doanh thương mại thay cho việc sản xuất, lắp ráp ô tô”, Bộ Tài chính cảnh báo.
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề xuất cần có chính sách kịp thời cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để duy trì và phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Theo đó, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô, Bộ Tài chính bổ sung đối tượng được áp dụng Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô 0% tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên tham gia góp vốn (hoặc chiếm số cổ phần) trên 35% vào các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô thì các công ty nhận vốn góp (hoặc chiếm số cổ phần) trên 35% không phải đáp ứng điều kiện về sản lượng khi xét điều kiện hưởng ưu đãi của Chương trình cho thời gian còn lại (nếu một trong số các công ty trên đạt điều kiện của Chương trình ưu đãi tại kỳ xét ưu đãi và các xe sản xuất lắp ráp của các công ty phải cùng nhóm xe, mẫu xe cam kết với công ty đang được hưởng ưu đãi).
“Việc áp dụng mức thuế suất 0% đối với các linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô của mỗi doanh nghiệp phải tương ứng với sản lượng ô tô nguyên chiếc thực tế mà mỗi doanh nghiệp đã sản xuất, lắp ráp tại kỳ xét ưu đãi”, Bộ Tài chính cho hay.
Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu 0% không áp dụng đại trà cho tất cả các linh kiện. Để được hưởng ưu đãi này, các doanh nghiệp phải đạt được những điều kiện nhất định. Cụ thể, muốn được hưởng ưu đãi linh kiện với mức thuế 0%, doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Thêm đó, để được áp dụng mức thuế linh kiện 0%, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO 4 (giai đoạn từ 2018 – 2021) và mức EURO 5 từ 2022 trở đi và đạt đủ sản lượng theo quy định.
Ngoài ra, ưu đãi giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 5 năm này có kèm theo điều kiện về sản lượng xe sản xuất lắp ráp (sản lượng chung cho các mẫu xe và sản lượng riêng cho một mẫu xe mà 1 doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết phải đạt được hàng năm) và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết phải đạt được hàng năm, để lắp ráp xe.
Hà Duy