Nhiều bậc cha mẹ chỉ còn cách "nghiến răng" đổ tiền cho con đi nước ngoài học Anh ngữ, nhưng ngay cả như vậy kết quả cũng rất phiêu lưu.

Nhiều học sinh tại 27 trường tiểu học tại TPHCM đang học tiếng Anh Cambridge vừa vào năm học mới đã bị xáo trộn vì cha mẹ xin ngưng theo đuổi chương trình tai tiếng này. Với mức phí 130.000 - 175.000 đồng/ một giờ học/ một học sinh, sau nhiều năm, tính ra cả "tấn tiền" của của nhiều cha mẹ và nỗ lực của các cháu thành ra dang dở.

Các chương trình tiếng Anh ở TPHCM hiện nay khá nhiều. Nếu chỉ nghe tên nào là tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh theo đề án, tiếng Anh Cambridge, tiếng Anh tích hợp, chuyên tiếng Anh..., đã đủ thấy mệt. Tuy nhiên, chương trình nhiều, lớp dựng ra lắm mà chất lượng tiếng Anh của học sinh VN cũng vẫn chưa đâu vào đâu. Và học tiếng Anh vẫn còn là một việc "trần ai khoai củ".

{keywords}
Ảnh minh họa

Học tiếng Anh: Muôn nẻo trần ai

Cháu tôi đã theo đuổi sự nghiệp học tiếng Anh lâu nay vì cha mẹ muốn con có cơ hội tốt. Từ mẫu giáo tư thục, cháu đã học Anh ngữ với thày nước ngoài, vào tiểu học thì học lớp tăng cường Tiếng Anh.

Nhưng chưa hết, vì cha mẹ cháu tìm hiểu ra là nếu học tiếng Anh như vậy thì chỉ có thể học để thày cô cho điểm cao ở trường mà thôi. Còn muốn hướng đến mục tiêu lâu dài là có đủ điểm chuẩn IELT hay TOEFL quốc tế để du học thì cần phải ra học ở các trung tâm Anh ngữ.

Chính vì vậy mà nhà đành chạy sô giữa hai luồng tiếng Anh, với số tiền đổ ra hàng tháng cỡ 3 - 4 triệu. Thời gian thì kín mít, tối thứ 2, 4, 6 học ở trung tâm, chiều thứ 3, thứ 7 đến học ở nhà cô giáo tiếng Anh.

Có thời gian cực quá, khi cháu vừa vào lớp 9, cha mẹ cháu chỉ cho đi học trung tâm mà tạm bỏ học thêm của cô ở trường. Kết quả là thi Toefl ibt quốc tế được 90 điểm, nhưng vào trường chỉ toàn 5-6 điểm tiếng Anh. Sau một hai tháng, bố mẹ cháu lại phải "lạy lục" xin cho con đi học thêm ở nhà cô thì điểm tiếng Anh ở lớp tự dưng tăng vòn vọt lên 8-9 điểm.

Xem thêm chùm bài Người Việt học Ngoại ngữ:

>> Người Việt 'yếu' ngoại ngữ và tư duy 'tạm đủ'

>> Người giỏi ngoại ngữ ở VN không thiếu?

>> Quan chức có cần giỏi ngoại ngữ?

>> Chỉ cần kiếm tấm bằng ngoại ngữ là... xong?

>> Hễ thấy "Tây" là tránh mặt

>> Công chức có cần giỏi ngoại ngữ?

Lý do cháu nói với cha mẹ là vì cô cho biết trước các kiểu bài kiểm tra nên dễ được điểm cao. Hơn nữa, tiếng Anh ở trường chủ yếu dạy theo ngữ pháp sách vở theo lối hiện rất ít dùng. Còn tiếng Anh ở trung tâm thì dạy bám sát chương trình Anh ngữ hiện đại của quốc tế.

Ở trường cô dạy phát âm một đằng theo kiểu của cô, ở trung tâm có thày bản ngữ phát âm kiểu khác. Một đằng học với cô để đối phó, một đằng học với trung tâm để có kiến thức thật sự. Hai cách dạy khác nhau, mục tiêu khác nhau, thành thử cả con lẫn cha mẹ đành nghiến răng chạy theo.

Nhưng ngay cả những em chỉ đi học ở trung tâm cũng rất gian nan mới có tấm bằng Anh ngữ quốc tế. Lý do vì đa phần các trung tâm Anh ngữ mọc lên như nấm hiện nay chỉ đông học sinh Anh văn thiếu nhi. Đến cấp thiếu niên đã vãn đi chừng 30-50% học viên trong lớp. Vào các khóa Anh văn lấy chứng chỉ quốc tế chỉ còn dăm phần trăm.

Vì vậy có những trung tâm đã vận dụng mọi chiêu trò, nào dồn lớp, nào cho học sinh nhảy cóc, nào kéo dài thời gian chiêu sinh. "Mánh" mới nhất là bỏ cả dạy theo lớp mà dạy một thày một trò theo kiểu trò đến hỏi gì thì hỏi, thày chỉ gì thì chỉ, ai theo nổi thì học mà không theo nổi thì thôi, cho dù tiền đóng mỗi khóa là hàng một hai chục triệu.

Với thực trạng này, để có đủ trình độ  trước khi chính thức bước vào thi chứng chỉ quốc tế như IELT hay TOEFL, học viên thường bị kéo thời gian học lên gấp đôi, gấp ba so với dự kiến. Và đây cũng là một lý do khiến trình độ Anh ngữ quốc tế của học sinh, sinh viên VN ở mức trung bình, làng nhàng là phần nhiều.

Còn bao nhiêu chuyện hậu Cambridge?

Gian nan như vậy, nhiều bậc cha mẹ chỉ còn cách nghiến răng đổ tiền cho con đi nước ngoài học Anh ngữ như một khóa học dự bị trước khi vào chính khóa. Thực ra đây là những việc chẳng đặng đừng, bởi vì giá học tiếng Anh ở nước ngoài là quá đắt đỏ. Một khóa rẻ cũng dăm ngàn USD (ngắn hạn trong vòng 3-6 tháng) và đắt thì chừng 10-15.000 USD (nếu theo năm). Chưa kể tiền chi phí đi lại ăn ở cũng tốn thêm từ một nửa đến bằng cả số học phí tùy vào quốc gia chọn học.

Một nỗi khổ là, khi học tiếng Anh trong nước chưa đâu vào đâu thì đi du học chỉ để học tiếng Anh cũng cực kỳ phiêu lưu. Không ít học sinh, sinh viên sang học hoài, học mãi mà vẫn giậm chân tại chỗ. Cho đến khi trò chán thày, thày ngán trò, tiền cạn thì lại trở về nhà, không tài nào vào nổi khóa học chính thức.

Dù muôn vàn gian nan, nhu cầu học tiếng Anh của học sinh VN là rất lớn và các gia đình cũng không thể không đầu tư vì tương lai con em mình. Vì vậy nên những chương trình thiếu minh bạch như Cambridge có thể lọt vào các trường học dễ dàng để trục lợi. Rồi từ sự tham lam tệ hại của những nhà quản lý mà học sinh và cha mẹ oằn lưng gánh chịu tiền mất, tật mang.

Nhưng ngay cả nếu không có chương trình này thì vẫn có thể thấy việc dạy và học tiếng Anh ở VN còn tồn tại quá nhiều bất hợp lý. Biết bao nhiêu tiền của, thời gian của người dân và xã hội đang bị tiêu tốn vào vòng luẩn quẩn bởi sự tụt hậu của ngành giáo dục trong việc triển khai dạy và học tiếng Anh.

Vì vậy, muốn nâng cao trình độ Anh ngữ cho học sinh, cần thay đổi  việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường một cách bài bản và hiệu quả. Đơn giản nhất là bắt đầu từ việc từng bước chắc chắn chọn ra một chương trình hợp lý theo chuẩn quốc tế, đào tạo thày cô bài bản, gia tăng xã hội hóa giáo dục cùng tổ chức thi cử minh bạch. Nếu chỉ thay đổi bằng các đề án đao to búa lớn, nặng hình thức, kém thực chất, hoặc tạo tiếp kẽ hở cho trục lợi, thì sẽ còn nhiều câu chuyện hậu Cambridge sẽ xảy ra.

  • Nguyễn Anh Thi

Bài cùng tác giả:

'Run tim' vì một thay đổi tác động hàng triệu người

Dù chọn phương án kỳ thi quốc gia nào, cũng sẽ có nhiều thay đổi trực tiếp liên quan đến số phận của hàng triệu học sinh.

Thi học sinh giỏi ở Mỹ và luyện 'gà chọi' ở... VN

Từ cách chuẩn bị cho đến cách thi và lựa chọn học sinh giỏi của Mỹ thật khác xa cách làm ở VN hiện nay.

Đường lên đỉnh Olympia hay đường 'cắm chốt'... Australia?

Hóa ra duy chỉ có một nhà vô địch về nước làm việc, còn lại thì cắm chốt ở... Australia. Đến độ đã có người đề nghị vui là đổi tên cuộc thi thành Đường lên đỉnh... Australia cho tiện.