Khởi đầu trong một game sinh tồn nhiều người chơi, bạn vào vai một đứa trẻ đang khóc oe oe. Một nhân vật người mẹ chạy đến, "nhặt" nhân bạn lên và khiến bạn thôi không còn khóc.

Bà mẹ nói: "Xin lỗi con... Nhưng con sẽ là một người hái lượm nhé".

Một nhân vật bà mẹ khác đi qua và một đứa trẻ khác cũng bất ngờ xuất hiện. Bà mẹ này nói: "Nếu mẹ đem con về... Con sẽ trở nên hữu dụng chứ?". Người chơi đóng vai nhân vật đứa trẻ giống bạn, do mới chơi công thêm tính "toxic" sẵn trong máu nên đáp ngay lại: "Không".

Bà mẹ kia liền nói: "Xin lỗi nhé... có nhiều miệng ăn nữa đang chờ ở nhà" và bỏ lại đứa bé. Nhân vật của anh chàng kia... tử nạn chỉ trong vài giây sau. Bạn biết thân biết phận, không nói gì và được mẹ mình đem về nhà dậy cách... bắt thỏ. Được một lúc, mẹ đem bạn đến một vùng phía Bắc và thả bạn ở đó cùng lời nhắn "Chúc may mắn". Bạn chết đói chỉ vài phút sau...

Đó chình là "One Hour, One Life" (OHOL) - một game sinh tồn nhiều người chơi được phát triển bởi anh chàng đại tài Jason Rohrer. Trò chơi này gần giống với game "Don't Starve" nổi tiếng, nơi người chơi được tương tác với thế giới xung quanh, tuy nhiên OHOL lại đặc biệt hơn rất nhiều, bởi nhân vật trong game chỉ có khoảng... 1 tiếng để tồn tại!

Game sinh tồn siêu "dị", khi mỗi nhân vật chỉ có 1 tiếng để sống

Ở game này, nhân vật của mỗi người chơi chỉ có khoảng 1 tiếng để sống và làm việc, mỗi phút trải qua tương đương với 1 năm tuổi. Khi nhân vật của bạn còn nhỏ, bạn sẽ được người chơi khác (đã trưởng thành) đến... nhặt lên và nuôi nấng, đến khi bạn già hơn, bạn sẽ học cách kiếm tài nguyên và xây dựng cuộc sống cùng cộng đồng người chơi.

Đến khi "chín muồi", bạn cũng đi nhặt những đứa bé khác về để dạy bảo. Khi hết 1 tiếng (hoặc ít hơn nếu bạn gặp nạn), nhân vật của bạn qua đời và lại lặp lại vòng đời từ 1 đứa trẻ, được người chơi khác đem về... Cứ như vậy, xây dựng nên hẳn một nền văn minh trong game, khi mỗi người chơi chỉ là một mắt xích nhỏ trong vòng tuần hoàn lớn. Trên thực tế, không nhân vật nào trụ nổi quá 100 phút.

Các công việc chính của người chơi sẽ gồm thu thập tài nguyên, kết hợp chúng để tạo ra các món đồ vật. Thu hoạch lúa gạo, kiếm thức ăn để không bị chết đói, dệt sợi, tạo nên các công cụ làm việc v.v...

Vòng đời của một nhân vật trong game, chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng

Trò chơi sau khi ra mắt đã gây được sự chú ý lớn của cộng đồng. Bởi cách chơi vô cùng mới lạ và kỳ quái của nó. Nhiều người còn cho rằng, OHOL đã đề cập đến cả những vấn đề về văn minh loài người, về đạo đức người chơi và cả những ý nghĩa cao siêu hơn.

Meta game đặc biệt "đoàn kết thì sống, xa nhau thì chết" của One Hour, One Life

Khi bắt đầu game, người chơi sẽ không có gì trong tay, thậm chí "trần như nhộng", lúc này, họ sẽ cùng nhau khám phá thế giới và bắt đầu xây dựng cộng đồng. Xây làng xóm, làm công cụ, trồng cây, làm hệ thống tưới tiêu, v.v...

Mỗi khi nhân vật qua đời, tất cả những gì mà người chơi xây dựng được trong khoảng 1 tiếng qua sẽ không hề bỏ phí, mà sẽ hữu ích cho những người sau. Qua một thời gian, một ngôi làng còn có thể trở thành cả một thành phố.

Kết hợp cùng nhau để sinh tồn, đó chính là meta game của OHOL

Như vậy, một khía cạnh rất hay ho mà OHOL có thể đem lại, đó là gắn kết cộng đồng. Một vài cộng đồng gaming từ trước tới nay vẫn được coi là khá "toxic", hay không đoàn kết. Ví dụ như trong các game đòi hỏi tính đồng đội cao như Dota 2 hay LOL.

Tuy nhiên, OHOL của Rohrer lại vô hình chung, buộc người chơi phải kết hợp với nhau cho mục tiêu chung, nếu không cả nền văn minh sẽ sụp đổ về con số 0, đó chính là meta game vô cùng đặc biệt mà anh Rohrer tạo nên.

Nhà phát triển này còn chia sẻ trong một email về game của mình:

"Hầu hết đều cho rằng game này sẽ không hoạt động. Thế nhưng thực tế nó khá thành công. Người chơi chăm sóc cho các em bé và dạy dỗ chúng. làm việc cùng nhau, lập nên các tổ sản xuất, phân công lao động. Các nền văn hóa và luật pháp được lập nên".

Các luật lệ được lập ra là tối quan trọng, bởi nếu không có chúng nhằm phạt những ai không chịu hợp tác, cả khu vực đó sẽ không thể phát triển được.

Ngoài ra, Rohrer còn xây dựng sao cho, người chơi có thể đi từ tiền sử đến siêu hiện đại, có cả robot, đường cao tốc, xe bay và hơn thế nữa. Hoặc những tình huống như săn bắn quá mức, hủy hoại môi trường cũng đem lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Chính những khía cạnh giống thực tế như vậy mà OHOL đã gây nghiện cho không ít người chơi.

Nếu khai thác tài nguyên quá mức, cả một làng có thể bị đói và gặp hậu quả nghiêm trọng

Rohrer nói thêm về tình hình trong game:

"Hiện tại, dòng họ gia đình dài nhất ghi nhận được là 23 thế hệ. Game khi đó đã ra được một tuần, gia đình này chỉ tồn tại được có 5 tiếng đồng hồ trước khi bị xóa sổ. Thế nhưng những con số luôn tiếp tục tăng lên, ngày qua ngày".

OHOL không hề có đồ họa đẹp mắt, thay vào đõ là những nét vẽ 2D do chính Rohrer tạo nên từ mực và giấy. Hơn nữa, anh không hề đưa game lên nền tảng Steam mà đã lập riêng một website.

Các bạn có thể tham khảo và tải game về tại trang web onehouronelife.com với giá 20 USD. Lưu ý rằng, trò chơi siêu đặc biệt này cũng có tính gây nghiện rất cao đấy nhé!

Theo GenK