Ngày 21/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Nhiều đại biểu quan tâm về các biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 36 dự thảo.

Không thể có nhân lực để  hằng giờ giám sát việc gặp ai, đi  đâu

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, trong 12 biện pháp xử lý chuyển hướng có 3 biện pháp cần cân nhắc kĩ về tính khả thi. 

Đó là các biện pháp cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới, hạn chế khung giờ đi lại và cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới. 

nguyenthivietnga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QH

“Những biện pháp này nghe rất hợp lý, nhưng thực tế để đi vào thực hiện hiệu quả lại vô cùng khó khăn. Chúng ta không thể có nhân lực để hằng ngày, hằng giờ giám sát việc gặp ai, đi tới đâu và đi vào những khung giờ nào của người chưa thành niên, trong khi các biện pháp này theo quy định của dự thảo là thời gian áp dụng ít nhất từ 3 tháng cho tới 1 năm”, đại biểu đoàn Hải Dương phân tích.

Để những biện pháp này có tính khả thi và hiệu quả, theo bà Nga, phải quy định rất rõ, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn nhân lực và những trang thiết bị để phục vụ nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng của người chưa thành niên phạm tội.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp chuyển hướng, đại biểu cho rằng, việc giao nhiều cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp này theo phương án 1 của dự thảo có nhiều ưu điểm mà báo cáo thẩm tra đã nêu. 

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, nên cân nhắc lựa chọn phương án 2 theo hướng chỉ tòa án có quyền áp dụng biện pháp này.

Bởi các biện pháp xử lý chuyển hướng có sự hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần giao cho tòa án. 

Hơn nữa, về bản chất những người này có tội nhưng vì là người chưa thành niên nên được xem xét không áp dụng hình phạt mà áp dụng biện pháp chuyển hướng. 

Theo quy định của Hiến pháp, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án.

Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành bản án để xác định người nào đã phạm tội gì, thuộc điều khoản nào, với lỗi vô ý hay cố ý… thì tòa án cũng là đơn vị xác định các trường hợp có được xử lý chuyển hướng hay không”, bà Nga lập luận. 

Cùng quan tâm đến quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị thực hiện theo phương án 2, đó là việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ do tòa án thực hiện nhưng không chỉ do cơ quan điều tra hay viện kiểm sát đề nghị mà tòa án hoàn toàn có quyền xem xét để quyết định. 

“Bởi lẽ, chúng ta có chính sách hình sự và tố tụng hình sự rất khác biệt so với các quốc gia khác”, ông Hoàn nói và dẫn quy định tại Điều 31 của Hiến pháp thì “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật”.

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu thực tế vẫn có tư tưởng lấy tư pháp của người lớn để xây dựng cho trẻ em, sau đó điều chỉnh một chút, giảm trừ một chút, giảm nhẹ một chút, trong khi “trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”, đặc biệt là trong khía cạnh tư pháp. 

“Tôi lấy ví dụ, vào năm 2015, khi Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự với sự ra đời của 3 biện pháp, bao gồm khiển trách, hòa giải và giáo dục tại cộng đồng để nhằm xử lý chuyển hướng và sớm kết thúc quá trình truy cứu hình sự. Khi đó các cơ quan tố tụng rất hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều cháu được áp dụng các biện pháp nhân văn này.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, qua 6 năm thi hành Bộ luật Hình sự, tổng kết cho thấy trên phạm vi cả nước chỉ có 35 cháu được áp dụng và trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 6 cháu được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cả nước”, bà Thủy dẫn chứng.

Bà Thủy chia sẻ, các cán bộ tố tụng cho biết, không phải các cháu không đủ điều kiện áp dụng mà bởi vì pháp luật hiện hành quy định trong 1 biện pháp có quá nhiều biện pháp cụ thể kèm theo và có quá nhiều nghĩa vụ phải thực hiện, dẫn đến các cháu và bản thân gia đình cũng đề nghị là xin không được áp dụng.

nguyenhoabinh 1.jpg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: QH

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng “phải tự nguyện”. Mục tiêu của xử lý chuyển hướng là các cháu phải tự nguyện và thấy được thiếu sót của mình để thành tâm sửa chữa chứ không ép buộc. 

Ông Bình phân tích, các cháu đang bị buộc tội có thể đứng trước hai sự lựa chọn: Hoặc đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hoặc chấp nhận quá trình điều tra, truy tố, xét xử thông thường và ra tòa. 

“Lựa chọn một trong hai trường hợp như vậy, tôi tin cả phụ huynh, cả các cháu đều lựa chọn phương án xử lý chuyển hướng”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình bày tỏ.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc khuyến cáo áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng để “nhẹ nhàng”, giúp các cháu không bị mặc cảm phải ra tòa vì khi ra tòa rất nặng nề và để linh hoạt. 

"Khi các cháu phạm lỗi phải bồi thường hay phải xin lỗi thì cơ quan điều tra chỉ cần nói "cháu đi xin lỗi bạn xong về có gì bồi thường cho bạn". Đi phá siêu thị, đập vỡ cửa kính xe là phạm tội nhưng các cháu xin lỗi, đi bồi thường là xong, không phải ra tòa nên linh hoạt”, ông Bình nêu tình huống.

Phương án 1: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS có thẩm quyền áp dụng 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trừ biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Thẩm phán, HĐXX có thẩm quyền áp dụng cả 12 biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại luật này.

Phương án 2: Tòa án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại luật này theo đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát.