Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hiện thực hóa chiến lược đặt châu Á làm trọng tâm của mình bằng chuyến thăm châu Á chỉ vài tuần sau khi ông tái đắc cử.
Tổng thống Mỹ Barack Obama |
Củng cố Thái Lan
Trong chuyến công du tới các quốc gia châu Á lần này, ông Obama có các chặng dừng chân ở Myanmar, Thái Lan và Campuchia.
Trước khi ông Obama tới Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã có chuyến đi mở đường tới Bangkok và hồi sinh lại quan hệ đồng minh quân sự. Mỹ và Thái Lan coi đây là một quan hệ đối tác an ninh thật sự của thế kỷ 21.
Theo thỏa thuận mà hai bên đã ký, Bangkok sẽ hỗ trợ ‘đảm bảo hiện diện’ của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đổi lại, Mỹ sẽ giúp hiện đại hóa quân đội Thái Lan, đồng thời giúp củng cố vị thế của Thái Lan trong các thể chế khu vực.
Ông Obama cũng có cuộc diện kiến với Quốc vương Bhumibol Adulyadej – người mà ông coi là ‘người bạn lâu năm nhất’ tại Thái Lan. Trên các mặt báo tràn ngập thông tin về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.
Tờ The Nation của Thái còn cho rằng theo kết quả của một thăm dò mới đây, ông Obama còn nổi tiếng hơn cả nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra. Trên một bài báo khác của tờ The Nation còn nói rằng sự xuất hiện của Obama làm lu mờ cả ngài Thủ tướng Trung Quốc khi mà nội các Thái quyết định tham gia một loạt kế hoạch do Washington tài trợ để ủng hộ cho vai trò của Mỹ trong khu vực cả về lĩnh vực kinh tế cũng như quân sự.
Trong khi đó, lần này ông Ôn Gia Bảo cũng lưu lại Thái Lan nhưng không có nghị trình gì đặc biệt. Động thái này khiến cho một số nhà quan sát trong nước nghĩ rằng chính phủ Thái có thể đang coi trọng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ hơn, và rằng cách mà Thái Lan ứng xử với hai siêu cường đang có sự thiên vị nhất định.
Thổi bùng Myanmar
Nếu như tại Thái Lan, Mỹ củng cố vị thế quân sự và kinh tế, thì tại Myanmar, Tổng thống Obama lại thổi bùng cảm hứng cho quốc gia đang trên đà cải cách theo hướng dân chủ.
“Khi trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Myanmar, Tổng thống [Barack Obama] đang ủng hộ và tán thành các cải cách đang tạo đà cho các nhà cải cách và thúc đẩy tiến bộ đang diễn ra. Các cuộc gặp của Tổng thống cũng như bài phát biểu trước người dân Myanmar cũng là một cơ hội để xác nhận những tiến bộ đang được thực hiện” – Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Thomas Donilon khẳng định trước chuyến công du của Tổng thống Obama.
Đúng như những gì mà ông Donilon nói, trong chuyến thăm ‘lịch sử’ tới quốc gia vừa có bước đi táo bạo là mở cửa và cải cách dân chủ, ông Obama đã kêu gọi các biện pháp cải cách hơn nữa khi vừa đặt chân tới Myanmar.
Đón chào ông là những đám đông người dân ở hai bên đường. Hàng chục ngàn người đã cầm cờ, hoa vẫn chào và một số hô vang ‘Mỹ, Mỹ’. Số khác thì hô “Obama, tự do” trên các đường phố nội đô.
Các nhà báo tấp nập đưa tin và không giấu nổi vẻ háo hức và cảm hứng từ chuyến đi này cả tuần trước đó trên các trang mạng xã hội. Ông Obama nói rằng mục đích của việc ông tới Myanmar là để ‘duy trì đà dân chủ hóa’ tại quốc gia Đông Nam Á này.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng chuyến thăm của ông không phải là để ‘tán thành’ đối với chính quyền Myanmar, mà là một ‘sự ghi nhận’ đối với các tiến triển trong quá trình cải cách.
Trên thực tế, đối với ông Obama thì chuyến thăm này được coi như một cú huých chính trị đối với Tổng thống Mỹ, và là một sự thúc đẩy quan trọng đối với Tổng thống Myanmar Thein Sein - đặc biệt là khi ông đang vấp phải các trở lực từ phía những người theo đường lối cứng rắn trong chính quyền khi họ đối mặt với sự thay đổi chính trị quá nhanh trong thời gian qua.
Tái xác lập vị thế tại Campuchia
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị Đông Á diễn ra tuần này tại Phnom Penh, Tổng thống Obama sẽ phải đối diện với các vấn đề nóng trong khu vực vốn đang cần tới một sự xác nhận rõ ràng của Mỹ, đặc biệt là với chiến lược hướng Á, bên cạnh việc trước đó Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố rằng “Mỹ là cường quốc Thái Bình Dương”.
Một trong những vấn đề nóng nhất tại hội nghị lần này (cũng như những lần gần đây) đó là tranh chấp tại Biển Đông và các cách thức để đảm bảo cho bản Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử giữa các bên liên quan tại Biển Đông được triển khai.
Tại hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng Bảy vừa qua cũng tại Phnom Penh, các quốc gia Đông Nam Á đã không đạt được một tuyên bố chung chỉ vì vướng mắc trong vấn đề liên quan tới biển Đông. Nhiều nhà bình luận cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy yếu tố gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN khi mà một số quốc gia trong hiệp hội đang thiên về các cường quốc khác nhau trong khu vực.
Tham dự hội nghị lần này, ông Obama sẽ có cuộc hội đàm với các lãnh đạo ASEAN, dự kiến gặp gỡ song phương với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda.
Cố vấn an ninh Donilon cho biết quyết định tham gia vào hội nghị Đông Á được đưa ra sau vài ngày tranh cãi tại Nhà Trắng. “Chúng tôi đã đạt được quyết định đó theo cách sau: Một là bạn đặt cả vào đó, hoặc là bạn không liên quan gì tới chiến lược này. Và Tổng thống nói rằng Mỹ ‘đặt cả’”.
Một trong những cố vấn về chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Obama là Ben Rhodes nhận định: “Chúng tôi coi đây là một cơ hội để tăng mạnh xuất khẩu, nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và thúc đẩy các giá trị, quyền lợi của Mỹ đã được đề ra trong chuyến công du này”.
Về cơ bản, đó là những mục tiêu mà Mỹ cần đạt được trong loạt chuyến thăm dồndập của bộ ba quyền lực Mỹ là Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta. Còn riêng về phần ông Obama, dấu ấn của ông tại châu Á ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ hai sẽ xác lập thêm di sản trong chính sách đối ngoại của mình.
“Tiếp tục thực thi việc đặt châu Á làm trọng tâm sẽ là một phần then chốt trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống [Obama] và sau cùng là cho di sản chính sách đối ngoại của ông” - ông Rhodes nói.
- Lê Thu (Tổng hợp)