Soán ngôi Philippines
Theo công bố của Hiệp hội Ô tô Đông Nam Á (AAF), với doanh số bán gần 300.000 xe trong năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Philippines, trở thành thị trường ô tô lớn thứ tư khu vực.
Dẫn đầu khu vực là Thái Lan với doanh số bán trong năm 2020 đạt 792.146 xe. Chiếm vị trí thứ hai là Indonesia với gần 600.000 xe, thứ ba là Malaysia với khoảng 550.000 xe. Việt Nam xếp thứ tư với 296.634 xe và Philippines xếp thứ năm với 223.793 xe.
Thống kê của AAF dựa trên số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nên không tính số lượng xe Hyundai và VinFast bán ra. Nếu gộp với cả hai thương hiệu này thì doanh số bán tại thị trường Việt Nam đạt hơn 400.000 xe trong năm 2020.
Thị trường ô tô Việt Nam vươn lên top 4 khu vực. |
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ô tô toàn thế giới và doanh số bán tại khu vực Đông Nam Á cũng giảm mạnh. Nhưng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều. Do được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ nên doanh số xe giảm nhẹ, qua đó vươn lên trở thành thị trường ô tô lớn thứ 4 trong khu vực.
Các dự báo cho thấy, thời gian tới, thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục vượt qua Malaysia giữ vị trí thứ ba trong khu vực. Tiềm năng thị trường ô tô phụ thuộc vào ba yếu tố, gồm: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1.000 dân. Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa bắt đầu diễn ra khi GDP bình quân đầu người đạt ngưỡng 3.000 USD/năm và số xe trung bình trên 1.000 dân vẫn rất thấp, trong khi tầng lớp trung lưu - những khách hàng tiềm năng của xe cá nhân - đang gia tăng nhanh.
Trong báo cáo phát hành mới đây, Công ty chứng khoán SSI cho rằng quy mô thị trường ô tô Việt Nam đủ lớn để đẩy mạnh sản xuất lắp ráp trong nước. 6 doanh nghiệp lớn đang chiếm 90% thị phần ô tô Việt Nam là Trường Hải, TC Motor, VinFast, Toyota, Mitsubishi, Ford, Honda, với doanh số bán từ 30.000-80.000 xe/doanh nghiệp/năm, vượt qua điểm hòa vốn đối với xe lắp ráp trong nước (theo ước tính trước đây là 30.000-40.000 xe/năm cho một nhà máy hoặc 10.000-20.000 xe/năm cho mỗi mẫu xe).
Xét về sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước, Việt Nam cũng qua mặt Philippines, chiếm vị trí thứ 4 khu vực. So với Philippines, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong tình cảnh tương tự khi xe trong nước có tỷ lệ nội địa hóa thấp, sản lượng thấp và đang chịu sức ép lớn từ xe nhập khẩu hưởng thuế ưu đãi 0%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, trong khi tại Philippines lại rút lui dần.
Giá xe tiếp tục giảm
Trong năm 2020, Ford Việt Nam đã đầu tư 1.900 tỷ đồng để nâng công suất nhà máy lên 40.000 xe/năm. Tập đoàn Thành Công và Hyundai (Hàn Quốc) đầu tư 3.200 tỷ đồng cho nhà máy mới công suất 100.000 xe/năm.
Ngoài ra nhiều dự án sản xuất lắp ráp khác của Honda, Toyota, Mitsubishi, Suzuki... dự kiến sắp tới sẽ triển khai. Còn tập đoàn VinGroup vừa công bố phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu để bổ sung vốn cho công ty VinFast nhằm đẩy mạnh sản xuất ô tô trong nước.
Với các dự án sản xuất, lắp ráp ô dự kiến hoàn thành giai đoạn 2022-2023, thị trường ô tô Việt Nam sẽ cực kỳ sôi động. Các nhà sản xuất sẽ phải cạnh tranh tung ra nhiều chính sách chiết khấu hấp dẫn khiến giá xe giảm tiếp tục giảm.
Báo cáo của Công ty Fitch Solutions cho thấy, xếp hạng mức độ hấp dẫn tương đối của một quốc gia đối với các cơ sở sản xuất ô tô thì Việt Nam đứng thứ 10 với 44,5 điểm tại châu Á, xếp sau Thái Lan (thứ 4), Malaysia (thứ 5), Indonesia (thứ 8) và Philippines (thứ 9). Dù chỉ số thấp hơn các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn để sản xuất linh kiện ô tô do lợi thế có nhiều hiệp định thương mại tự do và chi phí sản xuất thấp.
Cũng theo Fitch Solutions, thị trường bán lẻ ô tô là yếu tố để kéo đầu tư cho các chuỗi cung ứng. Xếp hạng mức độ hấp dẫn tương đối thì Thái Lan, Việt Nam và Malaysia là những thị trường bán lẻ ô tô hấp dẫn nhất trong các quốc gia châu Á mới nổi. Fitch Solutions dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Việt Nam sẽ ở mức 6,1% trong 5 năm tới.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp cộng với thị trường hấp dẫn và một số thay đổi về chính sách đã cho thấy sự khởi sắc của ngành công nghiệp ô tô. Nếu muốn hái “quả ngọt” từ ngành này thì các chính sách cần thiết thực hơn, cần bỏ qua lợi ích của thuế tiêu thụ đặc biệt như nhiều nước đã làm để có thị trường xe hơi đúng nghĩa. Hiện tại, chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn đi sau các nước, thậm chí không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Là quốc gia đông dân thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines, với thu nhập ngày càng tăng, nhưng tỷ lệ sở hữu xe cá nhân tại Việt Nam vẫn thấp nhất khu vực. Với mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao từ nay đến 2030 và nước giàu vào năm 2045, ô tô sẽ là phương tiện di chuyển phổ biến.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định, nếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đủ mạnh sẽ giúp tăng được dung lượng thị trường, qua đó giảm được chi phí sản xuất, giá thành xe. VAMA kiến nghị Chính phủ tập trung ưu đãi để tăng sản lượng một số dòng xe, như Thái Lan trước đây tập trung vào dòng xe pick-up (bán tải).
Chính phủ đã quyết định gỡ bỏ rào cản hành chính với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Thủ tục thông quan rất thông thoáng, trong khi xe nhập từ Đông Nam Á về lại được hưởng thuế ưu đãi 0%, có giá rẻ dự báo sẽ tràn vào ngày càng nhiều. Đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô trong nước rất rủi ro. Liệu Việt Nam có đi theo “vết xe đổ” của Philippines khi các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô dần rút khỏi thị trường?
Trần Thủy