Với quyết định này, ông Joe Biden đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử xem các vụ thảm sát người Armenia là "diệt chủng". Dù vậy, quyết định này sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào một vòng xoáy căng thẳng mới.
Trong tuyên bố được phát đi từ Nhà Trắng, ông Biden cho biết người dân Mỹ tôn vinh "tất cả những người Armenia đã thiệt mạng trong các cuộc diệt chủng do Đế quốc Ottoman gây ra cách đây 106 năm".
Hàng nghìn người Armenia biểu tình ngoài Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Beverly Hills, California tháng 10/2020. Ảnh: Los Angeles Times |
“Suốt nhiều thập kỷ, những người nhập cư Armenia đã làm giàu cho nước Mỹ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng họ chưa bao giờ quên được trang sử bi thảm này", ông Biden cho biết. "Từ ngày 24/4/1915 với việc bắt giữ những người trí thức và lãnh đạo cộng đồng người Armenia của chính quyền Ottoman, trên 1,5 triệu người Armenia đã bị trục xuất, bị tàn sát hoặc đầy đọa tới chết".
“Chúng ta tôn vinh câu chuyện của họ, nhìn thấy nỗi đau đớn của họ, và khẳng định tính lịch sử của họ. Điều này không phải để đổ lỗi mà để đảm bảo rằng những gì đã xảy ra sẽ không bao giờ được lặp lại ”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh
Và để xoa dịu tình hình căng thẳng có thể xảy ra với Thổ Nhĩ Kỳ, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng, Washington vẫn tiếp tục xem Ankara là đồng minh quan trọng của NATO, và đang khuyến khích Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi các biện pháp hòa giải.
Suốt nhiều thập kỷ, các biện pháp thừa nhận tội ác diệt chủng của người Armenia đã bị hầu hết các đời tổng thống Mỹ đình trệ, do lo ngại điều này sẽ gây tổn hại mối quan hệ đối với Thổ Nhĩ. Trước thời ông Joe Biden, chỉ có Ronald Reagan là Tổng thống Mỹ duy nhất công khai gọi các vụ thảm sát người Armenia là tội ác diệt chủng.
Trong một bức thư gửi tới tổng thống Mỹ, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan viết rằng thông điệp của ông Biden đã được người dân Armenia trong nước và trên toàn thế giới hưởng ứng với “sự nhiệt tình lớn lao”. Raffi Hamparian, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia người Armenia tại Mỹ, gọi lập trường này giúp Mỹ xoay trục về phía "nền công lý xứng đáng và nền an ninh cần thiết cho tương lai của Armenia".
Về phần mình, chính phủ và hầu hết phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy sự thống nhất hiếm có trong việc phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Joe Biden. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này “hoàn toàn bác bỏ” quyết định của Mỹ mà theo ông, “chỉ dựa trên chủ nghĩa dân túy”, trong khi phe đối lập cho rằng đây là một “sai lầm lớn”.
Trước đó một năm, khi còn là ứng cử viên tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã có động thái tưởng niệm 1,5 triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em Armenia thiệt mạng trong những năm cuối cùng của Đế quốc Ottoman, và nói rằng ông sẽ nỗ lực để công nhận những vụ giết người này là một tội ác diệt chủng.
Việt Anh
Dấu ấn trong 100 ngày cầm quyền của ông Biden
Trở lại trạng thái bình thường ở Nhà Trắng là điều quan trọng hơn bất kỳ thành tích chính sách nào.
Ông Trump bất ngờ đưa ra lời khuyên cho Tổng thống Biden
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc người kế nhiệm khôi phục lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia Hồi giáo, để giữ cho nước Mỹ an toàn trước "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan".