- Anh Guyện chia sẻ: "Chúng tôi quanh năm chỉ sống với núi rừng, không được học hành gì nhiều, ngoại ngữ càng không biết. Có hôm khách hỏi khăn tắm tôi lại mang dầu gội đầu cho họ… ".
Loại hình du lịch homestay (dịch vụ ăn, nghỉ tại nhà người dân địa phương) không còn xa lạ với một số vùng như Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai) nhưng với bà con người Dao đỏ huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) thì đây là một loại hình du lịch còn khá lạ lẫm.
Cách Thủ đô Hà Nội hơn 300km, Hoàng Su Phì được biết đến là một huyện thuộc biên giới tỉnh Hà Giang, cuốn hút khách du lịch bởi những cung đường uốn quanh núi đồi hiểm trở, từ đó, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn những ruộng bậc thang hun hút.
Đặc biệt, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nơi đây đã tạo nên bức tranh văn hóa truyền thống với những lễ hội, phong tục cổ xưa.
Hình ảnh ở một homestay của người Dao đỏ. |
Lượng khách du lịch ghé thăm Hoàng Su Phì ngày một tăng đã thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, một trong những dịch vụ được đầu tư rầm rộ nhất ở đây là homestay.
Thế nhưng để có một homestay đạt chuẩn đã khó, duy trì và đẩy mạnh hoạt động nó đang khiến nhiều bà con người Dao đỏ bối rối.
Gia đình anh Triệu Mệnh Guyện, ở bản Nậm Hồng, xã Thông Nguyên đầu tư 160 triệu để xây dựng một homestay phục vụ khách du lịch trong nước và nước ngoài.
Một homestay của gia đình người Dao đỏ nhìn từ bên ngoài |
Với một người dân bản quanh năm sống dựa vào những thửa ruộng bậc thang thì số tiền trên với gia đình anh là một con số rất lớn, tuy nhiên nhờ nắm bắt được dự án phát triển du lịch cộng đồng của huyện Hoàng Su Phì dưới sự rót vốn của một tổ chức phi chính phủ, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư.
Homestay của anh Guyện hoàn thiện sau hơn 6 tháng bắt tay thực hiện gồm một số hạng mục chính như nhà ở, chăn, nệm, các công trình phụ, sân khấu giao lưu các chương trình văn hóa người Dao đỏ.
Cũng từ đây, các đợt khách đến với mô hình du lịch mới của gia đình anh Guyện nhiều hơn. Trong số khách ghé đến, phần nhiều là người nước ngoài.
Anh Triệu Mệnh Guyện (bên phải). |
Anh Guyện chia sẻ: "Chúng tôi quanh năm chỉ sống với núi, với rừng không được học hành gì nhiều, ngoại ngữ càng không biết. Do đó, thời gian đầu hầu như chúng tôi không giao tiếp hay trao đổi được mà chỉ dùng các cử chỉ, hành động để đảm bảo các yêu cầu của khách".
Anh kể thêm: “Thật sự, lúc đầu tôi và gia đình khá chán nản vì không biết khách muốn gì. Có hôm khách hỏi khăn tắm thì tôi lại mang dầu gội đầu. Đặc biệt là khi ăn uống tại nhà, có những món mình không biết họ muốn điều chỉnh như thế nào, thêm bớt gia vị gì… ".
Về sau, gia đình anh Guyện mua được điện thoại có thể truy cập internet để vào tra từ điển, mỗi lần khách yêu cầu gì thì hai bên đều thông qua điện thoại để giao tiếp. Mọi chuyện dễ dàng hơn nhưng đó không phải cách tối ưu khi mất nhiều thời gian để trao đổi.
Anh Guyện chia sẻ: “Bây giờ hai vợ chồng tôi thống nhất, tôi ở nhà lo công việc của homestay, còn vợ sẽ xuống huyện học ngoại ngữ, sau này để giao tiếp cơ bản với khách nước ngoài. Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn”.
Chấp nhận phát triển mô hình homestay, nhiều gia đình ở xã Thông Nguyên phải thay đổi các thói quen, tập quán sinh hoạt cũ.
Một trong những điều khó khăn nhất đó chính là chuyển dời chuồng trại trâu, bò ra khỏi khu vực nhà ở. Vì đa phần các hộ dân ở đây chuồng trại đều nằm sát nhà ở, phân chuồng gây ô nhiễm, cản trở phát triển du lịch.
Mô hình này đang thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài |
Ông Bàn Quẩy Cháng, chủ một homestay ở bản Tân Phong, xã Hồ Thầu là một trong những hộ dân tiên phong trong việc di dời chuồng trại.
Ông Cháng cho biết: “Chúng tôi phải mất mấy tháng trời mới đi đến quyết định chuyển dời chuồng trại ra xa nhà hàng trăm mét. Người dân chúng tôi bao đời nay đều quen cách để trâu bò gần nhà như vậy, giờ nói thay đổi luôn thì không phải ngày một, ngày hai”.
“Sau khi có cán bộ và chủ đầu tư các dự án du lịch đến phân tích, thuyết phục, nhận thấy được lợi ích của việc thay đổi này không chỉ với du lịch mà còn cả sức khỏe của cả nhà nên tôi quyết định làm”, ông Bàn Quẩy Chảng tâm sự.
Ngoài các rào cản về ngôn ngữ, về thay đổi các tập quán của dân bản, điều khó khăn đang khiến du lịch ở Hoàng Su Phì, Hà Giang chậm phát triển là địa hình hiểm trở, giao thông giữa các bản vẫn còn khó khăn. Để đến được với các bản có mô hình homestay ở đây, du khách phải trải qua những cung đường đèo hiểm trở, uốn lượn quanh các ruộng bậc thang.
Có nhiều đoạn đường dẫn vào bản chưa trải nhựa, đường nhỏ hẹp, khiến việc tiếp cận các bản rất khó khăn. Chính vì thế, giao thông khó khăn đang là một trong những cản trở lớn nhất đối với phát triển du lịch ở Hoàng Su Phì, Hà Giang.
Theo một số ‘ông chủ’ homestay tại Hoàng Su Phì, cuộc sống của gia đình họ dần thay đổi khi phát triển du lịch, lượng khách ghé thăm theo thời gian cũng tăng lên đáng kể, tư duy về làm du lịch của họ ngày một thay đổi.
Càng ngày họ càng đầu tư sâu hơn về các dịch vụ du lịch, hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, các dịch vụ trải nghiệm như bắt cá ở ruộng bậc thang…
Khó khăn ban đầu với bà con người Dao đỏ là trải nghiệm để họ hiểu và hoàn thiện hơn khi xác định chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ nơi núi rừng cao nguyên đá.
'Chuyện tình ri đô' trong những căn biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội
Nhóm công nhân hàng chục người thuê ở trong nhiều căn biệt thự bỏ hoang ở Hà Nội. Với các cặp vợ chồng, họ dùng những tấm ri đô ngăn cách với bên ngoài để làm "chốn riêng tư".
'Đừng lo lắng và hãy chờ nhé, em sẽ đi tìm anh'
Câu chuyện cảm động về một cặp vợ chồng ở Trung Quốc đã chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, cái chết cũng không thể chia cắt những mối tình sâu nặng.
Chuyện tình như mơ của giai nhân Hà thành và con học giả lừng lẫy
Sinh ra trong một gia đình giàu có, bà Lê Thị Tý, giai nhân trường Đồng Khánh, đã làm dâu một gia tộc danh giá mà nhiều sóng gió của học giả Nguyễn Văn Vĩnh khi ở độ tuổi xuân thì…
Nam Phương