- Liệu tăng trưởng có dựa vào khai thác dầu thô, than đá như một số đại biểu Quốc hội cảnh báo, và đâu là những nút thắt cho phát triển? Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung trao đổi với Tuần Việt Nam.

Gần đây, đại biểu Quốc hội đánh giá mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào khai thác dầu thô và than. Là thư ký cho Ban tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ, ông nhìn nhận đánh giá này thế nào?

Trước hết, nói tăng trưởng dựa vào than, dầu thì nên hiểu thế nào? Trước đây, khi tăng trưởng có nguy cơ không đạt mục tiêu của Quốc hội, thì Chính phủ khai thác thêm vài triệu tấn dầu thô, than để đạt mục tiêu đó và có vài năm chuyện này rất rõ nét. Tuy nhiên, ngành khai khoáng chỉ đóng góp 0,26 điểm phần trăm cho tăng trưởng gần 6% trong suốt giai đoạn 2011-2015.

Số liệu thống kê 2 năm gần đây cho thấy, tăng trưởng không còn dựa vào khai thác than và dầu thô nữa. Thậm chí, khu vực khai khoáng còn tăng trưởng âm, tức bào mòn thành thích tăng trưởng. Nếu khai khoáng đóng góp như giai đoạn trước, thì tăng trưởng của hai năm qua sẽ còn cao hơn. 

{keywords}
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Vậy tăng trưởng dựa vào những yếu tố chủ yếu nào, theo ông?

Có vài yếu tố. Chẳng hạn tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo tăng lên mà chủ yếu do khu vực đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, năng suất lao động đã tăng lên gần 6 điểm phần trăm, cao hơn mức 3,8 điểm phần trăm giai đoạn 2011-2015. Chỉ số TFP đóng góp vào tăng trưởng cũng cải thiện, đóng góp tới 46% vào tăng trưởng. 

Tôi muốn nhấn mạnh, tăng trưởng không còn phụ thuộc vào khai khoáng như trước, chất lượng và năng suất có cải thiện. Tăng trưởng phần lớn nằm ở năng suất lao động, TFP do cải thiện chất lượng thể chế trong khuôn khổ hiện hành.

Một yếu tố nữa là áp lực của cá nhân Thủ tướng lên tăng trưởng là mạnh, dù rất nhiều người lo ngại. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ là người đặc biệt hiểu được cái giá của ổn định kinh tế vĩ mô. Trong điều hành ông Huệ luôn luôn nhấn mạnh phải ổn định kinh tế vĩ mô và về ngắn hạn cung tiền phải kìm chứ không thể thả bung ra như giai đoạn 2007-2012.

Có nhiều chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ chỉ cần lo ổn định kinh tế vĩ mô chứ đừng lo tăng trưởng, đó là công việc của thị trường và doanh nghiệp. Ông nhìn nhận ra sao?

Về nguyên tắc thì đúng như tế. Có bốn chỉ số vĩ mô quan trọng, gắn bó chặt chẽ với nhau là tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp và cán cân thanh toán. Trong nền kinh tế thị trường hoàn hảo thì Chính phủ chỉ giữ ổn định những chỉ số này để doanh nghiệp yên tâm sản đầu tư, sản xuất.

Vấn đề là ở chỗ, nếu Việt nam cố gắng duy trì các chỉ số đó mà không có tăng trưởng, thì có giữ được ổn định vĩ mô không?

Các thị trường của Việt Nam méo mó, tín hiệu lệch lạc, không ai đọc được thì Chính phủ vẫn đóng vai trò cần thiết trong khai thác dự địa của nền kinh tế để tăng trưởng. Chính phủ không thể thụ động chỉ ổn định kinh tế vĩ mô vì nếu chỉ tập trung nỗ lực vào đó mà không thúc đẩy tăng trưởng thì chuyện tín dụng, ngân sách sẽ bùng lên ngay. Trong bối cảnh hiện nay thì Chính phủ điều hành phải rất linh hoạt, rất nhạy bén.

Theo ông, Chính phủ có thể làm gì khác hơn không để thúc đẩy chất lượng tăng trưởng mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo là đang còn thấp?

Nhiều đại biểu Quốc hội nhận xét, chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện bao nhiêu và đáng lo về dài hạn, tôi cho là đúng. Dù tăng trưởng không còn phụ thuộc dầu, than như trước nhưng cơ chế phân bố nguồn lực vẫn cơ bản là xin cho, ban phát; tăng trưởng vẫn phải dựa nhiều vào khai thác các yếu tố đầu vào chứ không phải vào nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Theo tôi, phải thay đổi cách thức huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực. Phân bổ nguồn lực hiện nay là xin cho, chia chác. Nó là hệ quả của hệ thống luật, hệ thống thể chế mà trong đó Chính phủ chỉ có thể khai thác ở khía cạnh quản trị hay kỹ thuật với các nguồn lực chứ Chính phủ không thể khai thác được hiệu quả phân bố để nền kinh tế vận hành năng động hơn, tạo ra sản phẩm mới, công việc mới, dẫn dắt tăng trưởng có chất lượng về dài hạn.

Nguồn lực được phân bố theo kiểu xin cho, ban phát thì doanh nghiệp chỉ đi tìm kiếm chênh lệch địa tô chứ không phải tạo ra giá trị gia tăng. Toàn bộ năm thị trường các nhân tố sản xuất của ta không có, hoặc kém phát triển. Ví dụ, thị trường đất đai hầu như không có. Đất đai là nguồn lực quan trọng nhất mà lại không được thị trường hóa nên người ta trục lợi, xâu xé, trở nên giàu có, tham nhũng do chênh lệch địa tô.

Ví dụ, thị trường đất đai không có thì doanh nghiệp không dám đầu tư vào nông nghiệp, ngành nông nghiệp không thể phát triển được. Dù Nhà nước có đi giải phóng mặt bằng thì doanh nghiệp vẫn phải bỏ tiền ra đền bù, rồi thuê lại của Nhà nước và rồi mảnh đất đó vẫn không phải là tài sản của mình. Vậy doanh nghiệp nào đầu tư?

Luật Đất đai thiết kế theo cách, chỉ người nông dân địa phương mới có quyền sở hữu/chuyển nhượng đất nông nghiệp. Vậy là dù để đất hoang hóa hay đã thoát ly, người ta không rút khỏi tư cách nông dân vì rút là mất đất. Chính quyền thu ngay quyền sử dụng đất vì đất đai bị coi là công cụ sản xuất chứ không phải tải sản. Ông không còn là nông dân thì ông không được dùng công cụ đó nữa.

Luật được thiết kế theo cách hoàn toàn phi trị trường như thế thì không thể đưa nông dân ra khỏi nông nghiệp và không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Đất đai là nguồn lực cực kỳ lớn cho tăng trưởng, phát triển mà bị phân bổ méo mó như vậy thì làm sao mà tái cơ cấu được? Mà đó mới chỉ là một thị trường.

Những điểm nghẽn mà ông đang đề cập liên quan trực tiếp và chặt chẽ đến thể chế, luật pháp và đâu dễ gì giải quyết được từ phía Chính phủ?

Nghị quyết của Đảng từ lâu đã nói, phải xây dựng thị trường các nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường đất đai, trong đó nhấn mạnh quyền sử dụng đất nông nghiệp để các thị trường này đóng vai trò quan trọng trong phân bố nguồn lực. Vậy mà bao nhiêu năm nay bên lập pháp chưa để ý làm. Nếu Quốc hội không xây dựng các luật liên quan, Chính phủ không còn dư địa gì để tái cơ cấu. Chính phủ chỉ loay hoay bỏ mấy điều kiện kinh doanh, cải cách hành chính chứ không thể mở rộng được quy mô thị trường, không thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực để tạo ra động lực tăng trưởng. 

{keywords}
Thể chế không khuyến khích cách làm mới thì sẽ đẩy người tài đi, vuột mất cơ hội và chúng ta còn tụt hậu dài vì thế giới đang thay đổi rất nhanh. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thực tế là có nhiều đại biểu nắm giữ các chức vụ bên hành pháp và họ chịu nhiều sức ép của vị trí họ nắm giữ bên hành pháp. Kết quả là các bản quyết toán ngân sách với bội chi vượt dự toán luôn được thông qua. Thêm vào đó là tình trạng nhiều luật vừa thông qua đã phải sửa…

Đúng là có tình trạng chất lượng luật chưa được quan tâm đúng mức, có không ít luật được trình ra để sửa vài điều, vài chữ. Nhiều đại biểu lại là quan chức hành pháp địa phương nên phải bảo vệ lợi ích địa phương như xin con đường này, bệnh viện kia.

Chẳng hạn, vừa rồi có đại biểu nói đến dự án đội vốn ở Ninh Bình thì có ngay đại biểu Ninh Bình đứng lên phản biện, chúng tôi làm tốt lắm. Tôi cứ có cảm giác, họ đại diện cho doanh nghiệp nào gắn với dự án đó. Hơn nữa, theo cơ cấu rất nhiều đại biểu là của bên hành pháp từ trung ương tới địa phương nên thiếu thời gian suy nghĩ để làm luật.

Tôi cũng nhận thấy tình trạng thiếu vắng các chuyên gia giỏi trong các đại biểu chuyên trách, trong các ủy ban. Quốc hội nắm quyền quyết định trong xây dựng pháp luật, cải cách thể chế mà nếu chất lượng của thể chế, luật pháp chưa tốt, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển thì Chính phủ cũng khó có thể làm gì khác hơn.

Cách làm luật vẫn phân tán, chia cắt theo các bộ, ngành. Trong một số trường hợp, lẽ ra Chính phủ nên thống nhất và khi thấy chất lượng chưa tốt thì chưa trình. Tuy nhiên, Quốc hội mà không thực sự chủ động trong xây dựng luật thì chất lượng luật có thể chưa tốt, chưa nói đến tình trạng thiếu các luật để thúc đẩy, khơi thông thị trường như tôi vừa nói.

Nếu xây dựng luật pháp theo kiểu chỉ cho người dân làm những gì mà Nhà nước biết thì vừa không tạo được không gian cho người dân và doanh nghiệp phát triển, vừa không tạo ra áp lực cho cơ quan nhà nước, cho công chức nhà nước để nâng cao năng lực, ứng phó với các vấn đề phát sinh. Kết quả là mình luôn thụ động và co lại. Thể chế không khuyến khích cách làm mới thì sẽ đẩy người tài đi, vuột mất cơ hội và chúng ta còn tụt hậu dài vì thế giới đang thay đổi rất nhanh.

Ông có thể ví dụ?

Có những dự thảo luật gần đây mà nếu được ban hành chỉ có lợi cho cơ quan quản lý thôi. Có dự thảo mà được thông qua thì GDP giảm 1,7 điểm phần trăm, theo nhiều tổ chức tính toán.

Theo tôi, đó mới chỉ là tính toán mức giảm, chứ chưa đo lường được những thiệt hại cho tương lai phát triển. Nó triệt tiêu những đổi mới, sáng tạo trong nước, đồng thời ngăn cản du nhập những tiến bộ của thế giới. Người Việt Nam trong lĩnh vực đó không làm được ở đây, muốn làm phải đi ra nước ngoài. Ta không tạo được thể chế để tận dụng cơ hội của cách mạng 4.0. Chúng ta tham gia nó ngay bây giờ hay không bao giờ?

Ba cuộc cách mạng trước chúng ta đã bỏ lỡ, lần này chúng ta hiểu biết mà còn làm như thế chắc chắn bị bỏ lỡ. Vì thế, chất lượng của thể chế quyết định tái cơ cấu có thành công hay không và quyết định sự phát triển tương lai của đất nước. Đây rõ ràng là vai trò của cơ quan lập pháp. 

Trả lời tại phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 26/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói: “Những nút thắt để huy động lực lượng doanh nghiệp vào cuộc với ngành nông nghiệp là đất đai, tín dụng và một số mặt khác. Chúng ta có nhiều cố gắng về tín dụng, nhưng nhiều mặt vẫn còn bất cập, đặc biệt đất đai. (Chúng ta cần) cố gắng làm sao cho tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện tốt hơn để doanh nghiệp trở thành nòng cốt trong nông nghiệp. Khâu này chúng ta còn đang rất yếu.

Phải tháo gỡ, vừa bằng thể chế, vừa bằng cơ chế, chính sách để đưa thêm nhiều thành phần kinh tế, kể cả hợp tác quốc tế, vào phát triển khu vực này”.

Tư Giang thực hiện

Thủ tướng và chuyện tìm giải pháp bền vững phát triển ĐBSCL

Thủ tướng và chuyện tìm giải pháp bền vững phát triển ĐBSCL

Các thách thức dự báo sẽ đến nhanh hơn đối với ĐBSCL. Chính phủ đã nhận rõ điều này và việc tìm giải pháp đã được thúc đẩy nhanh chưa từng có.

Thủ tướng gặp doanh nghiệp và Chính phủ hành động

Thủ tướng gặp doanh nghiệp và Chính phủ hành động

Cuộc gặp của Thủ tướng với doanh nghiệp với những quyết tâm hành động là tiếng pháo khai màn thúc giục bánh xe kinh tế trì trệ mấy năm qua dịch chuyển về phía trước.

‘Trái bóng” trong chân các bộ trưởng, đừng nên đẩy sang Thủ tướng!

‘Trái bóng” trong chân các bộ trưởng, đừng nên đẩy sang Thủ tướng!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp cuối năm 2016 của Chính phủ cũng đã nhắc đến chuyện các bộ, ngành, địa phương "không nên đá quả bóng trách nhiệm lên Thủ tướng và các phó Thủ tướng".

Nghĩ về ly cà phê 8.000 của Thủ tướng

Nghĩ về ly cà phê 8.000 của Thủ tướng

Nói thế để thấy ý nghĩa không hề nhỏ của sự kiện lãnh đạo “vi hành” xuống phố, ra đồng, ghé chợ tìm hiểu việc thường ngày của dân như ăn phở, uống café sáng, trồng bán rau sạch… 

"Thủ tướng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có"

"Thủ tướng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có"

“Dân biết Thủ tướng đã luôn đôn đốc, nhắc nhở và sốt ruột thế nào trước sự chuyển động chậm chạp của bộ máy của mình. Nhưng rõ ràng sức ì của bộ máy Chính phủ vẫn còn quá lớn.”

Bà Phạm Chi Lan: "Thủ tướng đang cố lay chuyển bộ máy"

Bà Phạm Chi Lan: "Thủ tướng đang cố lay chuyển bộ máy"

Thủ tướng Phúc đã giải quyết nhanh một số vấn đề thực tiễn và cố gắng lay chuyển bộ máy của mình. Đó cũng là lời cảnh báo đối với cung cách lộng quyền.